Eo Vực Bồng
(Baonghean) - Ai đã từng xuôi ngược trên dòng sông Lam, đi lại trên Quốc lộ 7, chắc nhớ mãi một cảnh quan kỳ vĩ, một danh thắng ngoạn mục. "Sơn trùng trùng, thuỷ dung dung , mặt nước biếc cây lồng chân đá biếc". Đó là danh thắng Eo Vực Bồng thuộc xã Bồng khê, huyện Con Cuông.
Eo Vực Bồng
Eo Vực Bồng nằm bên dãy núi Bồng Sơn, là bậc thềm nhiều cấp của cao nguyên Trấn Ninh, một trong những nóc nhà của bán đảo Đông Dương. Truyền thuyết xưa kể lại, Vực Bồng là một vực có độ sâu nhất của sông Lam, là nơi hội tụ ba đầu của con rồng chầu lại với nhau. Một con rồng đuôi dài đến thượng nguồn sông Lam, một con đuôi dài đến hạ lưu sông Lam, một con đuôi dài hết chiều dài của dòng khe Diêm. Con rồng xanh được họ nhà rồng giao luyện tài võ nghệ cho các chú cá chép sống lâu năm ở thượng nguồn sông Lam, con rồng vàng được giao rèn luyện lựa chọn những chú cá chép ở hạ lưu sông Lam. Con rồng lửa ở khe Diêm chịu trách nhiệm hút nước khe Diêm, phun nước thành mưa, tạo Eo Vực Bồng thành cửa Vũ môn.
Mỗi năm cứ đến dịp mùa Thu sang (khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch) nước sông Lam dâng lên, rồng xanh, rồng vàng dẫn đội quân kiêu binh của mình về Eo Vực Bồng thi tài vượt vũ môn. Đây là cuộc "sát hạch" cuối cùng, những chú cá chép nào nhảy bay vượt qua Vũ môn núi Eo Vực Bồng sẽ được hoá thành rồng phun những trận mưa mát mẻ trong lành tưới cho cánh rừng miền Tây ngày càng tươi tốt. Quả như vậy, ngày nay đến Con Cuông, có dịp lên đỉnh núi Eo Vực Bồng bạn sẽ thấy một vùng nước non man mác mây trời, dòng sông Lam từ thượng nguồn chảy xuôi, từ hạ lưu lên, từ Khe Diêm ra, uốn lượn quanh co giống như hình con rồng đang bơi. Đến mùa mưa lũ không những cá chép mà còn có nhiều loài cá khác từ Eo Vực Bồng vượt qua lao vào khe Diêm, khe Cạn đến đam mê. Dân ở đây có người không chài lưới, bằng tay không vẫn bắt được nhiều con cá to.
Người đời xưa cho đây là thành địa thiêng liêng của họ nhà rồng, họ đã dựng lên đây đền thờ Cửa luỹ bên Eo Vực Bồng để tôn thờ, truyền tụng cho con cháu ngày xưa, ngày nay và muôn đời sau biết bảo vệ di tích thắng cảnh quý hiếm này.
T.B
(Tổng hợp)