Chất lượng nước uống đóng chai: Khó kiểm soát!
(Baonghean) - Nước uống đóng chai, bình đang được người dân sử dụng nhiều bởi sự tiện lợi và giá rẻ. Tuy nhiên, chất lượng của sản phẩm này đang là dấu hỏi lớn khi những quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh chưa được các cơ sở sản xuất thực hiện đầy đủ.
Công ty TNHH SX TM & DV Lợi Phát sản xuất ra nước uống đóng chai mang nhãn hiệu Trường Sơn nằm trong một con ngõ đường Bùi Dương Lịch, phường Quán Bàu, TP. Vinh. Đây cũng chính là nơi mà gia đình ông Phan Công Trường, Giám đốc công ty sinh sống. Toàn bộ diện tích hơn 70m2 la liệt vỏ bình nước đủ nhãn hiệu trên sàn nhà. Người thì rửa bình, người dán nhãn, người chiết rót nước..., không một ai được trang bị đồ bảo hộ lao động. Tiếp chúng tôi, ông Trường cho biết, mỗi ngày, công ty bán ra thị trường khoảng 150 bình nước, những ngày hè nắng nóng, lượng tiêu thụ tăng lên 350 bình. Mỗi bình nước bán ra có giá 8.000 đồng.
Theo ông Trường, nguồn nước được sử dụng là nước máy với hệ thống dây chuyền hiện đại, có giá gần 300 triệu đồng. Dẫn chúng tôi đi tham quan hệ thống dây chuyền xử lý nước, ông Trường giới thiệu quy trình sản xuất nước uống đóng chai như sau: Nước máy được bơm vào bể, sau đó bơm chuyền lên để lọc qua 3 cột là than hoạt tính, ion, thạch anh. Sau đó, nước tiếp tục được lọc qua màng RO và cuối cùng là được tiệt trùng bằng tia cực tím trước khi được đóng chai. Ông Trường khẳng định, chất lượng nước được đảm bảo đúng như quảng cáo của công ty. Khi chúng tôi chất vấn vì sao công đoạn đóng nước vào bình không được thực hiện trong phòng chiết rót vô trùng mà người lao động bơm nước vào bình bằng tay? Ông giải thích: “Do trong phòng nóng quá, cộng với ngại bưng bê nên ra ngoài làm cho mát”.
Công đoạn vệ sinh bình nước của cơ sở sản xuất nước Trường Sơn chưa đúng quy định (Ảnh chụp lúc 13h20, ngày 27/8/2014). |
Tại cơ sở sản xuất nước đóng chai Hằng Hiếu (xóm 7, xã Nghi Ân, TP. Vinh), tuy khuôn viên chỉchừng 50m2, được bố trí ngăn nắp và sạch sẽ hơn. Anh Nguyễn Văn Hiếu - chủ cơ sở Hằng Hiếu cho biết: Các công đoạn xử lý nước được thực hiện theo đúng quy trình. Đầu tiên là bơm nước ngầm lên bể để lắng qua sỏi, than, cát. Sau đó, nước được bơm vào dây chuyền để lọc thô qua 3 bình lọc là thạch anh, than hoạt tính và ion để khử các kim loại nặng. Nước được tiếp tục lọc qua màng RO và cuối cùng là khử bằng tia cực tím (UV). “Cơ sở sản xuất nước của mình chủ yếu phục vụ cho người dân trong xã và các xã lân cận, với giá 8.000 đồng/bình. Trung bình mỗi ngày, cơ sở tiêu thụ được hơn 300 bình, cao điểm lên tới 500-700 bình. Để khách hàng tin tưởng và yên tâm sử dụng, cơ sở định kỳ kiểm tra chất lượng nước 6 tháng/lần và chấp hành nghiêm các quy định của cơ quan chức năng”, anh Hiếu cho biết. Tuy nhiên, trên thực tế, người lao động không có trang phục bảo hộ lao động, tất cả các công đoạn vệ sinh bình, chiết rót nước và đóng nhãn mác đều sử dụng bằng tay; hệ thống bình cũ được tái sử dụng được vệ sinh bằng xà phòng mà không được khử vi trùng cũng như bảo quản tránh tác động của các vi khuẩn có hại.
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện hàng loạt cơ sở sản xuất nước tinh khiết hay nước khoáng, tên gọi, nhãn mác na ná với các hãng nước có tên tuổi, uy tín trên thị trường như ViTa, Xpro, ANILIM, KiWi, Vistar, Aquavita, Anova... Điều này khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn, ngộ nhận. Do nắm bắt được tâm lý tiêu dùng nên các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai thường có giá thành rất thấp so với các hãng nước có tên tuổi, uy tín. Khách hàng thường tin vào quảng cáo, giá rẻ... mà không cần tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ cũng như công nghệ sản xuất hay tính năng của sản phẩm. Thậm chí, một bộ phận người tiêu dùng còn không phân biệt nổi sự khác nhau giữa nước khoáng và nước tinh khiết.
Theo quy định, quy trình sản xuất nước đóng bình để đảm bảo chất lượng phải qua các bước: Nước thô được lọc qua than hoạt tính để khử mùi, sau đó trao đổi ion khử các loại khoáng, lọc ngược để khử các vi sinh vật. Và qua hệ thống đóng chai phải là một môi trường vô trùng, có tia cực tím để chống vi sinh vật. Nếu làm đúng các quy trình trên thì nước đóng bình đến tay người tiêu dùng không thể có giá 8.000 đồng/bình 20 lít?
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh vừa ra quyết định phạt 20 triệu đồng và đình chỉ sản xuất đối với cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, bình Plaza (42B, đường Hồ Phi Tích, phường Đông Vĩnh, TP. Vinh, Nghệ An). Qua kiểm tra, đoàn tiến hành lấy mẫu để xét nghiệm và phát hiện trong nguồn nước có chứa 1 hệ sinh vật có tên Cliform gây ra các bệnh về tiêu hóa. Mặt khác, đoàn kiểm tra cũng đã yêu cầu cơ sở phải thu hồi toàn bộ lô sản phẩm sản xuất ngày 20/6/2014 bị nhiễm khuẩn đang lưu hành trên thị trường. |
Hơn 100 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn tỉnh, trừ một số doanh nghiệp lớn, sản xuất mang tính công nghiệp thì đa phần các cơ sở sản xuất nước đóng chai đều tận dụng không gian trong nhà để làm nơi sản xuất. Sàn nhà đầy nước, không được vệ sinh thường xuyên, vỏ bình của đủ các hãng vứt la liệt. Người lao động không hề được trang bị quần áo bảo hộ lao động và hầu hết các công đoạn từ vệ sinh bình, chiết rót... đều được làm bằng tay với vô số vi trùng mà mắt thường không thể thấy được.
Đặc biệt, hầu hết các cơ sở sản xuất này đều sử dụng lại bình cũ, trong khi đó, khâu sục, rửa, bảo quản vỏ bình lại không đúng cách. Nhiều nơi không pha hóa chất khử trùng mà chỉ rửa bằng xà phòng, vòi vặn nước không được vệ sinh đóng bụi cáu bẩn. Trong khi đó, vỏ bình, nắp bình lẽ ra phải được khử khuẩn, sát trùng mạnh nhiều lần. Ông Đào Trọng Dũng - Chi cục trưởng, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, tình trạng kém vệ sinh tại các cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai trên địa bàn là có thật. Cụ thể, trong những đợt đi kiểm tra, Chi cục ATVSTP đã phát hiện nhiều cơ sở vi phạm về các điều kiện sản xuất, kinh doanh. Trong đó lỗi vi phạm nhiều nhất là vấn đề vệ sinh tại xưởng sản xuất, quy trình sản xuất. Tất cả cơ sở vi phạm đều bị lập biên bản xử lý, yêu cầu khắc phục, nhưng cũng không ít nơi tiếp tục vi phạm trong lần hậu kiểm.
Hàng năm, cán bộ thanh tra của Chi cục ATVSTP kết hợp với các cơ quan chức năng khác tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai. Nhưng với số lượng nhiều, rải khắp tỉnh nên đoàn chỉ kiểm tra được rất ít cơ sở sản xuất, còn lại đành... giao nhiệm vụ cho các trung tâm ý tế tuyến huyện! Do vậy, đối với những cơ sở làm chui hoặc lén lút đóng nước tại gia đình, thì cơ quan chức năng rất khó trong vấn đề phát hiện, xử lý. Mặt khác, các lần kiểm tra chỉ tập trung vào thời điểm đầu năm hoặc tháng phát động vệ sinh an toàn thực phẩm, mỗi lần kiểm tra lại báo trước cho cơ sở sản xuất nên cơ sở có thừa thời gian "dọn dẹp" những vấn đề tồn tại. Đáng nói, mặt hàng nước tinh khiết trên thị trường hiện nay sản xuất không hề có lô hàng rõ ràng nên khi có "vấn đề" lại càng khó kiểm soát, xử lý. Không chỉ thế, mặt hàng này hiện cũng chưa có trong danh sách kiểm tra thường xuyên của Chi cục Tiêu chuẩn chất lượng đo lường nên việc ghi nhãn hàng hóa nhằm công bố chất lượng đến người tiêu dùng thế nào tùy thuộc vào... nhà sản xuất. Vì thế, không có cơ sở để đảm bảo chất lượng nước giống như những gì ghi trên nhãn?
Theo các chuyên gia y tế, đối với những loại nước giếng khoan, nếu không được hệ thống xử lý kỹ càng sẽ dễ dàng có sự xuất hiện của vi khuẩn E. Coli gây tiêu chảy, viêm đường ruột... Những kim loại nặng như chì, thủy ngân trong nước nếu không được xử lý thì rất độc hại, khi sử dụng lâu ngày và tích lũy trong cơ thể có khả năng gây bệnh ung thư. Các cặn đồng, sắt trong quá trình sản xuất, do máy móc thiết bị thô sơ, cũ kỹ để lại trong nước là điều khó tránh khỏi tại những cơ sở được trang bị sơ sài. Khi uống trực tiếp những loại nước đóng bình kém chất lượng, người dùng sẽ nhiễm các kim loại nặng, vi sinh vật, thậm chí là có cả những sinh vật mủ xanh (loại vi khuẩn gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người như viêm màng tim, viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng máu… ). |
Nguyên Hưng