Đối phó hiệu quả với bệnh dị ứng
Một số nghiên cứu cho biết: ở Pháp, ước tính có từ 20 - 24% dân số bị bệnh dị ứng; ở Việt Nam, tỷ lệ các bệnh dị ứng khoảng 20 - 25%.
Một số nghiên cứu cho biết: ở Pháp, ước tính có từ 20 - 24% dân số bị bệnh dị ứng; số liệu này ở Mỹ là xấp xỉ 25% dân số; ở Việt Nam, tỷ lệ các bệnh dị ứng khoảng 20 - 25% ở các khu vực thành phố và 20% ở một số vùng nông thôn. Ô nhiễm môi trường, hóa chất tẩy rửa, máy điều hòa, máy sưởi, stress... là những yếu tố trong cuộc sống hiện đại ẩn chứa nguy cơ gây dị ứng.
Cuộc sống hiện đại ẩn chứa nhiều yếu tố gây dị ứng
Nghiên cứu của một số trường đại học ở Hoa Kỳ về dị ứng, hen suyễn và miễn dịch cho biết: chỉ riêng tại nước Mỹ, hàng năm có khoảng hơn 50 triệu người bị dị ứng và hen suyễn; nhiều người thường bị các triệu chứng dị ứng khi thời tiết chuyển mùa, như cuối thu hoặc đầu xuân.
Bác sĩ chuyên khoa dị ứng Richard Weber - thành viên của Ban Dị ứng và miễn dịch Hoa Kỳ cho biết: những người bị dị ứng do bụi và phấn hoa vì khi hít phải các bụi khí này, cơ thể đáp ứng lại bằng cách tiết ra một hóa chất gọi là histamin làm cho niêm mạc mắt, mũi và xoang sưng lên, làm chảy nước mũi và nước mắt.
Phấn hoa, lông thú, bụi rất dễ gây dị ứng.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh dị ứng, trong đó những nguyên nhân mà chúng ta đã được biết đến từ nhiều thế kỷ nay là: phấn hoa, côn trùng, thức ăn như lạc, trứng, sữa, tôm, cua, cá ngừ...; lông súc vật như lông chó, lông mèo...; các loại hóa chất như thuốc nhuộm tóc, dầu gội đầu, thuốc tân dược...
Ngoài những nguyên nhân kể trên, ngày nay, cùng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, nguyên nhân gây dị ứng trở nên rất đa dạng: số lượng vật nuôi trong nhà tăng, gây ra tình trạng trong một không gian chật hẹp, người và gia súc sống cùng nhau, do đó, số lượng những người bị dị ứng đường hô hấp do súc vật gây nên không ngừng gia tăng.
Do ô nhiễm môi trường bởi chất thải rắn, chất thải lỏng, khí thải từ các nhà máy, khu công nghiệp... làm cho cư dân phải sống ở các nơi ô nhiễm có nguy cơ bị dị ứng cao hơn những người được sống trong bầu không khí trong lành.
Chung cư là nơi ở lý tưởng cho người dân tại các thành phố lớn, tuy nhiên, những căn hộ chung cư được thiết kế biệt lập, ít ánh sáng và gió khiến cho chúng dễ ẩn chứa các yếu tố dị ứng như khói, bụi, mùi hóa chất... làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh dị ứng cho cư dân ở đây.
Các chất tẩy rửa khử khuẩn thường dùng để giữ ngôi nhà của bạn luôn sạch sẽ, nhưng mặt trái của chúng là gây cho bạn và mọi người dễ bị dị ứng.
Máy điều hoà, máy sưởi, máy giặt... là những thiết bị không thể thiếu trong gia đình hiện đại, nhưng lại làm cho con người nhạy cảm bị dị ứng. Stress từ áp lực công việc, an ninh, tài chính..., các bệnh viêm nhiễm, nghiện thuốc lá, rượu bia... sẽ làm tăng nhanh số bệnh nhân dị ứng.
Đối phó với dị ứng thế nào?
Tuy dị ứng là căn bệnh phổ biến nhưng không phải là không có cách điều trị và phòng tránh thích hợp, nhất là khi y học đã có những phương thức điều trị hiệu quả.
Nếu bạn cứ liên tục bị sổ mũi, nhức đầu và nghĩ mình có thể bị dị ứng, đừng sống chung với những khó chịu này mà hãy tìm cách giải quyết nó bằng cách đến khám và nhận lời khuyên từ bác sĩ.
Khi bạn đã bị dị ứng thì cần điều trị theo mức độ dị ứng. Nếu chỉ bị các triệu chứng dị ứng nhẹ, bạn có thể sử dụng thuốc chống dị ứng như chlorpheniramin, phenergan... khi triệu chứng của dị ứng có cả ngạt mũi, có thể sử dụng các loại thuốc giảm nghẹt mũi.
Do các loại thuốc này cũng có thể có tác dụng phụ không mong muốn như tăng huyết áp với những người đã có tăng huyết áp nên cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các thuốc này.
Dùng các loại thuốc xịt steroid cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng ở người bị dị ứng và hen suyễn.
Gần đây, ở Mỹ và châu Âu cũng đang phát triển một cách điều trị mới với dị ứng bụi phấn hoa là dùng thuốc đặt dưới lưỡi thay vì tiêm như hiện nay. Nói chung, khi cần dùng thuốc dị ứng, bạn cần theo chỉ định của bác sĩ.
Khi chưa bị dị ứng, chúng ta cần phòng tránh bằng các phương pháp sau đây: theo lời khuyên của BS. James Sublett, điều bạn có thể làm để tránh dị ứng là không hút thuốc trong nhà, các thiết bị cung cấp khí, lọc khí được bảo hành đúng và đầy đủ; sử dụng máy hút khí khi nấu nướng, sử dụng phòng vệ sinh, giảm độ ẩm trong nhà; bạn cần lưu ý đừng làm cho nhà ẩm thêm vì đó có thể là vấn đề gây dị ứng cho gia đình bạn.
Phòng ở, phòng làm việc cần tìm cách thông khí hàng ngày. Mở cửa bật quạt để thông gió là thói quen nên làm cho mỗi ngày. Dùng máy hút ẩm, thông khí qua đường ống nếu phòng ở hay căn hộ của bạn không có cửa thông với bên ngoài.
Đối với những người bị dị ứng với chó mèo hay vật nuôi khác, các bác sĩ khuyên không nên sử dụng thảm và các vật liệu dễ bắt bụi trong nhà và nên tránh để chó mèo ngủ chung trong phòng.
Phòng tránh những tác nhân gây dị ứng ở bên ngoài, những người hay bị dị ứng với bụi và phấn hoa nên tránh ra ngoài vào khoảng thời gian từ 10h sáng đến 16h chiều; nên thay quần áo mới khi đi ra ngoài về và nên hấp khô quần áo trong máy thay vì phơi ở dây ngoài trời.
Theo ThS. Phạm Phú Vinh - Sức khỏe và Đời sống