Món ăn giúp sáng mắt

01/07/2014 15:56

Theo Đông y, mắt là khí quan của tạng can, tinh khí của ngũ tạng, lục phủ đều dồn lên mắt mà thành tinh (tinh thần, tinh hoa), mắt là chỗ tinh khí tụ lại.

Muốn mắt sáng, mắt hoạt động tốt, lâu bền, chậm lão hoá, cần phải bổ tạng can, dưỡng huyết được đầy đủ.

Gan gà chưng câu kỷ tử: Gan gà 60g, câu kỷ tử 30g, táo đỏ 4 trái, gừng tươi 2 lát, gia vị các loại. Gan gà rửa sạch, xắt mỏng, câu kỷ tử, táo đỏ (bỏ hột) rửa sạch, để ráo. Các thứ cho vào bát sành, đem chưng cách thủy khoảng 2 giờ. Nêm gia vị, ăn lúc đói bụng.

Công dụng: Bổ can thận, bổ huyết, làm sáng mắt. Món ăn này rất tốt cho người bị quáng gà, huyết hư mắt nhìn kém, trẻ em suy nhược, người thận suy già sớm.

Gan heo nấu táo đỏ: Gan heo 60g, táo đỏ 10 trái, hoài sơn 20g, gia vị các loại. Gan heo rửa sạch, xắt miếng, ướp gia vị. Táo đỏ, hoài sơn (củ khoai mài) rửa sạch, để ráo. Tất cả cho vào bát sành, đem chưng cách thủy 3 giờ. Nêm gia vị vừa, ăn lúc đói bụng hoặc trong bữa cơm.

Công dụng: Bổ can, bổ tỳ, dưỡng huyết, làm sáng mắt.

Canh gan heo, cải bó xôi: Gan heo 100g, cải bó xôi 250g, gia vị các loại. Gan heo rửa sạch, xắt mỏng, ướp gia vị. Cải bó xôi rửa sạch, cắt khúc ngắn, để ráo. Nấu gan heo vừa chín thì cho cải bó xôi vào, nêm gia vị vừa, ăn trong bữa cơm.

Công dụng: Bổ huyết, bổ can, tăng cường sức đề kháng, giúp mắt hoạt động tốt hơn, giúp sáng mắt.

Cháo gan heo, đậu xanh: Gan heo tươi 100g, đậu xanh 60g, gạo 100g, gia vị. Gan heo rửa sạch, xắt miếng nhỏ, ướp gia vị. Đậu xanh và gạo vo sạch, thêm lương nước thích hợp để nấu cháo. Đun sôi bằng lửa to rồi chuyển ninh lửa nhỏ, đến khi cháo chín thì cho gan heo vào đun sôi, gan vừa chín là được. Nêm lại gia vị vừa, ăn nóng lúc đói bụng.

Công dụng: Bổ gan, dưỡng huyết, thanh nhiệt, làm sáng mắt, nhuận da làm đẹp sắc mặt. Món cháo này thích hợp với nhũng người suy nhược cơ thể, thị lực giảm, sắc mặt kém.

Cháo cà rốt, hoa cúc: Cà rốt 60g, hoa cúc 20g, gạo tẻ 30g, hành, muối, dầu ăn. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng. Hoa cúc cho lượng nước vừa đủ (khoảng 500ml), đun sôi 20 phút, rồi cho cà rốt, gạo tẻ vào nấu cùng thành cháo. Nêm muối, dầu ăn và hành, ăn vào lúc đói bụng.

Công dụng: Thanh nhiệt, minh mục (sáng mắt), có ích cho người thị lực suy giảm, sốt nóng, nhức đầu.

Cháo câu kỷ, dâu tằm: Câu kỷ tử 30g, dâu tằm (tang thầm) 30g, gạo nếp 60g, đường phèn. Rửa sạch câu kỷ, dâu tằm, rồi nấu cùng gạo nếp, khi chín thêm đường phèn vừa ăn.

Công dụng: Bổ can thận, dưỡng huyết, ích trí, làm sáng mắt, có ích cho những người bị giảm thị lực, hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, đau mỏi lưng gối, ù tai, tóc bạc sớm... do huyết hư, can thận suy yếu.

Canh trứng gà, câu kỷ tử: Trứng gà 2 cái, câu kỷ tử 30g, hồng táo (hoặc táo đen) 10 quả. Nấu câu kỷ tử và táo với lượng nước vừa đủ, sôi khoảng 1 giờ, cho trứng gà vào khuấy đều, nấu thêm đến khi trứng chín. Nêm gia vị cho vừa, ăn trong bữa cơm.

Cháo đậu đen, sơn tra, câu kỷ tử: Đậu đen 50g, sơn tra 15g rửa sạch, xắt mỏng bỏ hạt, câu kỷ tử 30g rửa sạch. Ba thứ ngâm nước nóng 1 giờ cho mềm. Nấu với gạo tẻ 100g thành cháo nhừ. Chia 2 lần, ăn với đường vàng hoặc mật ong vào lúc đói bụng.

Canh lươn, hà thủ ô: Lươn 150g, hà thủ ô 10g, đậu đen (ngâm mềm) 60g, táo đỏ 4 quả, gừng tươi 2 lát mỏng. Tất cả rửa sạch, cho vào nồi đất, thêm nước vừa đủ, hầm khoảng 3 giờ cho nhừ. Nêm gia vị vừ, ăn trong bữa cơm.

Theo.AloBacsi.vn