Xây dựng Nông thôn mới vùng ven biển: Những vấn đề đặt ra
(Baonghean) - Trong xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo Trung ương đã ban hành Bộ tiêu chuẩn quốc gia với 19 tiêu chí chung cho cả nước. Tuy nhiên, đối với Nghệ An, do điểm xuất phát thấp và địa bàn rộng nên khi xây dựng nông thôn mới mỗi vùng, miền có những khó khăn riêng. Trong đó các xã ven biển đất chật, người đông cần được tư vấn, quy hoạch.
Khó… từ khâu cắm mốc quy hoạch
Người dân miền biển bao đời nay quần tụ bên nhau với đặc thù “đất chật, người đông”. Nguyên nhân là do thường xuyên bị thiên tai bão lũ nên người dân vùng biển có xu hướng sống quần cư rất tập trung, kể cả chấp nhận sinh hoạt trong không gian chật hẹp. Nhiều nơi theo thời gian nước biển còn lấn sâu vào, xóm làng càng chật hẹp. Tại xã Quỳnh Long, một trong những xã biển điển hình của Quỳnh Lưu, cả xã có 9.800 nhân khẩu/8 xóm nhưng chỉ 32,9 ha đất ở; với mật độ khoảng 5 m2/người nên nhà với nhà liền sát nhau, đường nội thôn chỉ rộng từ 1 - 2 m, đường liên xóm chỉ trên 3 - 3,5 mét. Tương tự, xã Quỳnh Lập của Thị xã Hoàng Mai, dân số 10.200 người/13 xóm nhưng chỉ có 38,9 ha đất ở, nhà cửa bố trí dân cư theo sườn núi nên không chỉ chật hẹp mà đi lại cũng khó khăn do đường dốc, một số xóm làm bậc thang thì mới đi lại được. Cả xã Quỳnh Lập có 12,2 km đường nhưng chỉ khoảng một nửa km đường liên xóm là ô tô con đi được 1 làn, còn lại chỉ đi bằng xe máy hoặc đi bộ. Vì lý do này nên nhiều gia đình làm nhà mới thì phải “tăng bo” vận chuyển vật liệu hàng trăm mét, thậm chí hàng km nên khá tốn kém. Đây là tình trạng chung của các xã ven biển có mật độ dân cư dày đặc như Tiến Thủy, Sơn Hải (Quỳnh Lưu), Quỳnh Phương (Hoàng Mai)…
Đường nông thôn mới ở thôn Đồng Tâm, Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu). |
Chính vì vậy, bước vào xây dựng NTM, không như các địa bàn miền núi hay vùng thuần nông, các xã ven biển khó từ khâu đầu tiên là cắm mốc quy hoạch. Nghịch lý ở chỗ nếu cắm mốc quy hoạch mới hoàn toàn thì chẳng khác nào quy hoạch treo vì không thể thực hiện được còn nếu cắm mốc chấp nhận hiện trạng thì không đáp ứng tiêu chí xây dựng NTM. Đối với xã Quỳnh Lập khó khăn còn ở chỗ do có Khu công nghiệp Đông Hồi đang dang dở nên có tới 6/13 xóm phải chờ quy hoạch của cấp trên thế nào thì mới làm quy hoạch riêng cho mình được.
Vì lý do này nên nhiều xã ven biển đến thời điểm này chưa thể công bố cắm mốc quy hoạch NTM được. Nguyên nhân là do chủ trương xây dựng NTM với những tiêu chí về hạ tầng cơ sở khá cao và “thoáng” mới được đưa ra dăm năm lại đây trong khi các khu dân cư với hệ thống đường sá, nhà cửa được thiết kế tự phát, không theo quy hoạch cách đây hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nên không dễ để chỉnh sửa… Không chỉ trước đây mà nay, nhu cầu nhà ở của người dân ngày càng lớn mà quỹ đất đã hết nên người dân chỉ còn cách tận dụng diện tích hiện có để nâng cấp nhà cửa. Và do chưa có quy hoạch chi tiết nên xuất hiện tình trạng mạnh ai người nấy làm, không tôn trọng quy hoạch chung khiến việc quản lý theo quy hoạch NTM càng khó hơn. Nếu không công bố và cắm mốc kịp thời, người dân sửa lại nhà, xây dựng kiên cố hơn thì lại càng khó để vận động nhân dân và thiết kế lại hạ tầng cơ sở hơn.
Không chỉ khó khăn do đường sá chật hẹp, các thiết chế văn hóa như trung tâm học tập cộng đồng, trụ sở xã cho đến các nhà văn hóa thôn xóm cũng rất khó đạt tiêu chí quy định. Theo quy định mỗi xóm phải có khuôn viên rộng 500 m2 nhưng hầu hết các nhà văn hóa xóm các xã ven biển Quỳnh Lưu, Hoàng Mai hay Diễn Châu đều có diện tích từ 200 đến 300 m2, thậm chí một số xóm chỉ có 100 m2 và không có khả năng mở rộng thêm.
Có một thiệt thòi là phần lớn các xã ven biển không được được chọn là xã điểm Xây dựng NTM nên mặc dù phát động chủ trương đã hơn 3 năm nhưng các xã không được sự hỗ trợ nào từ ngân sách. Do không có kinh phí nên ngay từ khâu in ấn tài liệu, dựng bản quy hoạch công khai để lấy ý kiến nhân dân các địa phương làm một cách rất chật vật và miễn cưỡng. Còn khi nói về vận động người dân hiến đất để làm đường, một lãnh đạo xã cho biết: Chỉ mong người dân khi làm nhà, chấp hành đúng chỉ giới và không lấn ra đất công là đã giúp địa phương rồi, vì đất ít nên không thể vận động người dân hiến được.
Đi trước về trước
Trên thực tế, thấy được khó khăn nên hầu hết các xã ven biển đều đăng ký xây dựng NTM giai đoạn sau là từ 2016 - 2020. Tuy nhiên, nếu nhìn xa về trước một chút, có thể thấy chính các xã ven biển, do diện tích chật hẹp, đời sống người dân tương đối khá nên là những xã đi đầu trong việc cứng hóa đường giao thông nông thôn. Từ những năm 1990 các xã Quỳnh Lập, Quỳnh Long hay Tiến Thủy đã có đường nhựa và bê tông; cùng với đó là điện lưới quốc gia, tỷ lệ người dân được xem ti vi...
Hiện nay, theo tiêu chí mới, mặc dù khó khăn nhưng các xã ven biển đã và đang có nhiều cố gắng để từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chí NTM. Qua tìm hiểu, rà soát, dù đăng ký về đích muộn nhưng hầu hết các xã đến thời điểm này đều đạt từ 7 - 10 tiêu chí, trong đó có những tiêu chí khó với vùng khác nhưng các xã biển lại mạnh hơn như chỉ số bình quân thu nhập đầu người, các mô hình làm ăn phát triển kinh tế. Các xã ven biển, ngoài năng lực đánh bắt thủy, hải sản và hậu cần nghề cá thì xã còn có nguồn thu rất lớn từ lao động xuất khẩu. Chính vì vậy các xã ven biển là xã có bình quân thu nhập đầu người thường khá cao, năm 2013 của Quỳnh Long là 31 triệu đồng, Quỳnh Lập đạt 22 triệu đồng/người/ năm. Có tiêu chí “mềm” nhưng xuất phát từ điều kiện của mình đang được các xã tập trung đầu tư hoàn thành như chợ nông thôn, vệ sinh môi trường…
Ông Trần Quang Vệ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long cho biết: Do dân đông, hoạt động kinh tế chủ yếu là khai thác, đánh bắt trên biển nên một trong những ưu tiên của địa phương là phải có chợ. Chợ không chỉ là phục vụ cho nhu cầu giao thương của người dân mà còn là nơi địa phương tiêu thụ sản phẩm, làm hậu cần nghề cá và xã có thêm nguồn thu để đầu tư phát triển.
Bên cạnh chợ nông thôn thì vệ sinh môi trường các xã ven biển cũng là tiêu chí cứng. Mấy năm trước các xã biển thường là nơi phát sinh các bệnh về tiêu hóa, dịch bệnh sốt rét…. vì chưa làm tốt công tác vệ sinh môi trường; có thời kỳ vệ sinh bãi biển đã trở thành nỗi bức xúc và xấu hổ của địa phương. Thế nhưng, cùng với quá trình đầu tư cải tạo lại nhà cửa, người dân ven biển giờ đây đã ý thức được và một trong những ưu tiên khi làm nhà của người dân vùng biển là đầu tư công trình vệ sinh tự hoại. Nhờ vậy, chỉ trong 1 thời gian ngắn đã có gần 70% số hộ làm công trình vệ sinh tự hoại; các xã thì lập tổ thu gom rác do Hội Phụ nữ làm nòng cốt đến từng xóm và xã đứng ra hợp đồng với công ty môi trường hàng tuần về bốc rác thải 2 lần đưa về bãi rác của huyện, giải quyết được vấn đề bức xúc này.
Cùng với đời sống được nâng cao, các xã ven biển đã quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, y tế nên các tiêu chí này cũng chuyển biến mới về chất. Lãnh đạo xã Quỳnh Long xác định trong xây dựng NTM, trụ sở xã hoặc xóm có thể chưa đảm bảo diện tích nhưng phải cố gắng để trường học và trạm xá phải đủ diện tích và đạt chuẩn. Trong khi đó, ông Vương Đại Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập thì dù còn khó khăn về nguồn lực nhưng xã đang tập trung nguồn lực để hoàn thành trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia trong thời gian tới. Bên cạnh đó là tiếp tục động viên, huy động sức dân để mở rộng và chỉnh nắn đường giao thông, nâng cấp trường học, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế…
Qua trao đổi với lãnh đạo một số xã, trước nhiều khó khăn trên, định hướng và giải pháp duy nhất của xã ven biển là phấn đấu; tiêu chí nào dễ thì làm trước, khó làm sau để tiêu chí nào đạt được thì phải thật bền vững. Ngoài ra, đại diện các địa phương cũng cho rằng Bộ tiêu chí xây dựng NTM mới được sửa đổi nên giờ không nhất thiết phải điều chỉnh nữa mà nên đánh giá theo hướng một số tiêu chí mềm đối với miền núi thì cũng nên có tiêu chí mềm đối với xã ven biển; cần khuyến khích các xã đạt mức cao như tiêu chí bình quân thu nhập hay mô hình phát triển làm ăn nâng cao đời sống người dân thì, giữ vững cảnh quan, vệ sinh môi trường thì được điểm cộng; có phương án hỗ trợ người dân trong thiết kế, quy hoạch để nâng hệ số sử dụng đất và xã hội hóa các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thôn bản….
Bài, ảnh: Nguyễn Hải