Đào tạo nghề cho phụ nữ: Hiệu quả chưa cao
(Baonghean) - Mặc dù lao động nữ chiếm tỷ lệ khá cao ở nông thôn, miền núi nhưng số lao động được đào tạo nghề lại khá thấp. Trước thực tế này, tại nhiều địa phương thời gian gần đây đã rất chú trọng đến công tác đào tạo nghề gắn với tiêu thụ sản phẩm cho chị em. Tuy nhiên, đầu ra khó khăn cùng với những bất cập khác, hiệu quả đạt được chưa cao.
Nghề hương vốn là nghề truyền thống của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng ở xóm 5, xã Nghi Trường (Nghi Lộc). Thế nhưng, một phần vì bận công việc làng xã, một phần vì lo ngại khó tiêu thụ, nên bẵng đi một thời gian gia đình chị không sản xuất. Việc khôi phục nghề cũng chỉ mới bắt đầu một thời gian gần đây. Tuy vậy, thời gian đầu, gia đình chị cũng gặp không ít khó khăn, bởi trước đây làm hương theo kiểu cuốn tay truyền thống. Nay, chuyển sang cách làm mới, tuy năng suất gấp 7, gấp 8 lần nhưng để làm quen với máy móc, anh chị phải học lại từ đầu. Rồi lại phải tìm lao động, hướng dẫn cho họ cách cuốn hương, pha trộn nguyên liệu… Nhớ lại giai đoạn đầu đó, chị Hồng cũng đã thừa nhận gặp rất nhiều vất vả và “nếu không có sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện trong việc đào tạo nghề cho chị em phụ nữ thì công việc đã nan giải hơn rất nhiều”.
Khôi phục lại làng nghề làm hương thẻ ở làng Tây Lân, xã Nghi Trường cũng là một trong những mục đích chính của Hội Phụ nữ huyện Nghi Lộc khi đưa lớp học nghề làm hương về dạy cho chị em trong làng. Qua hơn một năm triển khai, với việc có gần 20 hộ khôi phục nghề và tạo việc làm cho hơn một trăm lao động, hiệu quả của kế hoạch đào tạo nghề đã thấy rõ. Tuy nhiên, vì đầu ra khó khăn nên dù là nghề truyền thống của làng, nhưng khi đi ra tiêu thụ vẫn phải mang thương hiệu của làng nghề khác ở Hà Nội. Đầu ra cũng là khó khăn chung của các nghề như: móc sợi ở xã Nghi Văn, mây tre đan ở Nghi Hợp, Nghi Công Bắc, Nghi Yên. Bên cạnh đó, dù Nghi Lộc là một trong những huyện đi đầu của cả tỉnh trong việc đào tạo nghề cho phụ nữ ở nông thôn và có đề án riêng, nhưng vì nguồn vốn của chương trình hạn chế. Trong khi đó, chức năng của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện có hạn nên nhiều nơi vì thiếu kinh phí do đó chưa thể tổ chức được lớp học nghề, tỷ lệ đào tạo nghề cho phụ nữ mới chỉ đạt 45%.
![]() |
Dạy nghề dệt thổ cẩm cho chị em ở huyện Con Cuông. |
Loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm sau khi đã đào tạo nghề và thành lập các xưởng sản xuất cũng là điều mà tôi đã gặp được ở lớp học nghề cho chị em phụ nữ của chị Hồ Thị Hồng Thúy, Hợp tác xã Thanh Thủy (xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn) hay ở lớp học nghề dệt thổ cẩm của chị Lương Thị Lan - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Mác, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương. Theo các chị, học nghề và làm nghề không khó, nhưng khó nhất là đầu ra, bởi lẽ hiện việc tiêu thụ đều chủ yếu là do các chị tự đứng ra liên hệ, thậm chí phải trực tiếp đi bán lẻ từng sản phẩm một. Như chị Thúy, ngoài gửi “mối” cho một số cửa hàng lưu niệm tại Khu Di tích Kim Liên, hàng tháng, chị phải đóng hàng để gửi vào cho em gái trong Thành phố Hồ Chí Minh để nhờ gửi bán…
Chị Lương Thị Phương Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳ Châu chia sẻ: Hiện 12/12 xã, thị trấn trong huyện đều đã mở được lớp học nghề dệt thổ cẩm và nghề làm hương trầm. Tuy vậy, để các lớp học duy trì thường xuyên là rất khó, vì hiện tại trong huyện chưa có lớp học nghề thổ cẩm riêng mà phải mượn trụ sở, hội quán hoặc nhà dân. Điều này cũng gây khó khăn trong quá trình vận chuyển máy móc, các thiết bị giảng dạy vì nghề dệt thổ cẩm phương tiện cồng kềnh. Hay, giáo viên đứng lớp cho nghề dệt thổ cẩm hiện nay chủ yếu chỉ dựa vào các nghệ nhân. Nhưng ngoài tay nghề cao thì hạn chế của các nghệ nhân là đã lớn tuổi, thiếu kỹ năng quản lý, thiếu kỹ năng sư phạm và thiếu các chứng chỉ cần thiết để mở các lớp học nghề theo đúng quy định. Vì vậy, tỉnh cần có kế hoạch dài hạn để dạy nghề dệt thổ cẩm một cách bài bản. Từ đó, tạo nguồn cho các huyện, xã trong việc duy trì và phát triển nghề lâu dài.
Tại Trung tâm Khuyến công Nghệ An, dù là đơn vị phối hợp tích cực nhất với các Hội liên hiệp phụ nữ các huyện, thành, thị để mở các lớp dạy nghề với gần 30 ngành, nghề, nhưng hiện tại, ông Hoàng Văn Dện – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công thừa nhận: có nhiều ngành nghề sau khi người lao động học xong đã không thể triển khai nghề được vì thiếu nơi tiêu thụ. Riêng nghề mây tre đan xuất khẩu, trước đây, năm nào trung tâm cũng mở lớp học nghề cho chị em phụ nữ, nhưng từ năm 2014 này, phải dừng vì đa phần lao động không mặn mà bởi ngày công thấp, sản phẩm làm ra hay bị trả lại, nguyên liệu cao.
Nói về công tác đào tạo nghề cho chị em phụ nữ ở vùng nông thôn, bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng Lao động việc làm, Sở Lao động Thương binh xã hội cho rằng: Hiện lao động nữ chiếm gần 60% số lao động được đào tạo nghề theo đề án 1956. Tuy vậy, việc triển khai công tác dạy nghề ở một số nơi còn chậm, thiếu đồng bộ, một số nghề chưa phù hợp với đặc điểm của tùng vùng, ngành kinh tế, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn mới, nhất là quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Quy mô đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu xã hội, chỉ mới có thể đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Vẫn còn tình trạng một số lớp, cơ sở dạy nghề chạy theo số lượng, còn chất lượng chưa cao; chưa phù hợp với nhu cầu của người học nghề và người sử dụng lao động.
Một số lao động học xong không phát huy được nghề đã học hoặc chỉ làm được một thời gian, thời vụ; thiếu sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ sở dạy nghề với các địa phương, các sở, ngành, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong việc dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Năng lực đào tạo nghề của các cơ sở dạy nghề, nhất là các Trung tâm dạy nghề còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ dạy nghề chưa theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ; đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu; chưa huy động được nhiều người dạy nghề (cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nông dân giỏi) tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn; công tác giảng dạy một số nơi còn nặng về lý thuyết, nguyên lý, thiếu thực tế, mô hình.
Để giải quyết tình trạng này, theo kinh nghiệm của bà Đinh Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nghi Lộc, trước khi triển khai công tác đào tạo nghề cần phải tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, khảo sát nhu cầu trên địa bàn, trên cơ sở đó, lên kế hoạch đào tạo nghề. Các ngành, nghề, đào tạo nghề, tốt nhất gắn với làng nghề hoặc nghề truyền thống vốn có để vừa có thể giữ nghề, vừa có thể gắn bó lâu dài. Bên cạnh đó, có thể đào tào tạo lao động gắn với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trên địa bàn; xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Tập trung nhân rộng các mô hình dạy nghề đã thí điểm có hiệu quả; dạy nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh. Ngoài ra, cũng phải thấy rằng, đào tạo nghề cho phụ nữ thì ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền cũng cần phải có sự vào cuộc của Hội Liên hiệp phụ nữ. Trên cơ sở đó, nắm bắt được đúng tâm tư nguyện vọng, nhu cầu, khả năng và những hạn chế của lao động nữ để kịp thời bổ sung, hỗ trợ cũng như xây dựng kế hoạch phù hợp với từng ngành nghề, từng địa phương và đặc thù của từng độ tuổi, từng dân tộc.
Mỹ Hà