Nhà báo Pháp nặng lòng với Hoàng Sa, Trường Sa
Từ 8.8 - 8.9, Viện Thông tin khoa học xã hội tổ chức trưng bày bộ tư liệu mới về Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông tại 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, với nhiều tư liệu chưa từng công bố.
Tờ Thức tỉnh kinh tế Đông Dương đăng nhiều bài viết khẳng định chủ quyền của VN với Hoàng Sa - Ảnh: T.N
Khi nhà báo, cũng là nhà nghiên cứu Pháp Henri Cucherousset từ trần cuối năm 1934 tại Hà Nội, tờ L’Annam nouveau đã đưa tin, người viết là học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Ông Vĩnh viết về người vừa mất khi ấy: “Chính ông là người đã cho công chúng nhận biết những mặt trong của vấn đề quần đảo Hoàng Sa. Ông cũng là người đầu tiên đưa ra yêu sách đòi lại chủ quyền của Hoàng Sa cho xứ sở của chúng ta”.
Trong bài viết có tên Một khoản thu, mà vì lý do bí ẩn, đã bỏ lỡ, sau khi nêu các tầm quan trọng về nhiều mặt của quần đảo Hoàng Sa như quan sát khí tượng, cảng biển, cảng hàng không, vỉa phốt phát... Henri Cucherousset cho rằng chính quyền đã không biết khai thác để mang lại ngân sách và kinh tế cho Đông Dương.
Trong bài Chinh phục các đảo có phốt phát tại Trường Sa, Cucherousset lại tường thuật việc chính quyền Đông Dương đã đưa các đoàn tàu vào khảo sát và nghiên cứu tài nguyên, nhất là phốt phát trên quần đảo Trường Sa và cũng là để khẳng định chủ quyền. Tác giả hy vọng chính quyền tiếp tục làm như vậy với quần đảo Hoàng Sa mà không nhất thiết phải đưa vụ việc ra tòa án La Haye.
Bộ sưu tập tư liệu mới về Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông tại 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội
Nhiều tư liệu quý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
Theo GS Hồ Sĩ Quý, Henry Cucherousset là người đã làm nên tờ tuần báo Thức tỉnh kinh tế Đông Dương (L’Eveil économique de l’Indochine). Tờ báo in tại Hà Nội này đã đăng rất nhiều bài viết liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa của nước ta. Tại phòng trưng bày sưu tập tư liệu mới về Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông do Viện Thông tin khoa học xã hội tổ chức, tuần báo này được trưng bày trọn bộ. Các trích đoạn liên quan đến chủ quyền được dịch sang tiếng Việt để tiện theo dõi. “Viện là nơi lưu đầy đủ nhất bộ ấn phẩm này”, GS Quý nói.
Một tài liệu tiếng Pháp khác là Báo cáo gửi Đại hội đồng kinh tế và tài chính Đông Dương và trình hội đồng Chính phủ năm 1931, trong đó nhắc tới đợt khảo sát ngày 16.5.1931 về nghiên cứu hải dương học, động vật học, thực vật học và khoáng vật học ở Paracels (Hoàng Sa). Bài báo cho biết những nghiên cứu đầu tiên thực hiện trên vùng biển Đông của Viện Hải dương học, về loại đất nền dưới quần đảo, về hình thái của đảo san hô, cá, chim, cơ chế hình thành của phốt phát có trong đất ở khắp đảo Hoàng Sa.
Nhật ký hành trình tới Hoàng Sa là ghi chép của hai tác giả A.Pierre C. và Maurice C. vào năm 1941. Trong đó có đoạn khẳng định Hoàng Sa là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam. Đây là một khu núi đá rất hiểm trở, cách xa hàng trăm dặm, thường xảy ra các vụ chìm tàu. Quần đảo này trải dọc theo bờ biển của Nam Kỳ, nơi xưa kia có tên là Nam Nam. “Tôi giải thích vì sao hôm nay tôi phải đề nghị nước Pháp trang bị cho Hoàng Sa một ngọn hải đăng, một cái đài vô tuyến, cho phép có thể dự báo thời tiết hữu ích, thông báo các cơn gió bão có thể đi qua nơi đây. Và cũng cần một đồn cảnh sát bản địa trực thuộc chính quyền bảo hộ An Nam”, một đoạn trong sách nêu rõ.
Một mảng sách đáng chú ý khác là các tài liệu tiếng Trung Quốc cổ từ năm 1178 đến 1951 của các sử gia Trung Quốc viết về lịch sử Trung Quốc qua các thời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Trung Hoa dân quốc và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Trong nội dung các cuốn sách này không thấy đề cập tới vấn đề Trường Sa. “Đặc biệt, cuốn sách giáo khoa về lịch sử Trung Quốc xuất bản năm 1950, tái bản 1951 tại Bắc Kinh giảng dạy cho công nhân Trung Quốc đã xác nhận cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam và trên bản đồ tình thế Trung Quốc ở cuốn sách này cũng không thấy có địa danh Hoàng Sa, Trường Sa”, PGS-TS Lê Thị Lan, Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội cho biết.
Theo Thanh niên