Hang Pha Phầng
(Baonghean) - Từ lâu, xã Yên Khê (Con Cuông) được biết đến bởi suối Nước Mọc (Tạ Bó) và hang Mẹ Con (thẩm Nàng Màn) với những câu chuyện đậm chất huyền thoại, cùng vẻ đẹp dễ làm say lòng người. Ở đây, còn có một địa chỉ khác không kém phần hấp dẫn, là hang Pha Phầng - nơi có những dấu hiệu cư trú của người nguyên thủy.
Theo chân anh Nguyễn Hồng Hiền, cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Con Cuông, chúng tôi đến địa bàn bản Tân Hương (Yên Khê), khám phá vẻ đẹp của hang Pha Phầng. Hang nằm trong dãy núi đá vôi bao quanh thung lũng Yên Khê, nơi có vô số những hang động lớn nhỏ. Hang nằm sát với chân núi, việc tiếp cận tương đối dễ dàng. Theo tiếng Thái, “Pha Phầng” có nghĩa là vách đá có nhiều tổ ong. Thật khó để tính toán chiều dài và chiều rộng của hang, vì phía trong có vô số ngách đá. Cũng như hệ thống hang động ở những nơi khác, những biến đổi của địa chất, môi trường trong dòng chảy thời gian đã kiến tạo cho Pha Phầng một vẻ đẹp kỳ thú. Đó là hệ thống thạch nhũ với nhiều kích thước và hình dạng khác nhau, người đến xem có thể tha hồ phát huy trí tưởng tượng phong phú. Chẳng hạn, khối thạch nhũ màu đỏ thẫm ở trần hang gợi ta liên tưởng đến chùm đèn lồng. Bên cạnh đó, một “bức tranh” sặc sỡ với nhiều màu sắc và hoa văn, một khối đá có hình người đang đứng gác, một chú voi trắng đứng dõi mắt về phía trước, một chiếc chuông khi gõ vào phát ra tiếng “boong... boong...”.
Ngoài cửa hang là khối đá bằng phẳng có hình thù một chiếc bàn. Từ đây, phóng tầm mắt ra xa có thể thấy được cảnh vật phía trước. Đó là cánh đồng lúa xanh mượt, là những dãy núi điệp trùng ngút ngàn tầm mắt... Cảnh vật này được phản chiếu qua ánh nắng vàng rực giăng trước cửa hang, càng tôn thêm vẻ đẹp lung linh, huyền ảo. Tôi chợt liên tưởng đến một vị “thủ lĩnh” từng ngồi trên phiến đá này để quan sát chung quanh, xem có kẻ nào đến đây xâm phạm cuộc sống cộng đồng. Điều đặc biệt của hang Pha Phầng là có vô số những vỏ ốc đã hóa thạch cùng những khối đá rời được ghè đẽo nằm rải rác khắp nơi. Có những khối trông như chiếc lưỡi rìu, lưỡi cuốc, lưỡi dao; có những khối có hình dáng như chiếc chày, chiếc búa. Theo anh Hiền, sự hiện diện của vỏ ốc và những khối đá có hình dáng vừa nêu là bằng chứng khẳng định hang Pha Phầng là nơi cư trú của người nguyên thủy, là một địa điểm có giá trị về mặt khảo cổ học. Điều này chứng tỏ người nguyên thủy cư trú trong hang đã ra các khe suối xung quanh để tìm kiếm nguồn thức ăn hàng ngày. Còn những khối đá rời ấy chính là các công cụ để người nguyên thủy ghè đẽo, bóc tách và nghiền thức ăn hàng ngày.
Khối thạch nhũ hình con voi trong hang Pha Phầng. |
Với sự phát hiện giá trị của hang Pha Phầng, xã Yên Khê có thêm một “điểm đến” hấp dẫn đối với du khách gần xa. Đến đây, để được chứng kiến một “kiệt tác” của thiên nhiên, tạo hóa còn chứa đựng những điều bí ẩn; để được trải nghiệm những cảm giác thú vị. Nằm ở vị trí “cửa ngõ” của Vườn Quốc gia Pù Mát, Pha Phầng sẽ là điểm thu hút du khách nếu được “kết nối” với hệ thống di tích- lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn.
Tường Anh