Gặp thí sinh đặc biệt ở cụm thi Vinh

03/07/2014 18:09

(Baonghean.vn) - Bị bệnh rụng tóc đã 7 năm nay, em Trần Thị Nhi (18 tuổi, quê ở Cẩm Thạch, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua mặc cảm số phận để vươn lên hòa nhập với cộng đồng, nỗ lực học tập không mệt mỏi để trong đợt thi ĐH- CĐ năm 2014 này, trở thành thí sinh đặc biệt của cụm thi Vinh với ước mơ trở thành bác sỹ thú y.

Hai mẹ con em Trần Thị Nhi được các tình nguyện viên đưa về nhà trọ giá rẻ.
Hai mẹ con em Trần Thị Nhi được các tình nguyện viên đưa về nhà trọ giá rẻ.
Bị căn bệnh rụng tóc gây trọc đầu, thế nên, chiếc mũ mềm luôn là vật bất ly thân của em.
Bị căn bệnh rụng tóc thế nên, chiếc mũ mềm luôn là vật bất ly thân của em.

Bắt chuyến xe bus liên tỉnh từ mờ sáng, lỉnh kỉnh đồ đạc cùng với hàng chục sỹ tử khác, em Trần Thị Nhi cùng mẹ tỏ vẻ bối rối trước không gian ồn ã, tấp nập trước cổng trường ĐH Vinh. Không phải là lần đầu tiên đến Tp. Vinh, nhưng với chị Nguyễn Thị Hoa (mẹ Nhi), cuộc sống khó khăn nhưng có phần yên ả ở miền quê Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) khác biệt quá nhiều với thành phố này, nhất là khi hôm nay, nhiệm vụ đưa con gái đi thi đại học dường như đang oằn nặng lên vai của chị. May mắn thay, đội tình nguyện viên của trường ĐH Vinh đã nhanh chóng giúp đỡ, đưa hai mẹ con đến nhà trọ giá rẻ gần điểm trường THCS Hưng Dũng- điểm thi của Trần Thị Nhi.

Trần Thị Nhi tranh thủ ôn lại kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi ĐH
Trần Thị Nhi tranh thủ ôn lại kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi ĐH

Vẫn chưa hết mệt mỏi sau chuyến đường dài, nhưng chị Hoa vẫn mặn chuyện và hồn hậu như nhiều người phụ nữ chốn quê khác. Trong gian phòng trọ chỉ khoảng 15 m2 với những đồ dùng giản tiện nhất, “tài sản” của hai mẹ con mang theo trong kỳ thi đại học năm nay chỉ là chiếc túi xách nhỏ đã cũ. Trong đó, chủ yếu là sách vở ôn thi của Nhi, còn lại là vài bộ quần áo và đồ dùng cá nhân. “Nhà chỉ có trông vào ruộng, sau Nhi còn có em trai nữa, vất vả lắm! Đi đây chứ lòng dạ rối bời, vừa lo con làm được bài hay không, vừa lo về sức khỏe, rồi ở nhà còn đứa con út, mắt mũi cũng không được như các bạn ...”

Ngồi cạnh bên, Nhi nhỏ nhẹ tiếp lời mẹ: “Em thương mẹ lắm! Em bị bệnh rụng tóc kinh niên, chạy chữa khắp nơi rồi mà vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của bệnh. Hết cách rồi...” Nói đoạn, cô bé có khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt to tròn tâm sự về bệnh tình đặc biệt của mình với nỗi buồn khó giấu. Sinh ra và lớn lên khỏe mạnh, xinh xắn, thế rồi, năm Nhi lên 11 tuổi, số phận trêu ngươi bắt Nhi gánh căn bệnh rụng tóc. Ban đầu rụng ít, rồi rụng dần đến khi trọc đầu.

Ngồi bên Nhi, nghe cô bé kể về cảm giác đau đớn, mặc cảm những ngày chưa xa ấy, không khỏi nghẹn lòng mà tưởng tượng những gì mà cô bé 18 tuổi đã phải trải qua. Không thể đếm được bố mẹ Nhi đã bắt bao nhiêu chuyến xe vào Nam, ra Bắc, tìm đến gõ cửa biết bao bệnh viện lớn, nhỏ, thậm chí cả những thầy thuốc “vườn”, miễn sao có chút hy vọng le lói cho bệnh tình của con mình. 7 năm trời đằng đẵng, chưa ai nói được cho Nhi và bố mẹ biết chính xác nguyên nhân bệnh rụng tóc của em. Chỉ biết rằng, có một sự thực vẫn hiện hữu hàng ngày, hàng giờ, đó là Nhi cứ lớn lên với tất cả những nét xinh xắn của người thiếu nữ, với sự nhạy cảm và tinh tế đến thắt lòng khi biết rằng ai đó “đang bàn tán về mình...”, trong khi đó, mái tóc tuổi 18 trăng tròn nhẽ ra là đen nhánh đã hoàn toàn biến mất trên đầu!

Nỗi đau quá lớn đến với gia đình Nhi, là khi Nhi chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh, thì đôi mắt của em trai là Trần Văn Quang (15 tuổi) cứ mờ dần, mờ dần. Gia đình đã bán hết những gì có thể bán để chữa bệnh cho con. Căn nhà nhỏ ở miền quê Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) ấy ngày lại ngày dường như lại trống vắng hơn! Chỉ khi đêm xuống, sự ấm áp từ ngọn đèn bàn từ góc học tập của Nhi mới lan tỏa, khiến ngôi nhà có sinh khí hơn nhờ ánh sáng của sự học và quyết tâm. Nhi chăm học và nuôi ước mơ trở thành bác sỹ thú y- ngành học còn có phần lạ lẫm với phần đa chúng bạn ở quê hương em. Nhưng Nhi vẫn kiên định vào lựa chọn của mình: “Em yêu động vật. Với lại, ở quê sống nhờ vào ruộng vườn, chăn nuôi, em muốn học ngành bác sỹ thú y thật tốt để trở về giúp sức cho gia đình, làng xóm, người dân quê mình.”

Thế nhưng, ý chí là một chuyện, còn khó khăn trước mắt mà mẹ con em phải đối mặt là chuyện tiền nong cho chuyến đi này. “Để đưa con đi thi, gia đình đã phải vay mượn hàng xóm láng giềng. Ngoài tiền đi lại, ăn ở, còn lo thuốc men cho con nữa. Vài ngày tới, có lẽ phải sắp xếp bán thóc để trả lại cho người ta. Ở quê, ai cũng khó, riêng chi mình!” - chị Nguyễn Thị Hoa rơm rớm nước mắt chia sẻ. Còn Nhi, em đang nỗ lực dẹp sang một bên những buồn lo, tranh thủ thời gian còn lại để nhẩm những công thức toán học, sẵn sàng cho kỳ thi vào ngày mai./.

Phương Chi- Nguyên Khoa