Thanh Chương: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

08/07/2014 18:53

(Baonghean) - Là một huyện miền núi thấp, địa bàn rộng, trong đó có 19/40 xã thuộc diện xã nghèo, xác định hướng giảm nghèo bền vững là đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm phù hợp với từng địa bàn. Nhờ vậy, hàng năm Thanh Chương đã có hàng nghìn hộ vươn lên thoát nghèo,...

Nghề làm chổi giang tre ở Thanh Lĩnh, Thanh Chương.
Nghề làm chổi giang tre ở Thanh Lĩnh, Thanh Chương.

Mặc dù là một xã đất chật, người đông, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, nhưng xã Thanh Lĩnh đã biết tận dụng lợi thế phát triển các nghề phụ để nâng cao đời sống người dân. Trên cơ sở nghề truyền thống là đan dè, cót, người dân thôn Trường đã du nhập thêm nghề mới là làm chổi giang. Ban đầu chỉ vài, ba hộ tự phát, sau đó thấy loại chổi này bán chạy nên nhiều gia đình trong thôn có nhu cầu học nghề. Địa phương đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện mở lớp tập huấn về nghề cho bà con trong thôn. Được cung cấp kiến thức, kỹ thuật, nên nghề làm chổi giang ngày một phát triển, trở thành nghề phụ mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Trước đây kinh tế gia đình bà Nguyễn Thị Khởi ở thôn Trường chỉ dựa vào 5 sào lúa. 2 năm nay, nghề làm chổi giang được du nhập về làng, gia đình bà có nghề phụ để làm trong những ngày nông nhàn, nhờ đó đời sống gia đình ngày càng khá giả. Bà Khởi cho biết: “Được tham gia lớp tập huấn nghề làm chổi giang của xã nên chúng tôi biết và thạo nghề. Gia đình tôi có 2 lao động, trung bình làm được khoảng 20 cái chổi/ngày. Chổi giang giờ đang dễ bán, mỗi chiếc khoảng 10 nghìn đồng. Tính chung nghề phụ này cũng mang lại khoản thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy đời sống của gia đình từ chỗ khó khăn, giờ đã ổn định hơn đảm bảo việc học cho các con”.

Nghề làm chổi giang trở thành hướng giảm nghèo của bà con thôn Trường khoảng 3 năm trở lại đây. Đến nay đã có 150 hộ/ 230 hộ dân trong thôn làm nghề. Từ khi có nghề làm chổi giang, đời sống bà con trong thôn ngày một được nâng cao; số hộ nghèo giảm hàng năm (đến nay cả thôn chỉ còn 10 hộ nghèo). Để khuyến khích, xã Thanh Lĩnh đã tạo điều kiện cho gia đình anh Đậu Mạnh Hùng - một hộ dân vừa làm nghề vừa thu, mua sản phẩm thành lập Hợp tác xã kết chổi giang tre Thanh Lĩnh. Sắp tới, địa phương sẽ bố trí quỹ đất để HTX lập xưởng, đi vào hoạt động, tạo điều kiện cho các hộ làm nghề có đầu ra ổn định.

Nói về kinh nghiệm giảm nghèo bền vững ở Thanh Lĩnh, ông Nguyễn Hoài Anh – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xác định thế mạnh của địa phương ngoài sản xuất nông nghiệp, nhiều làng nghề và làng có nghề như: làng nghề chổi đót ở thôn Sơn, chổi giang tre ở thôn Trường. Bởi vậy hàng năm, xã chú trọng mở các lớp đào tạo nghề cho bà con để nâng cao kiến thức, phát triển nghề truyền thống. Đồng thời, mở các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp như: trồng hoa, chăn nuôi… trang bị kiến thức; tạo điều kiện cho người dân vay vốn hộ nghèo để mở hướng thoát nghèo cho nông dân địa phương”. Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 68 hộ/1.549 hộ dân toàn xã (tỷ lệ 4,38%).

Còn ở xã Thanh Liên, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao (trên 13%) thế nhưng nhờ nắm bắt nhu cầu của người dân, đồng thời dựa vào điều kiện địa phương, trong những năm qua Thanh Liên cũng đã nỗ lực tìm hướng thoát nghèo cho người dân. Bà Nguyễn Thị Xuân Thuỷ - Cán bộ chính sách xã Thanh Liên cho biết: “Xã thường xuyên phối hợp với các trung tâm khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con, chủ yếu là các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Các lớp tập huấn này thu hút nhiều nông dân tham gia và ứng dụng có hiệu quả để phát triển sản xuất, chăn nuôi”. Ngoài được hỗ trợ kỹ thuật, nhiều hộ dân còn được tư vấn vay vốn để phát triển kinh tế.

Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Danh, trước đây là một trong những hộ nghèo ở xóm Liên Tân, nhờ được vay vốn hộ nghèo để phát triển kinh tế, đời sống gia đình ông đã được cải thiện; không chỉ thoát nghèo, gia đình ông hiện là hộ khá giả trong xóm. “Cách đây 3 năm gia đình tôi đã được vay vốn hộ nghèo và được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi của xã. Với nguồn vốn đó, tôi đã đầu tư máy làm đậu phụ, vừa chăn nuôi lợn và nuôi gà thịt. Trước đây kinh tế chỉ dựa vào 7 sào ruộng nên rất chật vật. Nhưng từ khi mở rộng sản xuất, chăn nuôi, cuộc sống gia đình ổn định hơn, có đủ điều kiện để nuôi 4 người con đang tuổi ăn học. Ngoài ra, gia đình còn có thêm nguồn kinh phí cho con đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc”. Không chỉ gia đình ông Danh, nhờ chính sách vay vốn hộ nghèo để phát triển sản xuất, chăn nuôi mà số hộ nghèo ở Thanh Liên đã giảm xuống hằng năm (trung bình mỗi năm giảm 20 hộ).

Đào tạo nghề tại chỗ cho nông dân dựa trên đặc thù của từng địa phương là hướng đi của huyện Thanh Chương trong những năm qua. Tính từ năm 2011 đến nay, huyện đã liên kết đào tạo cho hơn 11.000 người dân với các ngành nghề đào tạo chủ yếu như: chăn nuôi gia súc, trồng trọt, làm hương, chổi tre… mang lại hiệu quả, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn vốn xoá đói, giảm nghèo, mỗi năm cho khoảng 3 nghìn hộ nghèo vay để phát triển kinh tế. Huyện còn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách của Nhà nước đối với người đi xuất khẩu lao động, ưu tiên giải quyết cho vay vốn xuất khẩu lao động. Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng lao động và giải quyết việc làm cho lao động. Nhờ vậy số lao động địa phương được tạo việc làm tăng lên hàng năm (năm 2013 gần 3 nghìn lao động).

Nhiều xã nhờ thực hiện tốt công tác đào tạo nghề tại chỗ gắn với giải quyết việc làm đã góp phần giảm nghèo bền vững trong những năm qua như: Thanh Lĩnh, Thanh Khai, Thanh Phong, Thanh Giang, Đồng Văn… Trao đổi về định hướng giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, ông Đặng Văn Lập – Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thanh Chương khẳng định: Thời gian tới ngành sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu học nghề, xác định rõ các nghề cần được đào tạo, nhu cầu nhân lực của các vùng để từ đó lồng ghép các chương trình, dự án để tổ chức đào tạo; việc hướng nghiệp và đào tạo nghề gắn với quy hoạch phát triển xây dựng nông thôn mới; gắn với tư vấn và tổ chức việc làm tại chỗ và xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, ngành sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện nghiêm túc việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo để giải quyết kịp thời và quản lý tốt các nguồn vốn vay; nắm chắc nguyên nhân đói nghèo của từng địa phương, từng vùng, từ đó đưa ra từng giải pháp tập trung huy động các nguồn lực để đảm bảo xoá đói, giảm nghèo hiệu quả, bền vững”.

Hiệu quả của công tác đào tạo nghề tại chỗ và giải quyết việc làm cho người dân dựa vào đặc thù của từng vùng ở Thanh Chương đã được ghi nhận, bởi tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm dần hàng năm. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 18% đến năm 2013 con số này đã được giảm xuống hơn 3%. Với những giải pháp đồng bộ và hiệu quả, dự ước đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo ở Thanh Chương chỉ còn khoảng 9,5 – 10%, hy vọng với hướng đi này, đời sống người dân sẽ từng bước cải thiện một cách bền vững.

Đinh Nguyệt