Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị vùng giáo

05/08/2014 09:03

(Baonghean) - Những năm qua, việc thực hiện Kết luận số 09-KL/TU ngày 5/12/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng giáo thường xuyên được các cấp quan tâm chăm lo, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực trên một số mặt. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống chính trị cơ sở vùng giáo đang còn không ít vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân nhiều nơi còn bộc lộ hạn chế, yếu kém; thậm chí có nơi không đủ khả năng lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vấn đề, vụ việc xảy ra thuộc thẩm quyền của cơ sở. Công tác phát triển đảng viên, đoàn kết, tập hợp hội viên, đoàn viên gặp nhiều khó khăn. Việc tuyên truyền, vận động, chức sắc, chức việc tôn giáo thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước còn lúng túng, hiệu quả thấp.

Kinh tế - xã hội ở vùng giáo nhiều nơi phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; việc huy động nội lực phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nghĩa vụ công dân chưa tốt. Công tác phòng ngừa, nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật còn bị động, hiệu quả chưa cao, có nơi để xảy ra vụ việc phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên ngoài yếu tố khách quan, chủ yếu do những nguyên nhân chủ quan: Nhận thức và cách làm trong chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng giáo nhiều nơi còn lúng túng, thiếu chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể, hoặc cứng nhắc, máy móc, thiếu sáng tạo. Một số cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở vùng giáo chưa xác định rõ trách nhiệm của mình tại cơ sở mà còn thụ động, trông chờ vào cấp trên, thiếu phương pháp tiếp cận, tranh thủ chức sắc, chức việc tôn giáo; thậm chí còn biểu hiện mặc cảm, phân biệt đối xử, né tránh, ngại va chạm, chưa dám đấu tranh trực diện, để một số vướng mắc tồn tại kéo dài tạo bức xúc, bùng phát các vụ việc phức tạp. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện đối với cơ sở có lúc, có nơi chưa sâu sát, chưa cụ thể, thiếu thường xuyên, hiệu quả thấp.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 20/CT-TU ngày 15/7/2014 yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 09-KL/TU ngày 5/12/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng giáo, gắn với thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 13/3/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm:

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị cơ sở và cán bộ đảng viên, nhân dân trong vùng giáo;

- Tập trung xây dựng, củng cố các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở vùng giáo, nhất là ở khối, xóm;

-Tập trung nâng chất lượng và phát huy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở vùng giáo; và tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng giáo.

P.V