Nghị lực thoát nghèo của một thương binh

03/09/2014 18:13

(Baonhgean) - Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới xây, với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, ông Phạm Văn Cầm - xóm 8, xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) không dấu nổi niềm vui. Mới đó, hai đứa con của ông đã sắp tốt nghiệp các Trường Đại học Nông nghiệp I và Đại học GTVT Hà Nội. Đối với ông, việc con cái ăn học tử tế, trưởng thành không chỉ là niềm tự hào lớn mà còn là động lực để ông vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ phát triển kinh tế trang trại, đồi rừng.

Ông Nguyễn Văn Cầm với mô hình trồng ngô tại vườn nhà cho thu nhập cao.
Ông Nguyễn Văn Cầm với mô hình trồng ngô tại vườn nhà cho thu nhập cao.

Năm 1974, khi vừa tròn 18 tuổi, Phạm Văn Cầm tình nguyện vào bộ đội theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ông gia nhập vào đơn vị C25 - Sư đoàn 316, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, Thị xã Buôn Mê Thuột. Sau đó, ông bị thương nặng, việc đi lại khó khăn, nên đơn vị cho ông xuất ngũ trở về quê hương. Hoàn cảnh cha mẹ già yếu, nhà đông con, trong tay không có vốn liếng, ông chọn nghề thợ may, đóng gạch thủ công để sinh sống và tạo lập cuộc sống gia đình. Nhưng rồi làm thợ cũng chỉ đủ sống, ông quyết định tìm đến việc phát triển kinh tế trang trại.

Năm 2005, thực hiện chủ trương của Nhà nước về giao khoán đất rừng phủ xanh đồi núi trọc, ông nhận thầu trên 10 ha đồi núi trọc và chân ruộng lầy thụt tại vùng Kỳ Lợn (Cửa Đồn) thuộc xóm 8, xã Lĩnh Sơn - cách trung tâm xã 7 km. Để phát triển kinh tế đồi rừng, ông còn vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp huyện để mua giống cây, cộng với một ít vốn dành dụm, ông thuê người, vận động cả vợ con, anh em, bạn bè tập trung gần 2 tháng mở đường, đốt rẫy, đào rãnh, ủ đất, bón phân, thuê xe bò lốp chở vật tư, cây giống vào để trồng rừng. Sau quá trình cần mẫn lao động, đầu tư công sức, học hỏi kinh nghiệm, trang trại kinh tế tổng hợp VAC tại vùng đồi Cửa Đồn của ông hình thành. Ông bố trí trồng 1,5 vạn cây tràm, 1 ha rễ hương, 1 ha chè thực phẩm, ông còn trồng sắn cao sản, trồng lúa, nuôi thả cá thương phẩm, chăn nuôi gần 100 con gà, vịt, đàn trâu.

Với cách bố trí mô hình kết hợp VAC tạo ra một chu kỳ thu nhập khép kín, giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu, vừa có nguồn thu hàng tháng. Theo tính toán, sau 5 năm làm trang trại, ông thu hoạch lứa keo đầu tiên, cộng thêm các nguồn thu nhập từ cây, con khác, cho lãi gần 200 triệu đồng/năm, giúp ông trả hết nợ ngân hàng, xây dựng nhà cửa, mua sắm tiện nghi đầy đủ, chu cấp cho con cái ăn học. Ông phấn khởi: “Tôi vừa thu hoạch tiếp lứa tràm, bán được 250 tấn, lãi ròng 120 triệu đồng. Hiện nay, tôi đầu tư 10 triệu đồng làm cống rãnh, đường vào trang trại, tiếp tục chuẩn bị cho việc trồng mới 1 vạn giống tràm vào vụ xuân sắp tới”.

Qua học hỏi kinh nghiệm từ các kênh thông tin báo, đài, ông xác định, muốn phát triển kinh tế trang trại bền vững, có hiệu quả cao thì phải gắn với việc bảo đảm môi trường sinh thái. Với nhận thức này, ông bố trí trồng cây nguyên liệu tràm trên chân đồi cao, sườn đồi trồng rễ hương, chè thực phẩm, sắn, dưới chân đồi thấp; đào đắp ao vừa giữ ẩm cho cây trồng trên đồi, vừa thả cá, phục vụ chăn nuôi trâu, gà, vịt, trồng lúa nước.

Ông Nguyễn Văn Đồng - Chủ tịch Hội CCB xã Lĩnh Sơn cho biết: “Ông Cầm là một CCB tiêu biểu cho phong trào phát triển kinh tế đồi rừng tại địa phương và cũng là gương CCB hiếm hoi làm kinh tế trang trại. Bản thân ông và gia đình luôn hăng hái đi đầu, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các quy định của địa phương. Với tinh thần thương binh “tàn nhưng không phế” ông đã mang chút sức lực còn lại đóng góp cho quê hương bằng mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Ông xứng đáng là tấm gương cần nhân rộng về nghị lực vượt lên chính mình, phát huy tốt phẩm chất anh Bộ đội cụ Hồ trên mặt trận mới hôm nay”.

Bài, ảnh: Lương Mai