Phong trào "Tây hóa" ở V -League: Sắp chấm dứt!
1. Hiện nay, khán giả sẽ không ngạc nhiên nếu trong một trận đấu ở V-League trên sân có trên nửa số cầu thủ là ngoại binh hoặc ngoại binh nhập tịch. Với điều luật hiện tại, các đội bóng như Thanh Hóa có thể ra sân thi đấu với 8 ngoại binh (5 cầu thủ ngoại binh nhập tịch); QNK Quảng Nam, B. Bình Dương, HN T&T, SHB ĐN nếu sử dụng hết quyền “ưu tiên” thì số lượng cầu thủ ngoại cũng lên đến 5-6 cầu thủ/1 trận. Nếu muốn, trận đấu giữa Thanh Hóa và B.Bình Dương HLV hai đội hoàn toàn có thể đưa vào sân được 13-14 cầu thủ ngoại thi đấu. Không quá khi nói rằng, thời điểm hiện tại, các đội bóng ở V-League đang sống bằng hơi thở của ngoại binh, rất hiếm hoi những đội bóng ra sân với đội hình “chấp tây” như kiểu SLNA. Phần lớn các đội bóng V.League đều dành, những vị trí sống còn như trung vệ, tiền vệ trung tâm, trung phong cắm được “khoán trắng” cho... “ngoại”.
Vấn đề đặt ra là tại sao bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam lại đang bị “tây hóa”? Do công tác đào tạo trẻ của Việt Nam đang kém, hay vì đây là giải chuyên nghiệp thì phải có nhiều cầu thủ từ nơi khác đến? Cầu thủ ngoại có giúp nâng chất V.League hay không? Câu trả lời là có! Ở thời điểm nhập ngoại đầu tiên, có những trận đấu người hâm mộ tới sân chỉ để được xem những “Sắc”, những “Sít” (các tuyển thủ Thái Lan Kiatisak, Dusit) trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai. Nhưng qua giai đoạn hứng khởi, tò mò thuở ban đầu, bây giờ cầu thủ ngoại không còn là chất xúc tác kéo khán giả tới sân như xưa nữa. Đã gần 15 năm kể từ ngày những cầu thủ ngoại đầu tiên xuất hiện trên sân bóng Việt Nam trong màu áo của những Công an Hải Phòng, Sông Lam Nghệ An, cái luận điệu “chúng ta cần cầu thủ ngoại để nâng chất V.League và tăng sự va chạm cho các cầu thủ nội, qua đó nâng cấp chất lượng ĐTQG” có lẽ cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc. Ở bối cảnh mà các ngoại binh không giúp V.League được bóng bẩy như có lúc nó đã từng làm được, cũng không giúp cho các ĐTQG được nâng tầm thì nên chăng, đã đến lúc bóng đá Việt Nam học theo bóng đá Malaysia trong khoảng 2, 3 năm về trước: tạm thời đóng cửa chính sách dùng cầu thủ ngoại?
2. Sáng ngày 22/7, Ban bóng đá chuyên nghiệp VFF đã thảo luận và nhất trí thông qua rất nhiều nội dung mới từ mùa giải 2015 đến 2018. Tại buổi họp, Ban Bóng đá chuyên nghiệp đã bàn bạc và thống nhất 3 nội dung chính, gồm đề xuất số lượng đội tham dự Giải hạng Nhất 2015, đề xuất quy hoạch số lượng đội tham dự V-League và hạng Nhất từ 2015 đến 2018, và đề xuất quy hoạch số lượng cầu thủ nước ngoài từ mùa giải 2015 đến 2018. Cụ thể, theo đề nghị của Ban Bóng đá chuyên nghiệp thì tại V-League, số lượng “ngoại binh” được đăng ký là 3, sử dụng 2 trên sân tại mùa giải 2015 (mùa giải 2014 là đăng ký 3, đá 3). Từ mùa giải 2016 đến 2018, số lượng cầu thủ nước ngoài mỗi CLB được đăng ký rút xuống còn 2 và thi đấu trên sân là 2. Ở mùa giải 2015, các đội bóng có quyền sử dụng 2 cầu thủ nhập tịch, nhưng từ năm 2016 đến 2018, số cầu thủ không đào tạo tại Việt Nam giảm xuống chỉ còn 1. Ngoài ra, Ban Bóng đá chuyên nghiệp nhất trí với quan điểm Giải hạng Nhất sẽ không “ngoại binh” kể từ mùa giải 2015 đến 2018 và CLB chỉ được phép sử dụng một cầu thủ nhập tịch. Riêng với các đội đá AFC Cup hay AFC Champions League, VFF cho phép các đội đăng ký 3 cầu thủ nước ngoài và một ngoại binh gốc châu Á. Quy định này nhằm nâng cao sức cạnh tranh, giúp các đội bóng Việt Nam sớm tiếp cận trình độ châu lục. Nhằm tránh sự bất công, khi các đội Hạng Nhất và V-League gặp nhau tại Cúp quốc gia hay trận play-off V-League, các đội V-League sẽ không được dùng ngoại binh. Nếu không có những biến chuyển đột xuất nào, Dự thảo phát triển bóng đá Việt Nam của Ban Bóng đá chuyên nghiệp vừa trình bày tại cuộc họp thường niên VFF sẽ được thông qua trong trung tuần tháng 8/2014, và có hiệu lực từ mùa giải tới. Như vậy, đây là dự thảo luật được chờ đợi sẽ làm thay đổi đáng kể bộ mặt bóng đá Việt. Những cầu thủ nội sẽ được ra sân nhiều hơn, đội tuyển quốc gia sẽ có cơ hội lấy lại sức mạnh.
Đại Nghĩa