Điểm tựa của ngư dân
(Baonghean) - Những năm qua, cùng với việc tăng cường đóng tàu to, máy lớn để vươn khơi bám biển, ngư dân các xã ven biển Diễn Châu còn thành lập các tổ tự quản về an ninh trật tự trên biển. Mô hình này không chỉ góp phần mang lại hiệu quả khai thác hải sản; giúp ngư dân tìm kiếm ngư trường đánh bắt; hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi gặp sự cố trên biển, mà quan trọng hơn giúp cho ngư dân yên tâm bám biển, thắt chặt và phát huy mạnh mẽ sức mạnh đoàn kết, đấu tranh với các hoạt động xâm phạm chủ quyền biển đảo.
Là xã mà người dân chủ yếu sống bằng nghề đi biển, Diễn Bích nay có trên 200 chiếc tàu thuyền khai thác cá, trong đó 62 chiếc có công suất 90 CV trở lên. Sản lượng khai thác hàng năm cả xã đạt 7.000 - 8.000 tấn, đem lại tổng doanh thu từ cá một năm đạt trên 100 tỷ đồng.
Đội thuyền của ngư dân Diễn Bích sẵn sàng ra khơi. |
Ông Thạch Đình Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để góp phần giữ vững an ninh trật tự trên biển, xã đã phối hợp với Đồn Biên phòng Diễn Thành thành lập “Tổ ngư dân tự quản về an ninh trật tự trên biển”. Hiện nay xã có 8 tổ tự quản. Thành viên của các “Tổ ngư dân tự quản về an ninh trật tự trên biển” là chủ tàu thuyền và ngư dân trực tiếp tham gia đánh bắt, khai thác thủy sản, trong đó đa số là các tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Từ khi thành lập đội tự quản ANTT trên biển, các ngư dân xích lại gần nhau hơn, yên tâm hơn khi ra khơi bám biển. Mỗi khi ra khơi, các tàu trong tổ đi cùng, hỗ trợ nhau. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, các “Tổ ngư dân tự quản về an ninh trật tự trên biển” này sẽ thông báo với lực lượng Bộ đội Biên phòng và Công an về tình hình an ninh, trật tự trên biển liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật như: thải chất độc hại gây ô nhiễm môi trường biển, các trường hợp xảy ra tranh chấp ngư trường giữa các tàu, thuyền trong và ngoài tỉnh hoặc các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ ngư phủ với nhau, cướp biển, trộm cắp tài sản, phát hiện tàu thuyền xâm phạm lãnh hải đánh bắt vùng địa phận của Việt Nam, tổ chức cứu nạn, cứu hộ người và tàu thuyền trên biển…”.
Có thâm niên hơn 20 năm bám biển, ông Phạm Văn Tuân – một ngư dân ở xóm Hải Nam cho biết, biển cả chính là nhà, là nguồn sống. Ông Phương cho biết thêm: “Ra khơi bám biển lúc trời yên biển lặng, may mắn thì không vấn đề gì, nhưng khi có sự bất trắc như: tàu bị hư hỏng, gặp tàu lạ, thời tiết xấu, sóng to,… thì rất nguy hiểm. Trước đây, các thuyền nghề chỉ hoạt động đơn lẻ trên biển nên sản lượng khai thác còn thấp và chưa đồng đều lại tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, rủi ro. Từ khi tham gia vào “Tổ tự quản về an ninh trật tự trên biển”, các tàu thuyền đã liên kết thành những tổ, nhóm đánh bắt đoàn kết, giúp ngư dân hỗ trợ nhau. Nếu 1 tàu bị hư hỏng, không thể sửa chữa được thì đã có tàu khác lai dắt về; khi thiếu nước ngọt, xăng dầu,… đều được tàu đi cùng chia sẻ; thông tin cho nhau về tình hình ngư trường nên việc tổ chức đánh bắt hải sản hiệu quả hơn. Ngoài ra, các tàu tương trợ nhau xử lý và khắc phục những sự cố trên biển…”. Như ngày 13/6/2014 vừa qua, tàu đánh cá của ông Tuân đã cứu được ông Trần Văn Vinh cùng 3 ngư dân khác đang trôi dạt trên biển do bị sóng lớn đánh chìm cách bờ 7 hải lý. Nhờ đó, các đội tàu vững vàng, kiên tâm bám biển hơn, bởi mọi người luôn sát cánh cùng nhau, giúp đỡ nhau về mọi mặt.
Diễn Châu có 8 xã vùng biển và ven biển với gần 90.000 nhân khẩu. Toàn huyện có 25 km bờ biển với diện tích vùng đánh cá chung rộng 3.700 km2; trên 1.450 tàu thuyền, trong đó có trên 100 tàu có công suất từ 90 đến 600 CV thường xuyên đánh bắt xa bờ ở Biển Đông, với trên 4.000 người tham gia lao động trực tiếp trên biển, tập trung ở các xã Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Kim... Nhiều năm nay, kinh tế biển đã trở thành mũi nhọn của Diễn Châu với sản lượng đánh bắt khai thác hàng năm trên 31.000 tấn, đạt giá trên 300 tỷ đồng/năm. Những ngày gần đây, tình hình an ninh trên biển có những diễn biến phức tạp nhưng không vì thế mà ngư dân Diễn Châu lo lắng. Ngược lại, họ vẫn thể hiện tinh thần quyết tâm bám biển sản xuất, bởi đó không chỉ là cách để giữ vững ngư trường truyền thống, tiến ra khơi xa làm giàu từ biển, mà còn để bảo vệ chủ quyền biển đảo trong giai đoạn hiện nay. Điều này có được một phần là nhờ sức mạnh đoàn kết và hoạt động hiệu quả của các tổ tự quản trên biển. Đến nay, với sự phối hợp của Đồn Biên phòng Diễn Thành, huyện Diễn Châu đã thành lập được 20 tổ với trên 160 tàu thuyền tham gia.
Thượng tá Phạm Văn Giang - Chính trị viên Đồn Biên phòng Diễn Thành cho biết: “Thông qua các tổ tự quản, công tác tuyên truyền vận động các hộ ngư dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, quy định của địa phương về khai thác nguồn lợi thủy sản trên biển, vấn đề biển đảo cũng được tiến hành thuận lợi hơn. Qua đó, giúp lực lượng biên phòng quản lý chặt chẽ diễn biến có liên quan đến công tác bảo đảm an ninh vùng biển; giải quyết kịp thời nhiều vụ việc về an ninh trật tự trên biển, tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân. Ngoài ra, các tổ tự quản còn tạo ra sức mạnh đấu tranh hiệu quả với hành vi xâm phạm chủ quyền vùng biển của nước ta đối với các tàu cá nước ngoài. Mô hình tổ tự quản trên biển cần được nhân rộng tại các địa phương, bởi nó không chỉ đảm bảo an toàn trên biển cho ngư dân mà sự hiện diện của họ tại các vùng biển đảo là lời khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm, nhất là trong tình hình Biển Đông đang có nhiều tranh chấp như hiện nay…”.
Minh Quân