Dấu ấn văn nghệ miền Tây

24/07/2014 23:14

(Baonghean) - Miền Tây Nghệ An chiếm hơn 83% diện tích và 36,5% dân số toàn tỉnh. Ngoài dân tộc Kinh, đây là địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số (Thái, Thổ, Mông, Khơ mú và Ơ đu). Mỗi cộng đồng dân tộc cư trú trên địa bàn đều có lịch sử hình thành và phong tục, tập quán mang đậm tính bản sắc. Miền Tây cũng là nơi núi non hùng vĩ và thơ mộng, có nhiều danh lam thắng cảnh, không ít địa danh đã đi vào huyền thoại. Các bản làng nơi đây đang trở mình vươn dậy để đi đến ấm no. Đó chính là mảnh đất màu mỡ cho các văn nghệ sỹ và các nhà nghiên cứu văn hóa tìm tòi, khám phá và cho ra đời những tác phẩm, công trình có giá trị.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những tác giả gắn bó với đất và người miền Tây trong những năm qua như La Minh Thư với “Chuyện động mường” (bút ký), Kha Thị Thường với “Chín bậc cầu thang” (tập truyện ngắn), Đinh Thanh Quang với “Bên dòng Nậm Nơn” (tập truyện dài), Lương Viết Thoại với “Tiếng thét Tồng Lôi” (tiểu thuyết), Vi Văn Thứa với “Gà rừng gáy” và “Đón ông mặt trời” (2 tập thơ thiếu nhi).. Không hẹn mà gặp, các tác phẩm thơ, truyện và tiểu thuyết vừa nêu in đậm dấu ấn bản mường ngay ở tên gọi. Đó chính là một sự định danh, là cách để các tác giả “đánh dấu” và khẳng định sự gắn bó với núi rừng, làng bản cũng như cuộc sống của đồng bào các dân tộc miền núi - vùng cao.

Đi thuyền trên lòng hồ Bản Vẽ
Đi thuyền trên lòng hồ Bản Vẽ

Về lĩnh vực âm nhạc, phải kể đến nhạc sỹ Lương Tuyển , một người con của dân tộc Thái có nhiều tác phẩm đi vào lòng người và để lại nhiều dấu ấn. Nhưng theo quy luật của tạo hóa, không ai được ở mãi chốn trần gian, “nhạc sỹ của núi rừng” Lương Tuyển đã về với cõi Mường Trời được mấy năm, để lại bao tiếc thương cho đồng bào miền Tây. Cũng được gọi là “nhạc sỹ của núi rừng”, Trần Vương- tác giả của những ca khúc “Cây khèn bè”, “Trăng ngàn”, “Gái bản ngày nay”, “Rừng Xuân nhớ Bác”, “Cây đa Cồn Chùa”... cũng được bà con các bản làng mến phục. Đang ở độ tuổi khá sung sức, nhạc sỹ Lê Hoàng hứa hẹn sẽ tiếp bước những bậc đàn anh đi trước trong việc thể hiện giai điệu, âm hưởng của cuộc sống và con người miền Tây. Hiện tại, ông đã có một vài ca khúc để lại dấu ấn như “Suối ngàn nhớ Bác”, “Về chung một nhà”. Bên cạnh đó, ở lĩnh vực múa, nghệ sỹ Cao Minh Thống để lại dấu ấn với việc dàn dựng các tiết mục “Mừng mùa lúa mới”, “Tiếng sáo gọi bạn” và “Hương rừng”.

Cùng với mảng sáng tác và biểu diễn, mảng nghiên cứu và sưu tầm văn hóa dân gian cũng gặt hái được những thành công nhất định. Một số người là trí thức bản địa, con em đồng bào dân tộc Thái đã có những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu, sưu tầm những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Đó là nhà giáo Quán Vi Miên, người có công sưu tầm anh hùng ca “Khủn chưởng”- thiên sử thi của đồng bào dân tộc Thái. Đến nay, ông đã xuất bản 17 đầu sách các loại, trong đó có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian dân tộc Thái. Ở bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa (Tương Dương) có nhà giáo Vi Khăm Mun ngày đêm miệt mài với việc sưu tầm ca dao, tục ngữ, truyện cổ, dân ca, đồng dao của dân tộc Thái.

Ông bỏ công đi khắp các bản làng, gặp gỡ các bậc cao niên để sưu tầm, ghi chép rồi xuất bản bằng song ngữ (chữ quốc ngữ và chữ Thái Lai Pao). Sự kiên trì của ông đã mang lại “quả ngọt” khi 3 lần được nhận giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, và đến nay ông đã xuất bản gần 10 đầu sách dày dặn, chất lượng. Ngoài ra, ông Vi Khăm Mun còn được biết đến như là một chuyên gia về chữ Thái Lai Pao. Bởi ông là người nắm giữ khá rõ về nguồn gốc, nguyên tắc và thường được mời truyền dạy hệ chữ Thái cổ này. Nếu ở vùng Tây Nam có Vi Khăm Mun thì vùng Tây Bắc có Sầm Văn Bình (Quỳ Hợp).

Trước tiên, ông được biết đến với tư cách là chuyên gia về chữ Thái Lai Tay. Với lợi thế ấy, Sầm Văn Bình đi vào nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian của dân tộc mình. Hiện tại, ông đã in 4 công trình và hàng chục bài báo về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, ông Vi Văn Sơn (Con Cuông) đã gây dựng được “bảo tàng” với hàng nghìn hiện vật có giá trị của đồng bào dân tộc Thái. Những hiện vật này bao gồm công cụ sản xuất, trang phục, nhạc cụ và các loại vật dụng hàng ngày, là những vật thể mang đậm nét bản sắc văn hóa Thái.

Để thúc đẩy việc sáng tạo văn học nghệ thuật (VHNT), và nghiên cứu văn hóa bản địa, huyện Qùy Hợp và Tương Dương đã thực hiện sáng kiến thành lập CLB VHNT. Mục đích của sáng kiến này là tập hợp những người có năng khiếu sáng tác VHNT và nghiên cứu văn hóa để họ có điều kiện sinh hoạt, học tập và trao đổi kinh nghiệm. Từ đó, động viên và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc khó khăn, đòi hỏi phải có năng khiếu, sự kiên trì và nhiều tâm huyết này. Cùng với việc thành lập CLB VHNT là sự ra đời của tập san “Văn hóa văn nghệ” (Qùy Hợp) và “Mường Xủng” (Tương Dương). Đây là nơi công bố những sáng tác và kết quả nghiên cứu, là “sân chơi” bổ ích đối với các thành viên của CLB VHNT, cũng là nơi để giao lưu, gặp gỡ, học tập, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm.

Một việc có ý nghĩa và không thể không kể đến là sự ra đời của Chi hội VHNT các DTTS Nghệ An vào năm 2008, nhằm tập hợp các văn nghệ sỹ và các nhà nghiên cứu có thành tựu và tâm huyết với văn hóa - nghệ thuật của đồng bào các dân tộc ít người. Đến nay, chi hội đã có 18 hội viên (13 hội viên dân tộc Thái - Thổ, 5 hội viên dân tộc Kinh) hoạt động ở các lĩnh vực sáng tác văn học (thơ, văn xuôi), âm nhạc, múa và nghiên cứu - sưu tầm văn hóa dân gian. Các hội viên của chi hội đã công bố trên 300 tác phẩm và in hơn 30 đầu sách. Đồng thời, giành được hơn 70 giải thưởng tại các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác ở cấp tỉnh, toàn quốc và quốc tế. Điều quan trọng là thông qua hệ thống tác phẩm, con người và cuộc sống bản làng miền Tây hiện lên một cách chân thực và sinh động, một số sáng tác đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả như “Chuyện động mường” của La Minh Thư, “Chín bậc cầu thang” của Kha Thị Thường và các sáng tác của cố nhạc sỹ Lương Tuyển.

Xét một cách khách quan, chúng ta nhận thấy đội ngũ những người sáng tác, nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số của tỉnh ta chủ yếu là dân tộc Thái và một vài người thuộc dân tộc Thổ. Các dân tộc Mông, Khơ mú và Ơ đu chưa có người hoạt động trong lĩnh vực này. Đây là một “khoảng trống” lấp đầy trong thời điểm hiện tại. Và điều này dẫn đến thực tế là các sáng tác, đặc biệt là các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian hầu hết thiên về đối tượng dân tộc Thái, các dân tộc khác gần như đang vắng bóng. Từ đây, cũng đặt ra vấn đề cần thiết phải phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng những người có khả năng sáng tác, nghiên cứu thuộc các dân tộc nêu trên. Bởi không ai hiểu đời sống, phong tục và bản sắc của một cộng đồng dân tộc hơn những người con của cộng đồng dân tộc ấy.

Vì thế, cuộc sống, phong tục tập quán và bản sắc dân tộc Mông, Khơ mú và Ơ đu đang là mảnh đất màu mỡ, có sức vẫy gọi đối với các văn nghệ sỹ và các nhà nghiên cứu văn hóa. Hiện tại, số lượng người trẻ tuổi tâm huyết với các đề tài miền núi và dân tộc thiểu số chưa nhiều, không muốn nói là rất ít. Thêm một vấn đề đặt ra nữa, việc đào tạo, bồi dưỡng những người sáng tác, nghiên trẻ, khuyến khích, động viên họ quan tâm mảng đề đài miền núi và dân tộc thiểu số là việc làm cấp bách và thiết thực trong thời điểm hiện nay. Nếu không, trong tương lai gần sẽ lại xuất hiện “khoảng trống”...

Cuộc sống của đồng bào miền Tây luôn vẫy gọi các văn nghệ sỹ và nhà nghiên cứu đến tìm tòi, trải nghiệm và khám phá. Mảnh đất này đang hứa hẹn những thành công phía trước, đối với những người giàu tâm huyết và dám dấn thân!

Bài, ảnh: Công Kiên