Hưng Lĩnh: Hiệu quả từ đất bãi
(Baonghean) - Sau thu hoạch vụ xuân trên đất bãi, nhiều địa phương nằm ven đê 42, gần Sông Lam thường bỏ trống quỹ đất này do nhiều bất trắc về thời tiết. Tuy nhiên, xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên) đã mạnh dạn chuyển đổi đất bãi, chủ động xây dựng mô hình sản xuất 3 vụ/năm, nâng cao thu nhập.
Nông dân xóm 2, xã Hưng Lĩnh thu hoạch đậu xanh hè thu trên đất bãi chuyển đổi. |
Chị Bùi Thị Lan - xóm 1A xã Hưng Lĩnh có 2 sào đất bãi. Hàng năm, chị triển khai sản xuất 3 vụ: Vụ xuân trồng 2 sào lạc, vụ hè thu trồng 1 sào đậu xanh, vụ đông trồng ngô. Dịp này chị đang thu hoạch đậu xanh hè thu. Năm nay, đầu vụ do hạn hán kéo dài, gieo trồng muộn nên thu hoạch muộn hơn các năm trước. Chị cho biết, trước đây nhà chị chỉ trồng 2 sào lạc vụ xuân, sau đó bỏ hoang bãi từ tháng 6 trở đi vì đúng thời điểm mưa bão không dám sản xuất. Năm ngoái trở lại đây, thu hoạch lạc xuân xong, chị làm đất trồng đậu, thu hoạch xong đậu trước mùa mưa bão đến đầu tháng 10 lại trồng ngô nếp vụ đông bằng các giống ngắn ngày như MX6, MX10. Chị phấn khởi: Năng suất đậu năm nay ước đạt 3,5 tạ/sào (các năm trước đạt 2,5 - 3 tạ/sào), giá đậu bán ra đạt 28 ngàn đồng/kg, chị thu nhập trên 2 triệu đồng/sào. Năng suất lạc đạt 1,4 tạ/sào, ngô trên 3 tạ/sào. Như vậy, chị có thêm thu nhập gần 4 triệu đồng/sào/năm từ đất bãi.
Xóm 2 xã Hưng Lĩnh hiện có 2 ha đất bãi soi hiện được khoanh thành 2 vùng. Vùng 1 dành cho chuyên canh 3 vụ sản xuất /năm, vùng 2 là vùng bãi chăn thả trâu bò tập trung. Hiện xóm 2 có trên 350 con trâu bò, bình quân mỗi hộ có 2- 3 con trở lên chủ yếu bò lai sind, trâu bò vỗ béo. Ông Nguyễn Văn Cảnh- Xóm trưởng xóm 2 cho biết: Để bảo vệ sản xuất an toàn cho cây trồng vùng bãi, sau thu hoạch vụ xuân, xóm đã khoanh vùng trồng đậu và vùng bãi chăn thả riêng. Xóm cắt cử bà con thay phiên nhau trông coi bảo vệ không để trâu bò phá hoại cây trồng. Nhờ đó việc sản xuất trên đất bãi soi được duy trì. Sản phẩm ngô đông của xóm là nguồn thức ăn dồi dào, chống đói mùa giáp hạt cho trâu bò.
Xã Hưng Lĩnh của huyện Hưng Nguyên là địa phương nằm ven đê 42, bên bờ sông Lam. Toàn xã có 230 ha đất bãi/350 ha đất nông nghiệp tập trung chủ yếu ở ngoài đê. Hàng năm, vào mùa mưa lũ hầu hết diện tích đất này đều bị ngập lụt và thường bị biến động do thay đổi dòng chảy. Ông Hồ Quang Thông - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hưng Lĩnh cho biết: Để ổn định diện tích sản xuất hàng năm và tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng vụ, từ những năm 1976-1978, xã đầu tư giao thông, đắp bờ vùng, bờ thửa, tiêu úng dọc biền. Người dân đã triển khai canh tác 1 vụ/năm trên đất này bằng nhiều cây trồng nhưng hiệu quả chưa cao. Đến năm 2004, thực hiện Nghị định 64 của Chính phủ về chia đất cho dân sản xuất, đất bãi soi được chia theo xóm, tổ nhóm, bình quân trên 100m2/khẩu. Xã bố trí chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch vùng sản xuất bằng cách đưa các cây trồng ngắn ngày trên bãi phù hợp với điều kiện sản xuất như cây đậu, rau màu, ngô nếp, khoai lang chất lượng cao...
Lâu nay, vùng đất bãi với khoảng 30 ha tại các xóm 1B, xóm 3 được dành cho chăn thả trâu bò. Trên 60 ha đất bãi soi các xóm 1A, 1B, xóm 2, xóm 3 sản xuất đậu các loại, rau màu hè thu. Đến nay, trên đất bãi soi của xã có 65 ha lạc vụ xuân, 6 ha đậu hè thu các loại, 15 ha ngô đông. Theo tính toán của ông Thông, nhờ tăng vụ sản xuất trên bãi nên hiệu quả thu nhập bình quân đạt 3 triệu đồng/sào, tăng 1,3 lần so với trồng lúa thuần.
Nhờ tạo được nguồn thức ăn dự trữ từ cây ngô trên đất bãi, cộng vào đó là môi trường đồng cỏ tự nhiên rộng lớn, màu mỡ rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi. Toàn xã Hưng Lĩnh hiện có 1600/1700 con trâu bò lai sind và bò nái sinh sản. Giá trị sản xuất từ chăn nuôi khá ổn định. Bình quân 1 con bê xuất bán đạt 17-18 triệu đồng.
Hiệu quả thực tế từ Hưng Lĩnh cho thấy việc triển khai đầu tư, nhân rộng mô hình phát triển cây trồng, vật nuôi và mùa vụ trên đất bãi là hướng đi phù hợp. Được biết hiện nay, cùng với quá trình chuyển đổi đất theo quy hoạch nông thôn mới, xã Hưng Lĩnh tập trung dồn đổi ô thửa, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, quy hoạch vùng trồng lạc, đậu, ngô, rau màu có giá trị hàng hóa cao, vùng chăn nuôi tập trung, từng bước quy hoạch hệ thống giao thông ổn định góp phần phát huy tiềm năng vùng bãi.
Lương Mai