Thiết chế văn hóa-thể thao ở cơ sở: Khó đạt chỉ tiêu nghị quyết
(Baonghean) - Nhằm góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của nhân dân ở cơ sở, HĐND tỉnh có Nghị quyết số 71/2012, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định, cơ chế hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa thể thao (VHTT); các địa phương tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh việc huy động nguồn lực xây dựng thiết chế VHTT. Tuy nhiên, việc thực hiện tiêu chí này đang gặp nhiều khó khăn…
Nhà Văn hóa bản Thạch Dương (xã Thạch Giám, Tương Dương) kiến trúc theo nhà sàn 4 gian, được xây dựng năm 2012, bên trong chỉ có 2 dãy ghế do nhân dân đóng góp, là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, cộng đồng của đồng bào dân tộc Thái. Trên diện tích khuôn viên khoảng 1.000m2, chỉ có duy nhất nhà văn hóa với một sân bóng chuyền, không có tường bao bên ngoài, cơ sở vật chất, trang, thiết bị cần thiết để nhân dân tập luyện văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao, giao lưu văn nghệ quần chúng còn thiếu. Ông Lô Thanh Toàn, Trưởng bản Thạch Dương cho biết: “Thiếu trang, thiết bị, phương tiện, dụng cụ nên bản chỉ sử dụng nhà văn hóa để họp dân mà thôi. Vì vậy, việc khai thác, sử dụng và phát huy có hiệu quả nhà văn hóa bản còn hạn chế, nhất là chưa đáp ứng nhu cầu hoạt động cộng đồng của bà con”. Nhưng nếu đem so sánh với các bản khác, thì nhà văn hóa của bản Thạch Dương dù sao cũng đáp ứng tiêu chí diện tích. Ở xã Thạch Giám có 9/9 bản đều được xây dựng nhà văn hóa kiên cố nhưng diện tích khuôn viên của các nhà văn hóa không đồng đều, trong đó có 5 bản diện tích không đáp ứng được theo tiêu chuẩn đề ra. Nguyên nhân là do không có mặt bằng, địa hình quá chật hẹp. Không có kinh phí xây dựng hệ thống hàng rào bảo vệ, thiếu trang thiết bị như bàn ghế, loa, đài...
Mặc dù việc xây dựng thiết chế VHTT ở Tương Dương được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng khó đáp ứng tiêu chí về diện tích quy định: Trung tâm văn hóa xã vùng miền núi tối thiểu là 1.500m2 (không tính diện tích sân bóng đá), diện tích quy hoạch nhà văn hóa vùng miền núi tối thiểu 300m2, khu thể thao tối thiểu 1.500m2. Cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều nhà văn hóa xây dựng từ trước không đạt tiêu chuẩn, một số đã xuống cấp chưa được sửa chữa. Hiện toàn huyện Tương Dương có 23 nhà văn hóa thôn bản đã xuống cấp cần phải sửa chữa; Sân vận động 3 xã không có hàng rào và sân khấu ngoài trời. Các sân thể thao tại các bản vùng sâu, vùng xa chủ yếu là sân tạm. Đến nay, trên địa bàn huyện chưa có cơ sở nào đạt chuẩn quốc gia về thiết chế văn hóa - thông tin - thể thao. Ông Vi Sắt Son- Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tương Dương cho biết: “Khó khăn chủ yếu vẫn là quy hoạch quỹ đất để xây dựng. Tôi thấy quy định về thiết chế VHTT đạt chuẩn quốc gia là quá cao so với địa bàn miền núi, do đó, cần linh hoạt tiêu chí đối với mỗi vùng, miền”.
Được xây dựng năm 1978, sửa chữa từ năm 1984, đến nay Hội trường văn hóa xã Nam Lĩnh (Nam Đàn) đã xuống cấp trầm trọng, thép đã bục bong ra, tường vôi đã rơi vãi, dột nát; trang, thiết bị phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao hầu như là con số 0. Anh Hoàng Đình Nam - cán bộ văn hóa xã chia sẻ: “Cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu, do đó, rất khó để tổ chức các hoạt động VH - TT. Theo quy định, các xã, phường, thị trấn đồng bằng, nhà văn hóa có hội trường tối thiểu 250 chỗ ngồi, sân khấu và 5 phòng chức năng, đối với địa phương chúng tôi thì điều đó còn quá xa vời”. Trung tâm văn hóa xã là vậy, các nhà văn hóa xóm trong tình trạng đìu hiu không kém. 13/13 xóm của xã có nhà văn hóa nhưng do đa phần là được nâng cấp sửa chữa từ nhà trẻ, trang, thiết bị còn thiếu nhiều, các công trình phụ trợ chưa có. Ông Lê Công Nam - cán bộ phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Đàn cho biết: “Để hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở, HĐND huyện khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 18 về cơ chế hỗ trợ xây dựng thiết chế VHTT trên địa bàn huyện, trong đó có cơ chế hỗ trợ xây mới nhà văn hóa 50 triệu đồng, nâng cấp, sửa chữa là 15 triệu đồng. Hiện nay, nhìn chung các xã đều có sân bóng đá, bóng chuyền, nhưng để đạt chuẩn còn ít. Chiếu theo tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM thì việc đạt chuẩn khu trung tâm VHTT xã, nhà văn hóa thôn xóm thực sự khó khăn, ngoài quỹ đất eo hẹp thì nguồn kinh phí là vấn đề đáng quan tâm. Đây thực sự là rào cản, thách thức đối với nhiều địa phương ở Nam Đàn”.
Nhà Văn hóa xã Nam Lĩnh (Nam Đàn) xuống cấp trầm trọng. |
Nhằm đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, tinh thần của nhân dân, kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 71/2012 về “cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng một số thiết chế VHTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”. Theo đó, cơ chế đầu tư được xây dựng rõ ràng, đối với huyện vùng núi cao, tỉnh hỗ trợ 80% xây dựng nhà văn hóa, vùng trung du hỗ trợ 60%, vùng thấp là 40%. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn nhiều địa phương đã xây dựng hệ thống thiết chế VHTT đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, để đạt tiêu chí theo quy định của Bộ VH-TT&DL của tỉnh đề ra thì còn nhiều khó khăn. Chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII là đến năm 2015 xây dựng thiết chế VHTT đạt chuẩn quốc gia đạt 60 - 65% (theo tiêu chí mới là 23-25%). Hiện tại, mới có 48,5% số xã đạt chuẩn quốc gia về thiết chế VHTT (theo tiêu chí mới của Bộ VH-TT&DL đạt 18,5%).
Theo dự báo của ngành Văn hóa, chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đặt ra khó đạt. Nguyên nhân là do theo Thông tư 12/2010 của Bộ VH-TT&DL thì diện tích quy hoạch đất quy mô nhà văn hóa, sân vận động tăng nhiều so với trước đây: Quy hoạch đất cho khu TTVHTT cấp xã từ 1.000m2 lên 2.500m2 đối với đồng bằng và 2.000m2 đối với miền núi. Nhà văn hóa thay đổi quy mô xây dựng từ 150 chỗ ngồi lên 200 chỗ ngồi tối thiểu, 4 phòng chức năng đối với miền núi và 250 chỗ ngồi, 5 phòng chức năng đối với đồng bằng. Diện tích sân vận động từ 3.000m2 đối với đồng bằng, 2.000m2 đối với miền núi lên tối thiểu 10.800m2 (90mx120m). Mặt khác, việc huy động nguồn lực xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở rất khó khăn, trong khi ngân sách của tỉnh đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế.
Ông Phan Hữu Lộc- Trưởng phòng Nếp sống văn hóa gia đình - Sở VH-TT&DL cho biết: “Trong tháng 8/2014, sở sẽ thành lập đoàn kiểm tra khảo sát việc xây dựng thiết chế VHTT, rà soát cụ thể từng xã, từng tiêu chí để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế VHTT ở cơ sở. Các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác xã hội hoá để huy động nguồn lực xây dựng thiết chế VHTT và phát triển đời sống văn hoá ở cơ sở; tích cực làm tốt công tác vận động tuyên truyền cho nhân dân thấm nhuần ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng thiết chế VHTT, khai thác các nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế VHTT, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng NTM”.
Thanh Lê