Phải xử lí dứt điểm vấn đề hậu tái định cư thủy điện Bản Vẽ

15/07/2014 14:47

(Baonghean.vn)- Nhà máy thủy điện Bản Vẽ đã hòa lưới điện nhưng cuộc sống của người dân tái định cư còn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người bỏ khu tái định cư, trở về quê cũ sống tạm bợ trong lòng hồ.

Nội dung thứ 2 trong phiên chất vấn và trả lời chất vào sáng 15/7, liên quan đến việc tái định cư của dự án thủy điện Bản Vẽ. Đồng chí Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh là người trả lời chất vấn về nội dung này.

Đoàn chủ tịch điều hành phiên chất vấn.
Đoàn chủ tịch điều hành phiên chất vấn.

Công trình thủy điện Bản Vẽ thuộc diện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung với công suất 320 MW, tổng mức đầu tư 6.740 tỷ đồng, được khởi công năm 2004. Ðây là công trình thủy điện lớn, đa mục tiêu. Nhiệm vụ chính là phát điện hòa lưới điện quốc gia, đồng thời cung cấp một phần điện cho nước bạn Lào. Để thực hiện dự án, hơn 3000 hộ dân với hơn 14000 nhân khẩu của 33 bản thuộc 9 xã vùng lòng hồ thủy điện đã di dời từ huyện Tương Dương về Thanh Chương.

Tại đây, cuộc sống của bà con đã từng bước ổn định, đời sống văn hóa được nâng lên, hệ thống điện, đường trường trạm được đưa vào sử dụng. Chính sách về đền bù, tái định cư được thực hiện nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu của người dân, nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, đời sống của đồng bào tái định cư được cải thiện,…

Đồng chí Trần Hồng Châu đánh giá phiên chất vấn.
Đồng chí Trần Hồng Châu đánh giá phiên chất vấn.

Tuy nhiên, đến nay, vấn đề hậu tái định cư thủy điện Bản Vẽ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải xử lí dứt điểm. Trong đó, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là đất đai, 35 hộ dân chưa được cấp đủ đất sản xuất, một số diện tích không thể sản xuất vì đất dốc, thiếu nước, 15 bản chưa được khai hoang, trồng lúa,…

Có 47 hộ với 217 nhân khẩu dù đã có quyết định di chuyển từ huyện Tương Dương về Thanh Chương nhưng vẫn chưa chuyển về, chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ. 43 hộ dân khác đã nhận nhà ở điểm tái định cư sau đó đã bán nhà, rời khỏi địa phương, quay về sống trong vùng lòng hồ. Nhiều cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường trạm bị xuống cấp nghiêm trọng…

Đồng chí Lê Xuân Đại trả lời chất vấn.
Đồng chí Lê Xuân Đại trả lời chất vấn.

Chất vấn nội dung liên quan đến tái định cư thủy điện Bản Vẽ, đại biểu Lữ Kim Duyên của huyện Tương Dương cho rằng, thực trạng khu vực tái định cư thủy điện Bản Vẽ còn tồn tại quá nhiều bất cập, nơi ở mới chưa thực sự tốt hơn nơi ở cũ. Chủ đầu tư không cam kết thực hiện các hạng mục liên quan. Trách nhiệm của UBND tỉnh là không kịp thời, chưa kiên quyết xử lí. Đề nghị UBND tỉnh có biện pháp cụ thể và phải xử lí dứt điểm trong thời gian tới. Vấn đề bồi thường đất ở tại nơi ở cũ là quá thấp, vấn đề tích nước, xả nước của thủy điện chưa hợp lý, chưa có kịch bản,… Đại biểu Moong Văn Hợi cho rằng, vấn đề là người dân chưa có một sinh kế bền vững, việc giải quyết chế độ, chính sách của cán bộ chuyên trách, không chuyên trách thuộc các xã di dời còn chậm.

Đại biểu Lữ Kim Duyên chất vấn.
Đại biểu Lữ Kim Duyên chất vấn.

Trả lời vấn đề này, đồng chí Lê Xuân Đại khẳng định, không riêng gì nhà máy thủy điện Bản Vẽ mà tất cả các dự án đều mong muốn khi di chuyển người dân sang nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, tuy nhiên, trong thực tế, nhà máy thủy điện Bản Vẽ vẫn còn nhiều tồn tại và chắc chắn phải xử lí một cách triệt để. Hiện nay, các chế độ chính sách như việc hỗ trợ gạo cho người dân đã được thực hiện tốt. Vấn đề thiết kế nhà ở cho người dân: Khi thiết kế đã đưa cho người dân xem xét và thẩm định nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, khi xây dựng nhà đã có một số bất tiện. Hiện nay, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra sự cố, tiến hành hỗ trợ người dân sửa nhà. Hàng tháng, phải báo cáo về UBND tỉnh. UBND tỉnh cũng đã giao cho Sở công thương phối hợp với chủ đầu tư phải nhanh chóng xây dựng quy trình xả lũ hợp lí.

Liên quan đến sinh kế của người dân vùng tái định cư, qua khảo sát thấy rằng, ở Thanh Chương không nhất thiết phải trồng lúa nước bằng mọi giá mà đất tái định cư có thể trồng chè rất tốt, mang lại hiệu quả cao. Đây có thể là hướng đi mới cho bà con vùng tái định cư, đề án trồng chè cũng đang được xây dựng, huyện Thanh Chương đã cho ươm giống, chủ đầu tư cũng cam kết hỗ trợ người dân trồng chè.

Đại biểu Moong Văn Hợi chất vấn.
Đại biểu Moong Văn Hợi chất vấn.

Việc giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ các xã tái định cư, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho Sở Nội Vụ, chắc chắn, việc này sẽ được xử lí dứt điểm trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, đại biểu Vi Xuân Giáp, huyện Con Cuông lại đề nghị sau phiên chất vấn này, UBND tỉnh phải có trách nhiệm kiểm tra việc xử lí bởi người trả lời chất vấn là UBND tỉnh nhưng đơn vị có trách nhiệm thực hiện ở đây lại là chủ đầu tư. Cùng đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Lương Thanh Hải, huyện Tương Dương cho rằng, UBND tỉnh nên làm việc trực tiếp với Chính phủ, với tập đoàn điện lực để giải quyết vấn đề một cách dứt điểm.

Đồng chí Lê Xuân Đại khẳng định, UBND tỉnh đã quyết liệt vào cuộc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc cũng đã báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhanh chóng tháo gỡ khó khăn. Cơ chế giám sát cũng phải thay đổi, hàng tháng chủ đầu tư và UBND các huyện phải báo cáo những việc đã làm được, những việc chưa làm xong,…

Các đại biểu theo dõi phiên chất vấn.
Các đại biểu theo dõi phiên chất vấn.

Đại biểu Lê Quang Đạt (huyện Thanh Chương) đánh giá rằng, thực chất cuộc sống hiện nay ở khu vực tái định cư thủy điện Bản Vẽ của bà con đang tốt lên rất nhiều. Còn những vấn đề vướng mắc liên quan thì UBND tỉnh phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Thực tế khi xây dựng dự án, một số nội dung liên quan còn nhiều bất cập, có nhiều điểm phi khoa học. Chưa lường hết hậu quả của hậu tái định cư, nên khi xảy ra sự việc gặp lúng túng trong xử lí. Chưa có kết luật bằng văn bản chính thức về những lời hứa với người dân của chủ đầu tư cũng như các cơ quan chức năng…

Trước những ý kiến trên, đồng chí Lê Xuân Đại khẳng định rằng, nhiệm vụ giải quyết vấn đề hậu tái định cư thủy điện Bản Vẽ là hết sức cần thiết và phải giải quyết tất cả các nội dung liên quan. Về vấn đề đất đai, đề nghị lãnh đạo huyện Thanh Chương, Tương Dương và chủ đầu tư phải giải quyết nhanh trong quý 2, phải cấp đủ cho dân, nếu không có diện tích trồng lúa thì phải cấp bù diện tích trồng chè. Nguồn quỹ đất.

Phần chất vấn của đại biểu Lê Quang Đạt.
Phần chất vấn của đại biểu Lê Quang Đạt.

UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ và huyện Thanh Chương đưa ra phương án xử lí dứt điểm. Về đất đai: Đề nghị UBND tỉnh chủ trì với hai huyện Thanh Chương và Tương Dương giải quyết dứt điểm việc đền bù đất đai, cấp đất cho dân. Nguồn quỹ đất được lấy từ diện tích thu hồi đất rừng da báo. UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính giải quyết dứt điểm những vấn đề vướng mắc liên quan đến các công chức, viên chức các xã tái định cư. Vấn đề nước sinh hoạt, hiện nay, hệ thống nước tự chảy đã hỏng, phải giải quyết bằng cách đào giếng. Chủ đầu tư đã trích 10 tỷ đồng để đào giếng và cơ bản giải quyết được vấn đề. Hiện nay còn 70 hộ gặp khó khăn về nước vì khó đào giếng, sẽ phải xử lí bằng hình thức phức hợp hơn. UBND tỉnh đề nghị huyện Thanh Chương phải có trách nhiệm bàn giao hồ sơ đất của các hộ tái định cư cho huyện Tương Dương để thực hiện việc rà soát, thực hiện chế độ chính sách đền bù hợp lý.

Chủ đầu tư và huyện Tương Dương, Thanh Chương phải kiểm tra, rà soát lại tất cả những cam kết còn thiếu của dân, xử lí bằng văn bản. Đối với các hộ đã bán nhà, quay trở về rồi, cần xem bản chất cụ thể như thế nào để giải quyết. Đối với những hộ chưa bán nhà, cần phải tăng cường vận động người dân về nơi ở mới, kiên quyết không quay lại vùng lòng hồ. UBND hai huyện cũng phải kiên quyết ngăn chặn tình trạng các em học sinh theo bố mẹ bỏ nhà về Tương Dương làm ăn, đảm bảo cho các em được đến trường, được sinh hoạt vui chơi.

Đại biểu Lương Thanh Hải chất vấn.
Đại biểu Lương Thanh Hải chất vấn.

“Vấn đề tái định cư, hậu tái định cư là hết sức khó khăn, phức tạp, không riêng gì một dự án nào. Đây không chỉ là trách nhiệm của chủ đầu tư mà còn của UBND tỉnh, các cơ quan, ban ngành địa phương. Xin hứa với các đại biểu Hội đồng nhân dân, với các cử trí, chúng tôi sẽ riết ráo thực hiện, làm tốt công tác an sinh xã hội cho người dân vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ”, đồng chí Lê Xuân Đại khẳng định.

Đánh giá cao phần chuẩn bị trả lời chất vấn của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thường trực HĐND tỉnh cho rằng, đây là công trình thủy điện lớn và trọng điểm của quốc gia. Trong những năm qua, UBND tỉnh, chủ đầu tư và các cấp chính quyền đã vào cuộc quyết liệt, thực hiện tốt việc chi trả tái định cư. Có thể khẳng định, đồng bào có ý thức tự giác cao, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước, cuộc sống ở nơi mới tốt hơn nơi cũ... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Đời sống nhiều khó khăn, chưa có nhiều chuyển biến mô hình sản xuất, lao động không đủ việc làm. Việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, hạ tầng xuống cấp,...

Thường trực HĐND tỉnh đề nghị: UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng đề án chuyển đổi phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để cuộc sống của bà con ở khu vực tái định cư được ổn định; Sở NN&PTNT xây dựng đề án tái trồng rừng vùng tái định cư; UBND các huyện, chủ đầu tư tăng cường phối hợp, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh; Sở Nội vụ phối hợp với 2 huyện giải quyết sớm một số chế độ chính sách liên quan đến cán bộ; Chủ đầu tư phải phối hợp với các cơ quan chức năng, đẩy nhanh tiến độ chia đất, giao đất cho các hộ còn thiếu, lập hồ sơ địa chính để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kịp thời sửa chữa một số hạng mục cơ sở hạ tầng xuồng cấp; UBND huyện Thanh Chương: Phải đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, có các chính sách đảm bảo cuộc sống; Huyện Tương Dương phải tăng cường quản lí các đối tượng vãng lai trên địa bàn, tăng cường tuyên truyền vận động những người dân trở về quê; Đối với đồng bào tái định cư, phải có quyết tâm thoát nghèo, tăng cường sự đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương, bản làng mới no ấm, hạnh phúc.

Video clip phiên chất vấn về vấn đề hậu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ:

.

Kết thúc phiên chất vấn, đồng chí Trần Hồng Châu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, trong thời gian diễn ra chất vấn, có 14 đại biểu đã chất vấn 33 vấn đề liên quan đến 2 nội dung, nhiều cử tri chất vấn qua đường dây nóng. Không khí chất vấn thẳng thắn, dân chủ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của kỳ họp và nguyện vọng của nhân dân, đúng trọng tâm, thiết thực.

Phần trả lời chất vấn của đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh và Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An rất thẳng thắn. Các đồng chí đã nắm tốt tình hình, sát thực, nắm chắc các quy định của pháp luật, hiểu biết sâu về chuyên môn. Việc chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra của hội đồng. Cử tri tỉnh nhà thấy rõ hơn về kết quả của các cấp, các ngành, thấy rõ hơn những tồn tại, khó khăn. Các đồng chí đã thấy rõ được trách nhiệm của cá nhân, của ngành và đề ra được một số giải pháp thực hiện, có lộ trình thực hiện cụ thể.

Ngay sau kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ có thông báo kết luận phiên chất vấn của kỳ họp đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc các sở, ngành chỉ đạo thực hiện lời hứa tại phiên chất vấn vào trước kỳ họp HĐND cuối năm để đại biểu HĐND tỉnh và cử tri theo dõi, giám sát.

Nhóm Phóng viên