Giữ vững ổn định, nâng chất lượng giáo dục toàn diện

13/08/2014 09:24

(Baonghean) - Năm học 2013 - 2014 kết thúc với biết bao dư âm của những vòng nguyệt quế, của những thủ khoa, á khoa “trường làng”, của những lớp học miền núi mà tỷ lệ đậu đại học lên đến 90%. Chuẩn bị vào năm học mới, Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu trong ngày hội trường năm học 2013 - 2014.
Học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu trong ngày hội trường năm học 2013 - 2014.

PV: Thưa đồng chí, năm học 2013 - 2014 được xem là năm bản lề thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII. Ngành Giáo dục Nghệ An, trong năm qua đã có những đổi mới nào để nâng cao chất lượng giáo dục toàn ngành?

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi: Năm học 2013 - 2014, với phương châm “giữ vững sự ổn định để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”, ngành GD&ĐT đã có nhiều đổi mới trong tác chỉ đạo, điều hành. Cụ thể, tập trung vào 4 vấn đề chính, đó là: Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng các ngành học, cấp học. Trong đó, đối với Giáo dục mầm non, cùng với việc tích cực phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, các nhà trường đã triển khai thực hiện Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non với 518 trường và 1.789 lớp tham gia, đạt tỷ lệ 100%. Với Giáo dục phổ thông, chỉ đạo các nhà trường thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng linh hoạt phù hợp điều kiện thực tế địa phương; tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh, nhà trường, đổi mới thi cử hướng tới một kỳ thi quốc gia trong năm 2015. Cấp tiểu học đã chuyển từ đánh giá bằng điểm số sang đánh giá bằng nhận xét nhằm khuyến khích, động viên học sinh vươn lên trong học tập, rèn luyện. Triển khai dạy tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục tại 232 trường tiểu học với 23.000 học sinh tham gia, bằng 1/8 cả nước, đạt kết quả tốt. Cấp THCS và THPT, triển khai có hiệu quả các hình thức dạy học theo chủ đề tích hợp, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học...

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục trong tất cả các ngành học, bậc học. Đưa nhiệm vụ tự đánh giá và đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục thành nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình đổi mới công tác quản lý giáo dục. Trên nền chất lượng đại trà được củng cố, các nhà trường tích cực triển khai công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo, kèm cặp, giúp đỡ học sinh yếu kém ngay từ đầu năm học để tiếp tục giảm tỷ lệ học sinh yếu kém, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi, nâng cao chất lượng đại trà. Tích cực tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách, giải pháp mới phục vụ sự phát triển của ngành.

P.V: Năm học 2013 - 2014 ngành Giáo dục Nghệ An đạt nhiều kết quả nổi bật, xin đồng chí cho biết cụ thể và lý giải vì sao trong năm học vừa rồi, rất nhiều học sinh Thủ khoa, Á khoa lại đến từ các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đó có phải là do “nhất thời”?.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi: Ngoài những kết quả vượt bậc ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thi Olympic khu vực và quốc tế, kỳ thi đại học, một thành tích khác rất đáng tự hào trong năm học 2013 - 2014, toàn ngành đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để nâng chất lượng giáo dục toàn diện. Đó là tích cực thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo 5 tuổi, củng cố vững chắc chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học phổ thông. Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đã bắt đầu đi vào nền nếp, góp phần tạo sự chuyển biến trong các hoạt động của nhà trường. Các kỳ thi trong ngành được triển khai thực hiện nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế, phản ánh đúng chất lượng giáo dục, tạo được niềm tin trong ngành và trong xã hội. Công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được quan tâm, đầu tư; việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên (đặc biệt là giáo viên ngoại ngữ) được chăm lo, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo được nâng lên; việc tổ chức đánh giá, xếp loại cán bộ, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp được triển khai tích cực, kiên quyết; các chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được thực hiện đầy đủ. Đã xây dựng được một số cơ chế, chính sách, giải pháp mới phục vụ sự phát triển của ngành; Trong năm học đã huy động được gần 180 tỷ đồng để củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị trường học...

Một điều đáng nói là trong năm học vừa qua, rất nhiều học sinh Thủ khoa, Á khoa lại đến từ các trường miền núi, vùng sâu vùng xa. Đây không phải do “nhất thời” mà là kết quả tất yếu. Bởi lẽ, nhiều năm qua, các nhà trường đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chăm lo chất lượng giáo dục, quan tâm đúng mức cả chất lượng đại trà và mũi nhọn học sinh giỏi. Với đội ngũ giáo viên đào tạo cơ bản, tâm huyết, với cơ sở vật chất trường học ngày càng khang trang, nhiều trường học vùng sâu, vùng xa, miền núi đã khẳng định chất lượng giáo dục ngang ngửa với các trường vùng thuận lợi. Mặt khác, rất nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, ngoài tư chất tốt, các em còn có nghị lực mạnh mẽ, vượt khó, vì thế các em giành được ngôi vị Thủ khoa, Á khoa cùng là điều dễ hiểu.

P.V: Nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII đang vào giai đoạn “nước rút”. Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì ngành giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, nhiều chỉ tiêu đại hội khó hoàn thành như phổ cập cho trẻ dưới 5 tuổi, xây dựng trường chuẩn quốc gia… Vậy, trong những năm tới ngành Giáo dục sẽ chỉ đạo như thế nào để về đích các mục tiêu này?

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi: Năm học 2014 - 2015, việc phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII về GD&ĐT được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Để hoàn thành nhiệm vụ hết sức khó khăn này, chúng tôi tập trung thực hiện các biện pháp chỉ đạo như sau:

Đối với nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi: Các phòng GD&ĐT tham mưu UBND cấp huyện tập trung nguồn lực để phấn đấu đạt chuẩn phổ cập trẻ em 5 tuổi: Ưu tiên kinh phí để xóa phòng học tạm, mượn; bố trí đủ định mức giáo viên cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi. Đối với nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, hiệu trưởng các trường xây dựng đề án, vạch rõ lộ trình phấn đấu trường đạt chuẩn. Tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu trường đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, kêu gọi các địa phương đưa nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vào chỉ tiêu phát triển KT-XH hàng năm, là một chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, lồng ghép nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vào các chương trình, dự án trên địa bàn; huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất nhà trường đạt chuẩn.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tích cực tham mưu với UBND ban hành chính sách kích cầu dành riêng cho nhiêm vụ xây dựng cơ sở vật chất nhằm thực hiện chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia là 65% vào năm 2015.

P.V: Năm học 2014 - 2015 vẫn là năm hứa hẹn nhiều đổi mới trong ngành Giáo dục từ bộ tới địa phương. Xin đồng chí hãy nói rõ hơn những giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm của năm học này?

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi: Năm học 2014 - 2015 là một năm học gắn liền với một thời điểm đặc biệt. Là năm học triển khai Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh Nghệ An, trong đó mục tiêu Nghệ An trở thành trung tâm giáo dục đào tạo của vùng Bắc Trung bộ. Là năm học triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục và đào tạo, năm học phải hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII đã đề ra cho ngành Giáo dục tỉnh nhà và chuẩn bị xây dựng chỉ tiêu cho nhiệm kỳ đại hội tớí. Đây cũng là năm cuối của chu kỳ ngân sách, vì vậy phải rà soát, tính toán và tham mưu nguồn lực cho cả một chu kỳ với kế hoạch dài hơi để thực hiện các nhiệm vụ giáo dục của tỉnh nhà.

Với nhiệm vụ nặng nề đó, ngành Giáo dục Nghệ An, sẽ phát huy những thành quả đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm, quyết tâm xây dựng một tập thể lãnh đạo đoàn kết nhất trí, kêu gọi sự đồng lòng dốc sức của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành, xây dựng ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phát triển trong thế ổn định và bền vững. Gắn liền với công cuộc đổi mới căn bản toàn diện của giáo dục thực hiện Nghị quyết 29, lãnh đạo ngành Giáo dục Nghệ An sẽ chỉ đạo công cuộc đổi mới gắn với các nhiệm vụ chính trị, nền giáo dục toàn dân, song hành cùng với sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, để có cái nhìn đa chiều, với tư duy phản biện để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục trong thời kỳ mới. Tiếp tục chú trọng 4 nhiệm vụ trọng tâm về công tác quản lý giáo dục và đào tạo, về tổ chức hoạt động giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, tăng nguồn lực đầu tư và cơ chế tài chính giáo dục. Cố gắng huy động mọi nguồn lực để nhằm hoàn thành chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Mỹ Hà (Thực hiện)