Từ Santa Marta, nhớ "Vua nhạc pop" Michael Jackson

02/07/2014 23:13

Tim tôi thắt lại khi đứng ở đỉnh cao nhất của khu ổ chuột Santa Marta nhìn xuống cái thế giới hỗn độn của những nóc nhà lô xô, xiêu vẹo, những con đường nhỏ và ngoằn ngoèo chạy trong khu dân cư, và xa xa là Rio. Rio của những bãi biển đẹp nhất thế giới, Rio của ăn chơi, đàng điếm, của Chúa Cứu thế trên đỉnh Corcovado ngay cạnh đó đang giơ hai cánh tay đón chào thế giới, nhưng quay lưng lại với những nơi như thế này.

Văng vẳng bên tai những giai điệu từ tiềm thức của bản “They don’t care about us” (Họ không quan tâm đến chúng ta) được quay ở chính nơi đây 18 năm về trước, giữa những người cùng khổ và bị lãng quên.

Tranh Michael Jackson ở nơi mà anh đã quay clip
Tranh Michael Jackson ở nơi mà anh đã quay clip

Trên đỉnh Santa Marta, có một Michael Jackson

Con đường dẫn đến nơi có bức tượng Michael Jackson giống như một con lươn nhỏ chạy uốn lượn một cách tài tình giữa những căn nhà xộc xệch, cái thò ra, cái thụt vào, những mái tôn nhếch nhác, những dây phơi quần áo trĩu nặng và bận rộn, những lan can chênh vênh trên một cái cống lộ thiên chạy từ trên xuống phía dưới, mang theo nước thải hôi rình của một khu dân cư đông đúc với hàng nghìn dân. Đây đó trên con đường ấy, có những nhóm thanh thiếu niên đứng nhìn với vẻ không mấy thân thiện, dù họ có nở nụ cười; những người phụ nữ to béo đang ngồi nghỉ sau khi đi chợ về; những cửa hàng cắt tóc chật chội, những ông già đang kê ghế ngồi ngắm một buổi chiều đang xuống...

Bao trùm lên tất cả là màu sắc sặc sỡ trên những bức tường, khiến nhìn từ xa, Santa Marta giống như bảng pha màu của một người họa sỹ phóng túng nhưng luộm thuộm trước bức tranh đầy ngẫu hứng của mình.

Anh đứng đó, trong hình hài của một bức tượng, ở nơi cao nhất của Santa Marta, quay lưng lại cái thế giới lộn xộn của các khu nhà dân nghèo phía dưới và núi cùng với bãi biển Botafogo ở phía xa, hai cánh tay đang giơ lên, chân đang như bước nhẹ về phía trước, đúng như trong video clip “They don’t care about us” được quay ở đây vào năm 1996.

Trước mặt anh là khoảnh sân nhỏ, nơi clip nổi tiếng và cũng gây nhiều tranh cãi này được quay, với một bức chân dung lớn của người ca sỹ huyền thoại ghép từ những mảnh gạch màu. Bức tượng được dựng lên ở đây ngày 26/6/2010, đúng một năm sau khi anh mất một cách đột ngột, trong tiếng hát của anh từ một chiếc loa thùng phát ra, trước sự xúc động của những người dân Santa Marta chứng kiến. Đối với họ, việc dựng lên bức tượng Michael Jackson chính là một cách để tri ân đối với anh, sau khi clip được quay, phát lên sóng MTV và làm cho Santa Marta trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Và từ đó, cuộc sống của họ thay đổi theo hướng tốt hơn, trở thành một thế giới khác, không phải là từ nghèo trở thành giàu, như một dòng chữ đón chào du khách trên con đường vào (“Người giàu cần bình yên để tiếp tục giàu hơn, chúng ta cần bình yên để sống”), mà là đỡ bị lãng quên hơn.

Trong clip ấy, giọng một đứa trẻ vang lên “Quá đủ với bãi rác này,” một vài giọng nữa ca theo “Tất cả những gì chúng ta nói, là họ đã quên chúng ta.” Một bài hát lấy bối cảnh ở Santa Marta, lúc ấy là một điểm nóng về tội phạm và nghèo đói, để nói về tình trạng phân biệt đối xử giữa con người với con người trong một thế giới hậu hiện đại ngày càng trở nên phân hóa rõ rệt giữa các tầng lớp. Michael Jackson nhìn thấy những điều ấy tồn tại trên thế giới, và anh hát về nó. Tôi và nhiều người trong thế hệ của mình yêu anh cũng vì tấm lòng ấy.

16 năm sau ngày bài hát xuất hiện trong album HIStory, và 5 năm sau ngày anh mất, những bất công ấy vẫn tồn tại. Cuộc sống ở Santa Marta thay đổi, an ninh tốt hơn, những đứa trẻ đã có trường học, y tế và điều kiện sống được cải thiện, khách du lịch đổ xô đến đây để tham quan những nơi đã xuất hiện trong clip “The don’t care about us” đem đến cho người dân một khoản thu nhập, những ngôi sao hàng đầu trong giới showbiz như Madonna, Beyonce Knowles hay Alicia Keys đã tới đây, nhưng ở Rio và nhiều nơi khác của Brazil, những người giàu hoặc trung lưu vẫn sống ở gần biển, trong các chung cư hoặc biệt thự giàu có, những người nghèo vẫn sống trong các khu ổ chuột.

Michael Jackson đã làm thay đổi Santa Marta, nhưng…

Nhưng ngay cả khi ở đó, họ vẫn chưa yên thân. Người ta đang định chiếm cả những khu ổ chuột gần biển để xây các khu nghỉ dưỡng. Những người mất nhà sẽ đi đâu, không ai biết, nhưng ngay cả khi họ biểu tình như đã làm ở sân Maracana trước World Cup, cũng sẽ không có mấy người mảy may quan tâm. Vì lúc ấy, World Cup đã kết thúc rồi, và người Brazil trở lại đối mặt với cuộc sống thường nhật đầy trăn trở.

Brazil tự hào là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, nhưng lại xếp thứ 3 trong các nước mà tình trạng bất công diễn ra mạnh nhất. Nhưng ở Santa Marta, ít ra, những người dân ở nơi đây còn có được sự tự hào bởi cái tên Michael Jackson, người đã đến đây, đã hát, đã đưa khu dân cư này ra khỏi bóng tối và từ “They don’t care about us,” ở đây họ hát ''Santa Marta we care'' (Chúng tôi quan tâm đến Santa Marta).

Paulo, người đã có mặt trong clip của Michael Jackson hồi cậu mới 10 tuổi, bảo rằng ở đây, tất cả mọi người, kể cả bọn trẻ con đều biết Michael Jackson là ai. “Khi anh ấy mất, chúng tôi bị sốc. Nhiều người khóc. Và bây giờ, cuộc sống ở đây thay đổi là nhờ Michael Jackson. Anh ấy đã làm những điều tuyệt vời cho chúng tôi,” anh nói.

Paulo không nói tiếng Anh, nhưng Sonia, người bán hàng lưu niệm Michael Jackson ở nơi này dịch những gì anh nói. Cửa hàng không lớn, bán áo phông có chữ “Odulum”, tên của nhóm trống samba-raggae đã xuất hiện cùng anh trong clip, vỏ điện thoại, những bức tượng Chúa Cứu thế, những tấm ảnh Michael Jackson chụp từ clip “They don’t care about us.”

Bà nói rằng bà không quan tâm nhiều lắm đến lời của bài hát (vốn bị cộng đồng Do Thái tẩy chay, vì cho rằng bài hát có yếu tố bài Do Thái), mà chỉ biết rằng, khu ổ chuột này đã trở nên tốt đẹp hơn sau khi anh đến. Nhiều người khác ở khu dân cư có hơn 6.000 người này cũng nói thế. Những vết đạn hằn lên ở một bức tường phía dưới Santa Marta là dấu vết còn lại của một thời mà những cuộc đấu súng giữa các băng nhóm tội phạm với nhau hoặc với cảnh sát diễn ra gần như hàng ngày. Tivi ở các quán ăn nhỏ đang bật các trận đấu của World Cup và cánh đàn ông xúm đông xúm đỏ vào xem. Trong một ngôi trường tiểu học do dòng Tên điều hành ở chân khu Santa Marta, bọn trẻ vẽ các bức tranh về World Cup và dán lên những bức tường.

Trên đỉnh của Santa Marta, một thằng bé 7 tuổi đưa cho tôi bức tranh mà nó vẽ với dòng chữ “Michael Jackson,” nhoẻn miệng cười và lẳng lặng đến bức tượng Michael Jackson, cầm cái diều và bắt đầu thả, trong tiếng gió nhè nhẹ thổi vào từ biển, khi hoàng hôn đã bắt đầu buông. Tôi lại nghe văng vẳng trong tâm trí những câu hát của anh, thần tượng lớn một thời của tôi. Anh hát: “Hãy cho tôi biết quyền của tôi là thế nào/Tôi vô hình vì các người phớt lờ tôi đi?.” Những câu hát chát chúa vẫn vang lên đâu đó: “Tôi là nạn nhân từ sự tàn bạo của cảnh sát/Tôi là nạn nhân của sự căm ghét”. Anh hát những câu ấy từ 18 năm về trước, và những người khác vẫn sẽ còn hát tiếp trong những năm sau nữa, không bao giờ hết.

Nhưng lại văng vẳng trong tôi một câu trong Kinh thánh: “Chúa nói, có hy vọng cho tương lai” (Jeremy, 31.15). Đừng bao giờ đánh mất đức tin và niềm tin…"

Santa Marta, thời trước Michael Jackson và sau Michael Jackson

Ở nơi này, người ta phân ra như thế, không khác gì lịch Công giáo chia ra thời Trước Công nguyên và Sau Công nguyên. Trước Michael Jackson là một Santa Marta nghèo đói và tội phạm. Sau khi anh đến, là một Santa Marta khác, khi khu ổ chuột ấy được cả thế giới chú ý đến, và chính quyền phải quan tâm đến họ nhiều hơn.

Để quay clip này vào năm 1996, đoàn làm phim đã phải thương lượng với bố già của khu Santa Marta ngày ấy, trùm buôn lậu ma túy Marcio Amaro de Oliveira, để được đến đây và tiến hành quay dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Spike Lee. Ban đầu, chính quyền Rio không đồng ý cho họ quay, vì lo ngại rằng, clip sẽ phơi bày khía cạnh tiêu cực của thành phố, khi họ đang tích cực vận động đăng cai Thế vận hội mùa Hè 2004.

Bây giờ, gần 20 năm sau, với World Cup 2014 đang diễn ra và Thế vận hội mùa Hè 2016 sắp tổ chức, Rio không còn xấu hổ với Santa Marta nói riêng và các khu ổ chuột của họ nữa, khi gần 1 nghìn khu như thế là nơi cư ngụ của gần 1,5 triệu người, chiếm 1/5 dân cư toàn Rio và vùng phụ cận.

Santa Marta thay đổi rất nhiều từ sau khi clip của Michael Jackson được phát trên các kênh truyền hình. Từng là một trong những địa ngục của Rio, đây là nơi đầu tiên được “bình định” vào năm 2008 trong một chương trình tham vọng của bang Rio nhằm xua đuổi các băng buôn lậu ma túy khỏi nơi này, thiết lập các đồn cảnh sát và bắt đầu thực hiện các dự án xã hội. Những con đường nhỏ giữa các ngôi nhà mà Michael Jackson đã nhảy không thay đổi nhiều lắm kể từ đó, nhưng khu dân cư phía dưới đã bừng sáng lên bởi màu sắc.

Dự án nghệ thuật cho các khu ổ chuột, do hai nghệ sỹ Hà Lan Haas và Haan tiến hành nhằm nâng cao niềm tự hào của dân chúng, đã giúp cho 34 hộ dân sơn lại nhà của họ theo các màu khác nhau. Năm 2011, Santa Marta xuất hiện trong nhiều cảnh của bộ phim "Fast and Furious" phần 5.

Marcio Amaro de Oliveira, một nhân vật đã trở thành một huyền thoại của giới bình dân với biệt danh Juliano VP, đã bị một băng nhóm khác ám sát chết vào năm 2003, khi mới 33 tuổi.

Sáu năm sau, đến lượt Michael Jackson qua đời. Anh được dựng tượng, còn Marcio thì không. Nhưng tên tuổi của hắn sống mãi ở nơi này, với tư cách là người đã đồng ý để Michael Jackson đến đây, và làm thay đổi nơi này.

“They don’t care about us” cho đến nay vẫn được coi là một trong số những bài hát thành công nhất và cũng gây nhiều tranh cãi nhất của Michael Jackson.

Theo Vietnam+