Phải bảo đảm trung thực và công bằng

11/09/2014 15:37

(Baonghean) - Sau bao nhiêu hội nghị, hội thảo với nhiều ý kiến tranh luận, bàn thảo xung quanh các phương án đổi mới việc thi cử, cuối cùng Bộ GD-ĐT cũng đã chính thức ban hành Quyết định số 3538 phê duyệt Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015. Theo đó, sẽ không còn kỳ thi tốt nghiệp THPT, không còn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ mà chỉ còn một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ.

Cái lợi thấy rõ, thấy ngay là tiết kiệm được nguồn lực không nhỏ cho xã hội nhờ giảm bớt được một kỳ thi cùng với việc tổ chức thi theo cụm, học sinh và phụ huynh không còn phải tay xách, nách mang dắt díu nhau lên tỉnh, ra thành phố dự thi. Học sinh giảm bớt được áp lực thi cử, xã hội cũng tránh được những tốn kém, phiền nhiễu không đáng có khi mùa thi diễn ra. Việc Bộ GD - ĐT công bố sớm phương án thi ngay từ đầu năm học đã giúp học sinh cởi bỏ được nỗi hoang mang không biết việc thi cử tới đây sẽ như thế nào để tập trung vào việc học hành. Kỳ thi quốc gia chưa diễn ra nên rất khó để đánh giá được những ảnh hưởng, những tác động ngoài mong muốn đến chất lượng giáo dục và thi cử, mà chỉ có thể đưa ra những nhận định có tính chất cảnh báo trước để sớm có biện pháp đề phòng, khắc phục.

Thứ nhất, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ thí sinh phải thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Quy định này sẽ dẫn đến tình trạng học lệch. Vì chắc chắn học sinh sẽ chỉ tập trung học những môn buộc phải thi còn các môn khác thì sẽ bị coi nhẹ. Điều này có vẻ như đi ngược lại với mục tiêu giáo dục con người toàn diện mà đề án đổi mới giáo dục đang đặt ra. Thứ hai, việc tổ chức thi theo cụm và chia ra cụm dành cho thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT mà không dự tuyển vào ĐH, CĐ sẽ do địa phương và Sở GD-ĐT các tỉnh chủ trì và cụm thi vừa để xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển sinh và ĐH, CĐ sẽ do các trường đại học chủ trì. Ở cụm thi do sở và địa phương tổ chức việc coi thi chắc chắn là không nghiêm túc bằng cụm các trường ĐH đứng ra coi thi.

Điều này sẽ dẫn đến sự bất công cho thí sinh và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng kỳ thi. Thứ ba, việc quy định các Sở GD-ĐT kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT liệu có xảy ra tình trạng chấm điểm “nới tay” ở năm cuối cấp để có tỷ lệ tốt nghiệp cao thêm điểm thành tích cho nhà trường. Thứ tư, các năm trước, trong kỳ thi tốt nghiệp ở không ít địa phương diễn ra tình trạng người ngoài vượt tường cướp đề thi rồi ném bài giải vào cho thí sinh. Kỳ thi quốc gia này vừa xét tốt nghiệp lại vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ chắc chắn là tình trạng trên sẽ diễn ra ở mức độ cao hơn.

Nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả thì chất lượng xét tuyển chắc chắn sẽ không được như mong muốn. Thứ năm, với quy định thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD-ĐT sẽ được miễn thi môn này, liệu đây có là một “động lực” mạnh mẽ khiến cho việc mua bán chứng chỉ ngoại ngữ diễn ra sôi động hơn trước và ngành Giáo dục sẽ phải làm thế nào để khắc phục được vấn nạn này. Thứ sáu, Bộ GD-ĐT phải có phương án đề phòng các trường ĐH, CĐ địa phương hay ngoài công lập tuyển sinh bằng mọi giá và vét học sinh thông qua việc liên kết với nhau nới lỏng coi thi…

Những điều vừa nêu ở trên chính là những băn khoăn, những lời cảnh báo sớm nảy sinh chung quanh phương án thi tuyển mới của Bộ GD-ĐT đem ra trao đổi để bộ chủ quản nghiên cứu, xem xét và có sự chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả. Kỳ thi mới này sẽ có sự tham gia của các sở GD-ĐT và chính quyền địa phương, nên điều đáng lưu tâm nhất là ngành Giáo dục phải có phương án phối hợp thực hiện và bố trí giám sát, quản lý chặt chẽ để bảo đảm kỳ thi quốc gia hợp nhất được thực hiện nghiêm túc, trung thực và công bằng, tạo được niềm tin ngay từ lần áp dụng đầu tiên này. Nếu không, việc đổi mới thi cử sẽ không có ý nghĩa.

Duy Hương