Tuổi già
(Baonghean) - Những hôm đầu ở nhà, cứ vào ra thơ thẩn như người mất hồn. Phóng xe ra trường anh em lên lớp cả, vào phòng lãnh đạo anh em đang làm việc, vào uống miếng nước mà đắng cổ họng.
- Thế nào? Về nghỉ khỏe ra chứ cụ?
- Cũng buồn lắm anh ạ! Cái khổ nhất của đời người là không có việc làm! Có hôm phải ra xem thời khóa biểu xem ai không có giờ. Đây rồi! Thấy Thanh! Vội đánh xe xuống nhà, đến nơi đã thấy nó quần áo chỉnh tề, xe để sẵn ở sân.
- Chào bác, mời bác vào chơi.
- Hôm nay cậu trống giờ cơ mà?
- Chẳng giấu gì bác, hôm nay em nhận dạy thêm ở lò nhà cô Thảo.
- Thôi thế thì đi đi kẻo các em chờ! Quay xe về, lột quần áo nằm dài trên giường xem ti vi, xem mãi cũng chán! Mình già thật rồi sao? Lúc đi làm, quay đi quay lại đẫ hết năm, bây giờ sao ngày tháng nó dài thế! Đấy mới ngày nào khoác ba lô từ trường đại học vào chiến trường, thế mà đã năm mươi năm. Thằng Tấn nó nhắm mắt trên tay mình ở Động Toàn, nó còn cố lấy địa chỉ nhà nó ở Thái Bình nhét vào túi áo mình. Mắt nó nhìn tha thiết rồi đờ ra! Thương quá! Khi ra tìm đến nhà thì bà cụ cũng đã mất, bây giờ rỗi việc nằm dài, cứ nghĩ lung tung mọi việc cứ như mới hôm qua! Mấy bộ com lê bà ấy phơi kỹ cất kín.
- Bà cất kỹ đấy cho tôi, khi nào tôi chết bà bỏ theo để xuống đấy, thế nào cũng có trường mời tôi dạy!
- Phủi phui cái mồm ông đi! Nói vui mà thành thật. Âm phủ chưa kịp mời thì trên trần đã có người mời. Chủ một doanh nghiệp vàng lớn nhất vùng, cô ta xin mở một trường tư thục và đã mời thầy ra lo việc trường. Trời ơi! Mừng quá! Ngoài lương hưu còn được bốn triệu, nhưng mừng hơn là được đi làm, người như khỏe ra, nhanh nhẹn hơn, phong độ hơn. Sáng dậy ra trường, 11 giờ học sinh về hết, nhắc bảo vệ đóng cửa phòng mới về, ăn trưa ngả lưng một chút, 1 giờ lại ra trực chiều. Thầy trẻ, trò mới, mình cũng trẻ ra, làm không biết mệt, công việc thì nhiều, nhưng rồi cũng quen. Tháng 8 tuyển sinh, tháng 9 khai giảng, rồi lo mấy cái đại hội đầu năm, tháng 10, 11 lo nâng cao chất lượng, kiểm tra thầy, kiểm tra trò, thao giảng, xếp loại, tháng 12 thi thử vòng một cho khối 12, kiểm tra học kỳ cho khối 10, 11… học kỳ hai cũng vậy, Cứ thế mà làm, anh em tin mình họ chung sức cùng làm, trường mỗi ngày một đông từ 8 lớp, rồi 12, 16, 18… đến 27 lớp. Mọi việc cứ nề nếp dần, tuy vậy cũng mệt! Già rồi! Mà có một mình, không có hiệu phó, gọi là sếp cho oai, chứ thực ra mình chỉ là người làm thuê, chỉ lo quản lý chuyên môn, tài chính do bên nhà đầu tư lo, nên anh em đoàn kết, không nạnh kẹ giữa anh em với lãnh đạo, với anh em mình thực lòng thương yêu, dìu dắt, đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho họ, như ngày xưa, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng cũng chung sắn, chung khoai, chung nhau cả cái chết, nên việc gì cũng xong, bây giờ cũng vậy thôi, sống với nhau cốt tấm lòng! Sao thấy các trường công lập các thầy lãnh đạo cứ lục đục không yên! Chỉ vì cái danh cái lợi, mình già rồi! Được mất đều đã trải, cũng hiểu được cái lẽ đời! Chả còn bao nhiêu nữa cũng sẽ về với tổ tiên, khi đã nhắm mắt xuôi tay thì tất cả đều vô nghĩa, chỉ là vái hư danh cả mà thôi!
Nói là nói vậy, nhiều lúc cũng đã thấy mệt. Họp huyện, họp tỉnh ngồi nghe lâu đã thấy ngại. Hôm Đoàn thanh niên tổ chức cắm trại, đêm cũng phải thức theo với bọn trẻ, đêm chi đoàn giáo viên mời đi ăn đêm, ừ thì đi! Xong, chúng nó rủ đi hát. Ừ thì đi cho biết! Chúng nó kéo nhau vào phòng tập thể, đẩy mình vào một phòng nhỏ, đang ngơ ngác thì một bé gái mắt xanh mỏ đỏ, chạy đến bóc bia, châm thuốc, nũng nịu:
- Uống đi anh! Rồi cũng áp đùi, áp má. Ngoắc kính vào, nhìn rõ mặt con bé. Trời ơi! Non choẹt! Còn thua xa tuổi con út nhà mình.
Mình già thật rồi! Có lẽ không hợp với cuộc sống hiện đại này nữa!
Rồi cái gì đến nó đã đến. Một sáng như mọi sáng, chuẩn bị đi làm, thấy người ngây ngất khó chịu, đầu đau như búa bổ, vội vào nằm cho đỡ cơn đau. Nào ngờ ngày càng đau, tay trái chân trái không cử động được nữa! Thế là tai biến mạch máu não, “bán thân bất toại” Ừ thì cái quy luật “sinh-lão-bệnh-tử” ai mà thoát được! Nếu trời bắt chết thì chết luôn cũng được. Chứ thế này thì khổ cả nhà. Cũng may, cái đầu không liệt, thuốc thang 2 tháng cũng nhúc nhắc tập đi.
Làm gì bây giờ? Chẳng lẽ cứ nằm dài bắt vợ con hầu hạ! Mua một chiếc xe đẩy, đặt thêm một tấm ván, thế là thành bàn viết. Nói rằng viết để trả nợ đời thì to tát quá, đó là thứ đại ngôn của các vị đã thành danh, chứ mình tài hèn sức mọn đâu dám nói vậy! Thôi thì có việc mà làm, chứng tỏ mình còn sống trả chút nợ sinh thành của cha mẹ, ơn chăm sóc của vợ con, và những thằng bạn tình máu xương còn nằm lại ở Trường Sơn! Ít nữa, xuống gặp chúng nó ở dưới ấy khỏi xấu hổ. Nhưng làm sao chúng nó nhận ra mình! Lão già lụ khụ hơn 70, chúng nó còn trẻ măng mới 20, 21. Chúng nó có tuổi đâu!
Nghĩ mà buồn cười, mồm méo xệch, nước mắt chảy ròng ròng.
- Kìa! Bố cười cái gì vậy? Còn khóc nữa kìa?
- Bố cười bố đấy mà!
- Từ hôm bố chúng mày bị bệnh, mẹ thấy bố mày hay khóc lắm, xem phim mà khóc suốt!
- Ừ! Người ta bảo những người bị tai biến mạch máu não, hay khóc như trẻ con ấy, mẹ ạ!
Mình bây giờ có hơn gì trẻ con đâu! Đi cũng phải có người dìu, mặc áo phải có người cài cúc. Thôi, thì trở về sống với những ký ức tuổi thơ vậy…
Xuân Chuẩn