Áp trần giá sữa: Tạm yên, chưa ổn!

20/08/2014 18:20

Sau hơn hai tháng thực hiện áp giá trần đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, dư luận khá đồng tình. Tuy nhiên, trước những chiêu “lách luật” của DN kinh doanh sữa, dường như câu chuyện bình ổn giá sữa xem ra chưa ổn.

Để “dẹp loạn” giá sữa, đặc biệt là các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính đã đưa ra giải pháp áp trần giá sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi và đây cũng là một trong những nội dung thực hiện Thông tư 30/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc hàng hóa bình ổn giá.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính):

Mỗi khi đăng ký sản phẩm sữa nên có một mục ghi chú chỉ rõ đó là sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi, đồng thời, cần yêu cầu các DN in ngay thông tin đó trên nhãn mác, bao bì sản phẩm để cơ quan quản lý thuận lợi trong công tác quản lý và tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Ban đầu, chỉ có 25 dòng sản phẩm sữa thực hiện áp giá trần bán buôn từ ngày 1/6/2014, nhưng ngay sau đó, nhiều DN đã đối phó bằng cách “thay tên, đổi họ” cho các sản phẩm vốn là sữa với tên gọi khác, như: thực phẩm bổ sung dinh dưỡng; sản phẩm dinh dưỡng… hoặc thay đổi trọng lượng sản phẩm để không bị áp giá trần và ngang nhiên tăng giá mà không cần xin phép.

Đầu tháng 7/2014, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã “lọc” ra 30 dòng sản phẩm nghi vấn và đề nghị Cục An toàn thực phẩm - ATTP (Bộ Y tế) kiểm tra. Đầu tháng 8/2014, Cục ATTP xác nhận 12/30 sản phẩm trên là sữa và thuộc diện áp giá trần.

Chưa hết nghi ngờ, Cục Quản lý giá tiếp tục yêu cầu Cục ATTP kiểm tra 18 dòng sản phẩm còn lại và đến ngày 11/8/2014, cục có kết luận cuối cùng khẳng định, toàn bộ 18 dòng sản phẩm còn lại đều thuộc phạm vi điều chỉnh giá.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá - cho biết, đến thời điểm này, đã có 30 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi với 503 sản phẩm đã đăng ký và thuộc diện quản lý giá. “Sau quyết định bình ổn và áp giá trần, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong tháng 7 đã ổn định hơn so với thời điểm trước khi công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá” – ông Tuấn đánh giá.

Cần sớm ban hành quy chuẩn định giá sữa một cách quy chuẩn

Trước câu hỏi liệu có còn những sản phẩm là sữa đang lưu hành trên thị trường nhưng chưa được kiểm tra, rà soát để đưa vào danh mục bình ổn, áp giá trần, ông Nguyễn Anh Tuấn thẳng thắn: “Chắc chắn còn nhiều sản phẩm như vậy và do đó, cần tiếp tục rà soát để đưa vào danh mục bình ổn giá”.

Như vậy có thể thấy, ngay cả việc chỉ đích danh sản phẩm nào là sữa hay không phải là sữa còn chưa thống nhất, thì làm sao việc quản lý giá có thể triệt để?

Để quản lý triệt để, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, ngày 11/8, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các Sở Tài chính đôn đốc việc thực hiện bình ổn giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ngoài ra, Cục Quản lý giá cũng đã ban hành một số văn bản về việc phối hợp công tác với các cơ quan liên quan nhằm tăng cường kiểm tra, rà soát sản phẩm sữa thuộc diện thực hiện bình ổn giá.

Kiến nghị giải pháp lâu dài, ông Tuấn cho rằng, Bộ Y tế cần sớm ban hành quy chuẩn định danh sữa một cách thống nhất. Bên cạnh đó, mỗi khi Cục ATTP cấp phép lưu hành cho một sản phẩm sữa đăng ký mới, thay đổi mẫu mã, quy cách chất lượng, trọng lượng, cần cung cấp thông tin kịp thời và chính xác cho Cục Quản lý giá.

Theo baocongthuong.com.vn