Chinh phục đồng hoang

14/07/2014 15:47

(Baonghean) - Làm giàu từ kinh tế trang trại vốn đã khó, phát triển bền vững mô hình kinh tế trang trại thu về tiền tỷ trên vùng đất hoang lại càng khó bội phần. Nói thế để thấy sự nỗ lực của anh Phan Văn Dương ở xóm 4, xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) khi chinh phục thành công đồng hoang...

Mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Phan Văn Dương - xóm 4, xã Hưng Đạo nằm trên cánh đồng Lác, tách biệt với khu dân cư. Những ngày này, anh đang thuê lao động xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất để vào đàn chăn nuôi mới, chuẩn bị cung ứng cho thị trường dịp cuối năm. Anh chia sẻ, để có được mô hình trang trại bài bản với quy mô trên 4 ha này anh đã phải gồng mình, căng sức qua một chặng dường dài. Trước đây, anh cùng với gia đình gắn bó với nghề chăn nuôi lợn, song do quỹ đất chật hẹp nên không phát triển được. Nhận thấy đồng Lác bỏ hoang, không thể trồng lúa và các loại cây trồng khác, anh đã bàn với gia đình làm thủ tục thầu lại của xã để đầu tư phát triển chăn nuôi. Giấc mơ chinh phục đồng hoang, cộng với nềm đam mê cháy bỏng theo nghề chăn nuôi của bố mẹ đã tiếp sức cho anh làm nên sự nghiệp.

Mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Phan Văn Dương ở xóm 4, xã Hưng Đạo.
Mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Phan Văn Dương ở xóm 4, xã Hưng Đạo.

Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, đồng vốn tích trữ những năm trước đó không đáng là bao nên việc cải tạo vùng đồng Lác gặp không ít khó khăn. Anh nhận thấy muốn làm giàu phải có gan, điều mà chưa ai làm được mình làm mới có giá trị, khó khăn rồi sẽ qua đi nếu lòng người dũng cảm. Anh đã tìm cách huy động hàng trăm triệu đồng vốn của bạn bè, anh em, vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh huyện Hưng Nguyên... Rất may anh nhận được sự ủng hộ, tạo mọi điều kiện của địa phương, của bạn bè nên những khó khăn dần được tháo gỡ. Anh thuê lao động về đào đắp, khoanh bờ vùng với hàng trăm ngày công lao động thủ công.

Những năm đầu tiên gây dựng trang trại, anh chăn nuôi gần 100 con lợn, 14 con bò mẹ. Tuy nhiên, dịch bệnh xẩy ra, tâm lý người dân lo ngại sử dụng thực phẩm bị nhiễm bệnh ảnh hưởng đến đầu ra của trang trại. Trong điều kiện đồng vốn vay mượn nhiều, lãi suất cao, thời gian 3 - 5 tháng, thậm chí đến hàng năm mới quay vòng vốn đã đặt ra nhiều khó khăn. Từ năm 2006, anh mạnh dạn thuê người xây dựng chuồng nuôi theo hướng công nghiệp, thuê người đào múc, xây dựng ao nuôi cá kiên cố. Chăn nuôi 1 vạn vịt đẻ/ năm, 2000 gà cỏ thả vườn. Dưới ao thả cá để tận dụng nguồn phế phẩm từ chăn nuôi gà, vịt. Anh còn đầu tư 200 triệu đồng mua lò ấp trứng bán sản phẩm cho thị trường. Đây là hướng đi tốt và phù hợp nhất vì tận dụng được ưu thế về nguồn nước, đất đai, thức ăn, tập quán sản xuất và thị trường.

Nhờ chú trọng đầu tư chăn nuôi đúng hướng, vận dụng thị trường linh hoạt đến nay mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Phan Văn Dương cho thu nhập ổn định. Qua tính toán của anh, đàn vịt đẻ khoảng 900 quả/đêm, giá bán trứng vịt lộn sau khi qua lò ấp ra thị trường đạt khoảng 2,8 - 3 ngàn đồng/quả. Bình quân sau khi trừ chi phí điện, công lao động, thức ăn, lãi 5 triệu đồng/ngày, mỗi năm có thu nhập gần 600 triệu đồng/năm từ chăn nuôi vịt (6 tháng thu hoạch). Giá gà cỏ thả vườn bình quân đạt khoảng 100 ngàn đồng/kg, đàn gà của anh thu hoạch gần 3 tấn gà thịt/năm, sau khi trừ đi chi phí lãi ròng trên 100 triệu đồng/năm. Chăn nuôi cá thương phẩm cũng là lợi thế, thu hoạch liên tục trong năm, bình quân đánh bắt 2 tấn cá thịt/tháng, với giá bán 25 ngàn đồng/kg như hiện nay, anh Dương có nguồn thu nhập không dưới 50 triệu đồng/tháng để trang trải chi tiêu cho trang trại... Từ những kết quả cho thấy trang trại tổng hợp của anh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.. Đây là công sức xứng đáng cho nghị lực vươn lên từ khó khăn, dám nghĩ, dám làm của người nông dân. Mô hình còn tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn với mức lương ổn định.

Để có được hiệu quả cao trong chăn nuôi, theo anh điều quan trọng là làm thế nào giảm được chi phí đầu vào, nâng chất lượng sản phẩm để tăng giá trị đầu ra. Bao nhiêu năm gắn bó với mô hình chăn nuôi trang trại, anh Dương đã tự túc được nguồn con giống chăn nuôi từ sản phẩm trứng, không phụ thuộc vào thị trường. Nguồn cá giống cũng được anh mua cá bột về ương nuôi thành con giống. Nhờ đó, có thể giảm thiểu được nguồn chi phí đầu vào trong chăn nuôi, vừa kiểm soát được yếu tố dịch bệnh từ bên ngoài. Chăn nuôi trang trại tại các huyện đồng bằng lâu nay vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, rủi ro cao, quan điểm của anh Dương muốn chăn nuôi phát triển bền vững nhất thiết phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp vệ sinh phòng dịch.

Hiện nay trang trại anh có một kỹ sư chuyên ngành thú y với mức lương khá cao. Bên cạnh 2 yếu tố trên thì việc chủ động tìm kiếm thị trường cũng góp phần quan trọng vào viêc phát triển chăn nuôi. Anh Dương bộc bạch “Muốn chiếm ưu thế và giữ vững thị trường cho chăn nuôi phải mở rộng mạng lưới tiêu thụ. Miền Bắc rẻ mình vào miền Nam, miền Nam không ăn thua thì đưa sản phẩm qua Lào, Thái Lan tiêu thụ, không bao giờ nản chí”.

Đó là những bí quyết giúp anh Phan Văn Dương thực hiện thành công giấc mơ làm giàu từ trang trại của mình.

Bài, ảnh: Mai Lương