Giải pháp chống hạn ở Quỳnh Lương
(Baonghean) - Những ngày đầu tháng 6, bất chấp cái nắng nóng như thiêu như đốt, trên khắp cánh đồng của xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) hành lá, rau cải, cà chua, dưa hấu, dưa lê… vẫn tươi tốt đến lạ kỳ. Ấy là nhờ cây trồng được đảm bảo nguồn nước tưới từ những cái giếng được khoan, đào ngay tại chân ruộng, là cách để người trồng rau ở Quỳnh Lương chống hạn cho cây trồng.
Đối với người dân Quỳnh Lương, từng tấc đất được quý hơn vàng, đất đai ở đây không có chỗ nào để trống, từ góc vườn nhỏ, hay bên cạnh những lối đi cho đến những cánh đồng mênh mông đều được người dân tận dụng hết để trồng rau. Hàng chục năm nay, các loại rau cải, hành lá, su hào, cải bắp, cà rốt, xúp lơ, bầu bí, dưa hấu… là nguồn thu nhập chính làm giàu cho người dân Quỳnh Lương. Vùng quê này hầu như hộ nào cũng trồng rau và đã làm nên thương hiệu rau Quỳnh Lương tiêu thụ khắp thị trường trong nước. Trên mảnh đất cát pha tưởng chừng bạc màu này cây cối vẫn 4 mùa xanh tốt, đất được quay vòng sản xuất khép kín quanh năm không lúc nào ngơi nghỉ, đến mức khó tìm thấy những đám cỏ dại mọc lên.
Bà Hoà cùng con gái đang thu hoạch hành lá, vui vẻ cho hay: “Chúng tôi chẳng bao giờ lo bị hạn hán, trời càng nắng hạn khó trồng thì rau xanh Quỳnh Lương càng được giá. Ở đây, nhà mô cũng đào 1 – 2 cái giếng ở chân ruộng, ngày nào cũng bơm tưới nước đều đặn cho rau. Nhà trồng 4 sào, mùa nào thứ ấy quanh năm xanh tốt ngoài ruộng, mùa hè ni phải chăm tưới nước ngày 2 lần mới đảm bảo cho rau tốt. Bây giờ việc tưới nước không phải vất vả gánh từng thùng như ngày trước, cứ cắm điện vào là máy bơm hút nước lên, mình chịu khó di chuyển tưới đều cho rau. Nhờ đảm bảo nguồn nước trong mùa nắng hạn, nhà tui vẫn có rau thu hoạch liên tục. Đến nay, đã có thâm niên gần 40 năm trồng rau, từ trước những năm 1990, nhà tui đã đào giếng ngoài đồng để lấy nước tưới cho rau, vì thế chưa năm nào rau màu bị héo vì hạn”.
Người dân tưới nước cho cây trồng từ các giếng tại chân ruộng. |
Gia đình ông Hồ Lâm Thông ở xóm 3, là một trong những hộ trồng rau lâu năm ở Quỳnh Lương, từ những năm 1970, thời đó phong trào trồng rau chưa phát triển mạnh như bây giờ. Ông Thông vẫn còn nhớ rõ mỗi nhà có một giếng nước ngọt để ăn nhưng ngày nào cũng gánh nước từ nhà ra đồng để tưới rau, rất vất vả. Ngày đó ông Thông có 300m2 đất trồng su hào, bắp cải, hành lá, vào mùa hè nắng nóng, mỗi buổi sáng ông phải gánh tới 40 gánh nước từ giếng nhà ra đồng tưới rau, mệt lả người. Đến năm 1993, địa phương có điện lưới quốc gia, ông Thông lập tức đào giếng ở ngoài ruộng, kéo điện ra đồng phục vụ bơm tưới nước thuận tiện, giảm được sức lao động.
Có nước tưới thuận lợi, gia đình ông mở rộng diện tích trồng rau lên 500m2. Đến năm 1997, nhận thấy trồng rau cho thu nhập cao, địa phương bỏ hẳn diện tích trồng lúa chuyển sang trồng rau hàng hoá, cung cấp rau xanh cho thị trường trong tỉnh. Gia đình ông Thông cũng từng bước mở rộng diện tích trồng rau lên 6 sào, làm quanh năm không lúc nào cho đất nghỉ, nâng diện tích luân canh sản xuất từ 18 – 20 sào/năm, cho thu hoạch hơn 40 tấn rau, củ/năm, gồm su hào, bắp cải, cà rốt, rau cải, bầu bí, cà chua, dưa hấu…, mức lãi thấp cũng đạt 70 – 80 triệu đồng/năm. Đến nay, ông Thông có 3 giếng nước tại chân ruộng, mùa hè dù trời nắng hạn đến mấy vẫn đảm bảo nước tưới cho 5 – 6 sào rau của gia đình, nhờ vậy mà có rau bán quanh năm, nâng giá trị cây trồng, giảm sức lao động cho các thành viên trong gia đình.
Xã Quỳnh Lương có truyền thống sản xuất rau màu từ những năm 1960, thời đó sản xuất tự cung, tự cấp là chính và hàng năm chủ yếu chỉ sản xuất rau vụ đông, mùa hè không trồng được vì không có nguồn nước tưới. Ông Nguyễn Văn Tuệ - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương cho biết: Năm 1993 bắt đầu có điện lưới quốc gia tại địa phương, xã đầu tư đường điện ra tận chân ruộng để phục vụ thuận lợi cho bà con dùng máy bơm tưới nước. Toàn xã có hơn 1.000 hộ trồng rau, đến thời điểm này người dân địa phương đã đào hơn 1.000 giếng nước tại chân ruộng, phục vụ nước tưới quanh năm cho cây trồng, mỗi giếng được đào sâu 5 – 6m. Đối với Quỳnh Lương, trời càng hạn thì người trồng rau càng có thu nhập cao vì bà con khắc phục được hạn hán, đảm bảo nước tưới, rau mùa hè vẫn phát triển tốt, chưa năm nào xảy ra hạn hán nhờ hệ thống giếng tại chân ruộng. Toàn xã có diện tích canh tác gần 200 ha chuyên trồng rau, với diện tích gieo trồng khoảng 800 ha/năm, tổng sản lượng thu hoạch rau các loại đạt 17.000 – 18.000 tấn/năm, đem lại tổng giá trị thu hoạch từ trồng rau khoảng 80 tỷ đồng/năm.
Bám đất, biết khai thác tiềm năng từ đất pha cát bạc màu, làm giàu từ đất, người dân miền quê này đã khiến khách thập phương không khỏi thán phục trước bộ mặt nông thôn mới và cơ sở hạ tầng của người dân chẳng khác nào phố thị. Việc đào giếng tưới cho rau là một kinh nghiệm quý để các vùng trồng rau màu, cây công nghiệp học tập để đảm bảo cho cây trồng không bị chết trong mùa nắng nóng.
Quỳnh Lan