Nhật sắp tái khởi động nhà máy điện hạt nhân đầu tiên

20/07/2014 15:09

Phải chăng các lò phản ứng số 1 và số 2 của Nhà máy điện hạt nhân Sendai sẽ mở đầu cho chương trình tái khởi động nền công nghiệp hạt nhân Nhật Bản.

Ba tháng trước, ngày 11/4/2014, chính phủ Nhật Bản đã đi đến một bài toán tái sinh điện hạt nhân với tên gọi "Kế hoạch năng lượng cơ bản". Điểm chủ yếu của kế hoạch đó là năng lượng hạt nhân vẫn được coi là nguồn điện năng quan trọng, đồng thời rút lại “mục tiêu loại bỏ điện hạt nhân” mà chính quyền tiền nhiệm thuộc đảng Dân chủ DPJ đưa ra ngay sau sự cố Fukushima năm 2011.

Ba tháng trôi qua, mọi người cứ chờ xem sự khởi động bài toán lớn này của Nhật sẽ bắt đầu từ đâu; tức lò phản ứng hạt nhân nào, và lúc nào; ngay trong năm 2014 hay năm sau nữa. Bỗng, ngày Thứ Tư tuần này, 16/07/2014 Cơ quan Pháp quy Hạt nhân (NRA), đã có báo cáo xác định các lò phản ứng số 1 và số 2 tại nhà máy Sendai ở tỉnh Kagoshima ở Tây Nam Nhật Bản bảo đảm các yếu tố của văn bản pháp quy hạt nhân đã được sửa đổi và bổ sung và có thể đưa vào hoạt động.

Nhà máy điện hạt nhân Sendai, tỉnh Kagoshima. (Theo Japan News)
Nhà máy điện hạt nhân Sendai, tỉnh Kagoshima. (Theo Japan News)

Như vậy, nhà máy điện hạt nhân Sendai của Công ty Kyushu Electric Co. đang trong tư thế trở thành đơn vị đầu tiên phát điện hạt nhân kể từ sau thảm họa Fukushima tháng 3 năm 2011 làm ngưng đọng nền công nghệ điện hạt nhân đồ sộ chiếm trên 30% tổng sản lượng điện năng nước này.

Cơ quan Pháp quy Hạt nhân (NRA) đã xác nhận sự bảo đảm an toàn hạt nhân cho Nhà máy Sendai của Tập đoàn điện năng Kyushu do đã nâng cấp thiết kế đạt chuẩn mức an toàn hạt nhân cho các lò phản ứng hạt nhân. Các chỉ tiêu an toàn mới bao gồm cả sự an toàn chống các tai họa thiên nhiên, như động đất - sóng thần và các sự cố hạt nhân tiềm ẩn khác.

Việc khởi động nhà máy điện hạt nhân chưa tiến hành ngay, được dự kiến vào khoảng Tháng Chín - Tháng Mười Một năm này. Vì sự chuẩn y, dù đã được ghi nhận trong văn bản dày 400 trang của Cơ quan Pháp quy Hạt nhân, vẫn phải đợi sự phản hồi của công chúng trong vòng một tháng. Ngoài ra, trước khi các lò phản ứng có thể được bấm nút khởi động, Tập đoàn Kyushu Electric Co. vẫn phải nhận được sự ủng hộ của cấp chính quyền thành phố sở tại và thống đốc của tỉnh Kagoshima. Theo thông tin chưa chính thức, Chính phủ và Công ty Điện lực Kyushu đã thăm dò ý kiến công chúng và nhận được cái gật đầu của chính quyền địa phương về việc quyết định tái khởi động Nhà máy Sendai.

Trong khi các lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Sendai đang chờ đợi được tái khởi động, 17 lò hạt nhân tại các nhà máy khác trên toàn nước Nhật cũng đang trong quá trình đánh giá hay chờ đợi sự thẩm định.

Thủ tướng Shinzo Abe cho biết chính phủ đã sẵn sàng để tái khởi động bất kỳ lò phản ứng nào đang tạm dừng hoạt động trên toàn quốc và được NRA chính thức chấp thuận các biện pháp an toàn bổ sung đáp ứng các tiêu chuẩn mới được xây dựng bởi NRA sau thảm họa Fukushima. Ông Abe nói với các phóng viên trong chuyến thăm Higashi Matsushima, tỉnh Miyagi (theo Kyodo): "Chúng tôi muốn thúc đẩy việc tái khởi động nhà máy hạt nhân nào được NRA đánh giá khoa học và công nghệ và kết luận đáp ứng tiêu chuẩn an toàn".

Ngoài ra, Chính phủ của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cũng để ngỏ khả năng cho phép xây dựng thêm các lò phản ứng hạt nhân nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định cho cả nước. Tuy nhiên, chính phủ này không chủ trương đưa tỷ lệ điện hạt nhân lên quá cao, đến mức khoảng 50% như từng đề ra trước sự cố Fukushima 2011. Mặt khác, họ cam kết sẽ tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, hướng tới mục tiêu đưa loại năng lượng này lên mức 20% tổng nhu cầu điện vào năm 2030 theo như đã đề ra trong kế hoạch năng lượng cơ bản từ năm 2010.

Cuộc biểu tình ở Tokyo chống tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Sendai. (Theo Japan Times)
Cuộc biểu tình ở Tokyo chống tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Sendai. (Theo Japan Times)

Trong tình hình nước Nhật hiện nay, dư luận dân chúng đóng vai trò quan trọng mà ngay cả chính phủ xưa nay chủ trương phát triển mạnh điện hạt nhân, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe và đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP), cũng không thể phớt lờ.

Và quyết định tái khởi động Nhà máy điện hạt nhân Sendai ở tỉnh Kagoshima cũng đang đứng trước làn sóng phản đối của nhiều người vẫn còn trong tâm trạng nặng nề đối với tai họa hạt nhân xảy tại Fukushima cách đây ba năm. Họ đang tụ tập biểu tình bên ngoài Nhà máy Sendai. Điều này chắc cũng sẽ xảy ra cả với các nhà máy điện hạt nhân khác nữa trong thời gian tới. Đây cũng là một trong những thông số quan trọng nhất mà nhà cầm quyền Nhật phải tính đến trong việc giải bài toán tối ưu về tái khởi động nền công nghiệp điện hạt nhân của nước mình.

Theo.vietnamnet