Điện và những nỗi lo

21/07/2014 22:07

(Baonghean) - Điện yếu, người dân chưa được mua điện tại gia, nguồn điện thắp sáng công cộng còn thiếu... đang là những vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn Thành phố Vinh. Người dân rất mong muốn những kiến nghị chính đáng này sẽ được giải quyết thỏa đáng trong kỳ họp HĐND này.

Hệ thống lưới điện tại xóm 13B, xã Nghi Kim (TP Vinh) đã được đầu tư, xây dựng hơn 20 năm.
Hệ thống lưới điện tại xóm 13B, xã Nghi Kim (TP Vinh) đã được đầu tư, xây dựng hơn 20 năm.

Chất lượng điện yếu

Từ nhiều tháng nay, gia đình chị Trần Thị Huế, xóm 12, xã Nghi Kim không thể sử dụng điều hòa, tủ lạnh trong sinh hoạt. Vào giờ cao điểm, những chiếc quạt điện chạy phập phù, được ít phút thì tắt khiến cho mọi sinh hoạt của gia đình chị bị đảo lộn. Chị Huế cho biết: Nguồn điện yếu quá nên những thiết bị điện trong gia đình hầu như không sử dụng được. Nhiều hộ đã đầu tư ổn áp nhưng cũng không ăn thua. Không chỉ riêng gia đình chị Huế mà tại xóm 12, có gần 100 hộ phải chịu chung cảnh ngộ như vậy. Ông Trịnh Duy Vinh, Xóm trưởng xóm 12 cho biết: Toàn xóm có hơn 200 hộ, sử dụng nhiều nguồn điện khác nhau. Đối với những hộ sử dụng điện trực tiếp của Chi nhánh điện Nghi Lộc đang phải chịu cảnh điện quá yếu, đặc biệt những hộ cuối nguồn thì càng yếu hơn. Vào mùa hè, không thể sử dụng các thiết bị làm mát. Người dân ai cũng mong muốn ngành điện sớm có phương án để nâng cấp chất lượng điện, nếu cần, người dân sẵn sàng góp tiền.

Làm việc tại các xóm khác ở xã Nghi Kim, việc người dân phản ánh chất lượng điện yếu không chỉ là vấn đề cục bộ. Tại xóm 2, vào những giờ cao điểm, điện quá yếu khiến cho những đồ dùng sinh hoạt trong gia đình không sử dụng được. Ông Nguyễn Đức Dũng, xóm trưởng xóm 2 cho biết: Từ ra tết trở lại đây, nguồn điện yếu đi thấy rõ. Vào những giờ cao điểm, các thiết bị như bình nóng lạnh, điều hòa, quạt điện đều không sử dụng được. Một số hộ cuối nguồn thì không thể cắm cơm hoặc do điện yếu nên cơm sống. Chúng tôi mong muốn ngành Điện sớm có phương án lắp thêm trạm biến áp để nâng công suất lên, giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt cho người dân. Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Kim cho biết: Sau khi tiếp nhận thì ngành Điện đã nâng cấp 1 số trạm điện nhưng do nhu cầu sử dụng trong dân tăng mà công suất các trạm chưa được cải thiện. Hiện toàn xã có 7 trạm điện, trong đó có một số trạm kéo chung cho 2 - 3 xóm nên dẫn đến quá tải. Vì vậy, việc đầu tư, nâng cấp các trạm điện là việc làm cần thiết để đảm bảo cung cấp điện cho người dân sản xuất và sinh hoạt.

Chưa được mua điện tại gia

Hiện nay, toàn xã Nghi Kim đang có khoảng 200 hộ dân vẫn chưa được mua điện tại gia. Năm 2003, xã Nghi Kim tiến hành bàn giao hạ tầng lưới điện cho Chi nhánh Điện Nghi Lộc quản lý. Tuy nhiên, do một số hộ thuộc các xóm 13A, 13B, 12, 15 trước đó “ăn” điện của các xí nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị bộ đội nên chưa bàn giao và được hưởng mua bán điện tại gia. Vì lý do đó nên đến nay, những vấn đề về chất lượng, giá điện... đang khiến cho người dân lo lắng. Ông Phan Thăng Long, Xóm trưởng xóm 12 cho biết: Do chưa được mua điện tại gia nên hơn 20 năm qua, 80 hộ dân trong xóm phải chịu mức giá cao hơn. Ngoài giá điện tính theo bảng giá chung của nhà nước thì người dân còn phải gánh thêm 410 đồng/kw tiền khấu hao, tiền thuê lao động. Người dân đã gửi đơn lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Không chỉ phải chịu mức giá cao mà chất lượng hạ tầng lưới điện cũng đang là nỗi lo của người dân nơi đây, đặc biệt mỗi khi vào mùa mưa bão. Hơn 20 năm qua, hệ thống cột điện, công tơ chưa được nâng cấp, thay thế. Những cột điện đã xuống cấp có thể gãy, đổ bất cứ khi nào. Những chiếc công tơ đã mòn số, rỉ sét, hệ thống dây điện chạy sát nhà dân, lòng thòng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ông Nguyễn Sỹ Hùng, người được tổ dân phố bầu lên để đi thu tiền điện cho biết: Theo quy định, 1 công tơ đến mức 10.000 KW phải thay mới, nhưng ở đây, có những công tơ đã gần 30.000 KW vẫn chưa được thay mới. Hệ thống dây, cột điện hơn 20 nay chưa được thay thế. Mỗi tháng, khấu hao điện năng lên đến hàng ngàn KW và người dân phải chịu. Chúng tôi ai cũng mong muốn được hưởng mua điện tại gia, được ngành Điện đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống điện lưới để đảm bảo an toàn, giảm hao hụt điện năng.

Thiếu điện thắp sáng công cộng

Trừ một số phường trung tâm như: Trường Thi, Lê Mao, Quang Trung, Lê Lợi, Hưng Bình, Hưng Dũng... còn hầu hết các phường, xã khác đều thiếu hệ thống chiếu sáng công cộng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân cũng như đảm bảo an ninh trật tự vào ban đêm. Ông Lê Văn Hùng, hộ dân ở sát đường Phạm Hồng Thái cho biết: Đây là khu vực trọng điểm về tình hình an ninh trật tự nhưng hệ thống chiếu sáng vẫn chưa có. Cứ khoảng 10h đêm, khi nhà dân tắt điện đi ngủ là cả đoạn đường tối om, nhiều người đi làm về khuya qua đoạn đường này cảm thấy sợ hãi. Người dân chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Mặc dù những năm qua, cùng với chính quyền, nhân dân ở các khu dân cư đã chung tay, góp tiền của để thắp sáng nhiều ngõ phố, nhưng hệ thống chiếu sáng không đồng bộ, chắp vá và thường xuyên hư hỏng do mưa gió. Ngay ở phường Bến Thủy, cửa ngõ phía Nam của thành phố, trên các tuyến đường nối 15 khối phố được đặt tên như đường Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đức Đạt, Hồ Quí Ly… chưa được đầu tư hệ thống chiếu sáng đô thị.

Thống kê của Công ty Quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh, hiện mới chỉ có 156/290 tuyến đường thuộc thành phố quản lý được lắp đặt hệ thống chiếu sáng ban đêm. Còn ở hàng trăm tuyến đường, ngõ phố khác chưa được thống kê, điều tra cụ thể.

Một đô thi loại I hướng tới trở thành trung tâm thương mại, du lịch và các dịch vụ khác có tác động mạnh trên phạm vi vùng Bắc Trung bộ; là đầu mối thông thương như cửa vào - ra quan trọng của vùng Bắc Trung bộ cũng như của cả nước và quốc tế. Nếu xét ở tầm vóc như vậy, Vinh là điểm sáng đáng chú ý về cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhưng về nghĩa đen, hệ thống chiếu sáng ban đêm của thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu.

Phạm Bằng