Đề nghị phi lý và nực cười của Bộ Ngoại giao TQ về Trường Sa

05/08/2014 16:57

Vụ phó Vụ biên giới và hải đảo Trung Quốc tuyên bố đầy khiêu khích rằng sẽ không ngừng hoạt động xây dựng tại Trường Sa và sẽ tiến hành xây dựng “tùy theo nhu cầu".

Từ năm 1988, Trung Quốc đã ngang ngược dùng vũ lực chiếm đóng một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Từ năm 1988, Trung Quốc đã ngang ngược dùng vũ lực chiếm đóng một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Trang tin của đài Phượng Hoàng (Hong Kong) dẫn nguồn từ tờ Tân Kinh (Trung Quốc) cho biết, ngày 4/8, Hiệp hội nhà báo Trung Quốc tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Chính sách và mục tiêu của Trung Quốc về vấn đề biển đảo”.

Trong buổi toạ đàm, Vụ phó Vụ biên giới và hải đảo thuộc Bộ ngoại giao Trung Quốc Dị Tiên Lương ngang ngược và trắng trợn cho rằng: “Một số sự kiện “cá biệt” phát sinh trên vùng biển của Trung Quốc đã bị thổi phồng và chính trị hóa”. Ông này ngang nhiên tuyên bố, nguyên nhân của những sự kiện phát sinh trên biển không đến từ phía Trung Quốc, phía Trung Quốc không thích “tạo ra phiền phức” và không phải là “kẻ khiêu chiến, tuy nhiên, Trung Quốc “sẽ phản ứng với những hành động khiêu khích”.

Khi bị phóng viên nước ngoài chất vấn về hoạt động xây dựng (trái phép) tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Dị Tiên Lương “nhận xằng”: “Hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại các đảo ở quần đảo Trường Sa là hợp pháp, chủ yếu nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt cho ngư dân và binh lính trên đảo”.

Dị trắng trợn: “Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền cố hữu của Trung Quốc. Việc Trung Quốc thực hiện hoặc không thực hiện bất cứ hoạt động nào là do Trung Quốc quyết định”.

Dị Tiên Lương cho rằng vấn đề ở Biển Đông chủ yếu nằm ở tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa với Việt Nam và vấn đề này không thể được giải quyết trong thời gian ngắn. Ông này còn đưa ra một "gợi ý" phi lý và hoàn toàn không thể chấp nhận được rằng, biện pháp khả thi nhất đối với tranh chấp Việt – Trung tại quần đảo Trường Sa vào thời điểm này là “cùng nhau khai thác”.

Phản bác ý kiến cho rằng “Trung Quốc muốn vươn lên thành cường quốc trên biển nhằm thay đổi chính sách ngoại giao”, Dị Tiên Lương nhấn mạnh, chủ trương, lập trường và chính sách của Trung Quốc luôn luôn nhất quán: “Chính sách xây dựng cường quốc trên biển hoàn toàn không mang ý nghĩa Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách đối với vùng biển xung quanh cũng như phương châm ngoại giao”.

Theo Soha.vn