Thủ đoạn trong cách hành xử của Trung Quốc với láng giềng

10/07/2014 21:06

(Baonghean) - Để theo đuổi “giấc mộng Trung Hoa” với âm mưu bành trướng, Trung Quốc đã không từ thủ đoạn nào với các quốc gia láng giềng. Vậy đâu là nguyên nhân của những âm mưu bành trướng của Trung Quốc và chiến lược của nước này đã và đang thay đổi như thế nào?

Trong lịch sử, Trung Quốc được coi là một thế lực ham chiến trận, thể hiện trong các hoạt động quân sự và các chính sách ngoại giao, là một nỗi lo ngại đáng kể của các nước lân cận. Triều đại đầu tiên là nhà Tần đã thống nhất Trung Quốc từ việc đánh tan và hợp nhất 6 quốc gia khác của thời Chiến Quốc cũng như các lãnh thổ sinh sống bởi những dân tộc không nói tiếng Trung, chẳng hạn như các bộ tộc Bách Việt. Từ vùng thung lũng sông Hoàng Hà, cùng với sự mở rộng lãnh thổ Trung Quốc, nền văn minh Trung Hoa đã lan ra khắp các hướng, đặc biệt là về phía Nam. Suốt thời gian dài, lãnh thổ của quốc gia này mở rộng hay thu hẹp là phụ thuộc sức mạnh của triều đại đương thời.

Có lẽ với lịch sử hàng nghìn năm trải qua các cuộc chiến liên miên giành giật lãnh thổ đã hằn sâu vào tiềm thức của con người Trung Quốc, cho nên “mở rộng, mở rộng hơn nữa” đã thành ý thức thường trực của họ và chi phối chính sách ngoại giao của Bắc Kinh đối với các quốc gia láng giềng. Trung Quốc có chung đường biên giới với 14 quốc gia và trong lịch sử hầu hết nước này đều có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng. Chỉ có điều ở mỗi thời đại họ có những chiêu thức và chiến lược khác nhau với ý đồ buộc các nước lân cận phải quy thuận. Hơn một thế kỷ qua, Trung Quốc đã nhiều lần thay đổi chiến thuật và thủ đoạn với các nước xung quanh. Những năm giữa của thế kỷ 20, khi đất nước họ còn nghèo và nội bộ còn bất ổn, họ đã dàn dựng các cuộc chiến tranh quân sự công khai.

Một báo cáo của Lầu Năm Góc đã nêu việc TQ tấn công phủ đầu vào các năm 1962 (chiến tranh Trung Quốc - Ấn Độ), năm 1969 (chiến tranh Trung Quốc - Liên Xô) và 1979 (chiến tranh biên giới Việt - Trung) như là những ví dụ về tấn công được ngụy trang bằng phòng thủ. Những năm sau đó, cùng với việc củng cố quyền lực, Trung Quốc chủ động đề cao mối quan hệ láng giềng tốt với các nước Châu Á nhằm tập trung phát triển kinh tế nhanh chóng. Chiến lược này cho phép Trung Quốc tích lũy sức bật kinh tế và chiến lược đồng thời chờ thời cơ trỗi dậy. Và nay, khi đã trở thành một cường quốc về kinh tế và quân sự, phương pháp tiếp cận láng giềng tốt bắt đầu thay đổi. Thay vì phát động các cuộc chiến phủ đầu như cách đây vài chục năm, bây giờ họ tiến hành những cuộc chiến lén lút không tiếng súng nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, trên biên giới với Ấn Độ và trên các dòng sông quốc tế. Tất nhiên, cùng với đó là các thủ đoạn như chia rẽ, dọa dẫm, lôi kéo, mua chuộc. Bằng quân sự có và kinh tế có.

Có thể thấy, với Philipines, sau cuộc giằng co nhiều tháng, Trung Quốc đã kiểm soát thực tế bãi Scarborough từ năm 2012 bằng cách dàn đội tầu xung quanh bãi đó và từ chối không cho đối phương tiếp cận. Ngư dân Philippines không còn có thể vào khu vực đánh bắt cá truyền thống của mình được nữa. Với các tàu Trung Quốc nằm bao vây, Philippines đã phải đối mặt chỉ với một lựa chọn chiến lược: Hoặc chấp nhận thực tế do Trung Quốc áp đặt hoặc chấp nhận nguy cơ nổ ra chiến tranh. Bắc Kinh đã tìm cách làm phá sản nhiều chủ vườn trồng chuối ở Philippines và tấn công vào ngành công nghiệp du lịch ở Philippines bằng cách hạn chế nhập khẩu chuối và ra khuyến cáo hạn chế du lịch tới Philippines.

Với Nhật Bản, trong cuộc chiến nhằm tranh giành quyền quản lý đối với Quần đảo Senkaku hay còn gọi là Điếu Ngư, Trung Quốc cũng không từ thủ đoạn nào từ cứng rắn cho đến mềm dẻo, từ việc đe dọa bằng các tàu quân sự, thiết lập vùng nhận dạng phòng không cho đến bắt bớ ngư dân… Cuộc chiến lén lút chống lại Nhật Bản cũng xuất hiện dưới dạng chiến tranh kinh tế, với việc Trung Quốc tẩy chay không chính thức hàng hóa của Nhật Bản dẫn đến sự giảm sút xuất khẩu hàng hóa của Nhật Bản tới Trung Quốc và sự suy giảm việc bán sản phẩm của Nhật sản xuất ở Trung Quốc.

Với Ấn Độ, quốc gia có chung đường biên giới dài nhất với Trung Quốc và cũng đang có những tranh chấp lãnh thổ căng thẳng, các chuyên gia cho rằng, các cuộc xâm lấn của Trung Quốc có 3 xu hướng mới: Thứ nhất, tần suất xâm nhập gia tăng; thứ hai, lượng quân Trung Quốc đi vào lãnh thổ Ấn Độ đã nhiều hơn; và thứ ba, thời gian quân Trung Quốc ở lại trong lãnh thổ Ấn Độ cũng kéo dài thêm.

Rõ ràng, với mỗi quốc gia lân cận, chính quyền Bắc Kinh có cách đối phó và những thủ đoạn khác nhau trong tham vọng bành trướng. Không những thế, để hiện thực hóa tư tưởng bá quyền, nhiều chuyên gia nhận định, Trung Quốc đang dịch chuyển theo hướng phù hợp với “ba khái niệm chiến tranh” của họ, đó là chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông, và chiến tranh pháp lý trong các tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng. Việc Trung Quốc phát hành tấm bản đồ khổ dọc với 10 đoạn bao trùm gần như toàn bộ biển Đông và một phần lãnh thổ Ấn Độ cũng không nằm ngoài mục đích tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Một mặt tuyên truyền đến người dân bản địa về chủ quyền của họ, mặt khác thử phản ứng của các nước liên quan, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Nếu không ai phản đối, hoặc sự phản đối yếu ớt, nước này sẽ đơn phương công nhận vùng lãnh thổ trên tấm bản đồ này.

Nhìn tổng thể, những hành động cùng những âm mưu và thủ đoạn khó lường, Trung Quốc đang khiến cho an ninh cả khu vực châu Á trở nên rối ren. Và nếu như thế, rõ ràng sự trỗi dậy của Trung Quốc không hòa bình như nước này vẫn tuyên bố. Và điều mà người ta thấy về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chỉ là một quốc gia “nhiều mưu, lắm mẹo” mà thôi.

Thanh Huyền