Hướng mở nào cho du lịch làng quê?

07/08/2014 17:04

(Baonghean) - Những năm gần đây, du lịch làng quê đang trở thành sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách. Sự ra đời của sản phẩm này bắt đầu xuất phát từ xu thế tìm lại cảm giác an nhiên của người nông dân giữa đời sống xô bồ, bận rộn; đối với du khách nước ngoài thì đó là những trải nghiệm rất Việt Nam. Du lịch làng quê đang là hướng phát triển du lịch bền vững của nhiều địa phương. Nhưng tại Nghệ An, hướng đi này vẫn chưa được quan tâm...

Đã đôi lần anh bạn Việt kiều ở Pháp có tên Sơn Hải có ý muốn trở về quê, nhưng cuộc sinh kế kéo tôi đi mà chưa thể có dịp chiều lòng bạn: Đưa Hải đi tìm hiểu quê hương bản quán, nơi chôn rau cắt rốn người cha đã mất của bạn. Gần đây, bạn về, vừa dịp rảnh rang ít ngày, tôi đưa bạn ngược dòng Lam…

Làng mạc ven sông Lam. Ảnh: Cao Đông
Làng ven sông Lam. Ảnh: Cao Đông

Theo tuyến đường du lịch ven sông Lam, chúng tôi về Hưng Châu, một xã Đông Nam của huyện Hưng Nguyên, nơi chất chứa những giá trị làng quê Việt. Kể bạn nghe về mảnh đất Hưng Châu cuối cùng của Đại Việt xưa, về một thương phố nhộn nhịp được các thương gia Nhật mở vào thế kỷ XVI – XVII để buôn bán với Đàng Ngoài; về một làng Phúc Mỹ từng là trụ sở cơ quan Xứ ủy Trung kỳ trước Cách mạng tháng Tám.

Thăm chùa Phúc Thành bên bờ đê Tả Lam, Hải trầm trồ trước kiến thức uyên thâm của Đại Đức Thích Định Tuệ. Được uống thiền trà, được Đại Đức giảng về đạo và đời, có lẽ không chỉ Hải và tôi mà bất cứ ai đã từng đến đây cũng cảm thấy thảnh thơi, tâm tĩnh. Chùa Phúc Thành còn có tên gọi là Sơn Tịnh, được xây dựng từ đời Trần. Hải không đi tìm chữ Thiền mà đi tìm một cảm giác phương Đông, cảm giác quê hương máu thịt khác hẳn đất khách, trời Tây nuôi Hải lớn. Hải thắc mắc “chợ bên chùa thì phải gọi là chợ chùa sao lại gọi là chợ Mý” – Không thể lý giải, đành trả lời bạn “Chắc vì chợ còn mang đặc trưng độc đáo của chợ ven sông”. Chợ Mý lâu đời đã xây dựng lại nhưng nét quê cũ vẫn còn nguyên: Từ bùn lầy, mớ hàng rau, củ bày bệt bên đường, con gà trống thiến, miếng thịt lợn đỏ au…

Hàng hóa chợ Mý phong phú, với nhiều sản vật quê cũng như hàng hóa từ các nơi khác đổ về. Các sản vật nổi tiếng của địa phương được bày bán tại đây có thể kể đến kẹo lạc, bún, bánh đa và rượu được sản xuất trong làng. Rời buổi chợ sáng, theo chỉ dẫn của mấy chị hàng xén, Hải và tôi lang thang vào làng Đông Nhật, Phú Mỹ - hai làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận cấp bằng.

Có lẽ sống và lớn lên ở mảnh đất “cu đơ” nên ăn nhiều thành quen, nhưng riêng Hải cứ lấy làm tấm tắc ngợi khen “Kẹo lạc Đông Nhật” thơm, ngon, giòn; còn tôi thì chỉ thích chất ngọt nồng say ngây ngất của “Rượu Phú Mỹ”. Nhấp chén nồng say, tôi vẫn cứ tiếc, Hải về đợt này chưa phải vào mùa Rươi. Rươi chỉ xuất hiện dăm lần trong năm khi vào mùa heo heo gió, mà chỉ từ tháng 9 trở đi mới có nhiều. Rươi được làm nhiều món, như: chả rươi, rươi đúc với trứng, rươi xào măng… Món ăn này cực kỳ ngon bổ và từ chỗ món ăn dân dã nay đã thành “sơn hào hải vị”.

Rời Hưng Châu, chúng tôi tiếp tục hành trình đến núi Lam Thành thăm đền Nguyễn Biểu, thăm xã Hưng Lam, Hưng Thông rồi ngược lên Kim Liên, Hồng Long, về Đan Nhiệm, bến Sa Nam; Vượt qua cầu Nam Đàn về vùng đất học, khoa bảng 5 Nam - Xưa đây là tổng Nam Hoa được học giả Phan Huy Chú nhận định trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Núi cao sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả ở Nam Châu. Người thì thuận hòa mà chăm học, sản vật thì nhiều thứ quý, của lạ, những vị thần ở núi, ở biển phần nhiều có tiếng linh thiêng. Được khí tốt của sông núi nên sinh ra nhiều bậc danh hiền...”. Bên bãi ngô xã Khánh Sơn, Hải dường như không chú tâm khi tôi kể tên nhưng danh nhân, những nhà quân sự, khoa học nhưng bỗng chợt im lặng, ra chiều xúc động lắng nghe một điệu ví phường vải, ví dặm đò đưa của một chị địu con làm đồng về. Lời ví rằng: “Con ơi mẹ dặn câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm/ Công danh là nợ nước non phải đền”.

Khánh Sơn với con đò Vạn Rú, với những bụi tre, bờ ruộng, với những nếp nhà 3 gian còn nguyên nét xưa. Tôi đã đưa Hải đến xóm 4 nơi có Đình Hoành Sơn - Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia Việt Nam. Ông Nguyễn Thiện Tư, người trông coi Đình Hoành Sơn cho biết: “Đình dựng vào tháng 2/1763, làm bằng gỗ, thờ Uy minh vương Lý Nhật Quang, “Tứ vị Thánh nương” và Phật Thích ca Mâu Ni; được giới chuyên môn liệt vào bậc nhất trong hệ thống chùa chiền, ở miền Trung về nghệ thuật trang trí điêu khắc. Đình hội tụ tài hoa, tâm huyết và ước nguyện của cư dân Nam Đàn cổ xưa, gửi gắm một tấm lòng trung quân ái quốc. Đình Hoành Sơn là một minh chứng cụ thể cho kỹ năng tay nghề làm mộc của người thợ Khánh Sơn”. Thăm ngôi đình bề thế có 5 gian, 2 chái và 1 hậu cung này, Hải không khỏi xót xa trước cảnh một di sản đang xuống cấp mà thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa.

Bữa ăn trưa của chúng tôi ở một quán nhỏ ven đê xã Khánh Sơn có cà, rau muống luộc và đặc biệt là có nhộng tằm và bát canh hến. Dòng sông Lam chảy qua đây đã cho người dân nghề cào hến. Những đêm trăng sáng, những ngày gà chưa gáy sáng, cổ quàng dây nhủi, người xúc hến đã kéo về khúc sông này nườm nượp, đến tận non trưa mới trở về. Hến nơi đây vừa ngon, vừa béo, là món ăn dân dã mà là món đặc sản làm say lòng biết bao thực khách. Sông Lam chở nặng phù sa khiến bãi bồi ven sông dâu xanh tốt. Khánh Sơn nhiều năm trước đã từng được mệnh danh là thủ phủ dâu tằm tơ. Nghề này tồn tại hàng trăm năm nay và đã có những lúc việc trồng dâu, nuôi tằm ở đây xuống dốc nhưng người dân vẫn quyết gìn giữ nghề "ăn cơm đứng".

Tôi thì chẳng mấy tin chuyện mạch “nước thiêng” tại giếng Cổng Kẹp từ trong rừng núi Sắc rịn ra quanh năm không bao giờ cạn này có tác dụng trị được bách bệnh, uống vào trắng da nhưng kỳ lạ trí thức Tây học như Hải lại tin. Vốc uống một ngụm nước trong lành, mát, có vị ngọt từ vòi chảy, Hải nói chuyện tôi nghe: “Nghệ An quê mình, Hải đi chưa nhiều nhưng nhận thấy nơi đây rất giàu tiềm năng phát triển du lịch làng quê. Quê mình nếu phát triển được loại hình này thì đời sống mới khá lên được, từ dịch vụ đem lại mới có kinh phí duy tu, sửa chữa di tích. Du khách đến từ châu Âu, châu Mỹ , họ chuộng loại hình này lắm”… Hải bay rồi, tôi lại miệt mài với những chuyến đi. Những chuyến đi ấy vô tình đưa tôi đến nhiều địa phương trong cả nước. Ở những địa phương ấy tôi đã thấy nhiều điểm sáng về “du lịch làng quê”. Đó là “Du lịch làng quê Yên Đức” ở xã Yên Đức, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; “Khu du lịch làng quê Việt Nam” ở phường Cẩm Nam, Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam; “Khu dã ngoại Làng Cát - Hòn Thơm” ở thôn Xuân Ngọc, xã Vĩnh Ngọc, Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; “Tour du lịch đồng quê” ở tỉnh Thừa Thiên Huế; “Du lịch làng quê Đảo Long Sơn” tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu”… Tất cả các điểm du lịch đồng quê này đã đạt được những thành công nhất định và được du khách đánh giá cao.

Ngẫm lại lời Hải, so với các địa phương đã phát triển sản phẩm du lịch này, quả thật tiềm năng du lịch đồng quê của Nghệ An không hề kém cạnh. Đâu đâu trên mạnh đất xứ Nghệ, du khách đều có thể bắt gặp những hình ảnh làng quê thân thương, gắn liền với các làng nghề truyền thống, các sản vật phong phú và đặc sắc. Thế mà, hiện tại ở tỉnh mình loại hình du lịch này vẫn chưa được khai sinh. Trao đổi với một vài cán bộ lãnh đạo các xã có tiềm năng “du lịch đồng quê” thì: Vẫn biết những ngôi nhà mái tranh, vách đất, bờ ao, ruộng lúa, sàng giã gạo, quay tơ dệt lụa, nổi lửa lò rèn đều có thể ra tiền; Du lịch làng quê sẽ giúp việc bảo tồn văn hóa, không gian sinh hoạt truyền thống của cư dân nông nghiệp với việc giữ gìn và phát triển các sản vật địa phương hoặc các sản phẩm hàng hóa đặc thù về trồng trọt, chăn nuôi; Phát triển du lịch làng quê, người dân sẽ trực tiếp tham gia và thu lợi, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần…Thế nhưng, hiện tại địa phương chưa biết cách làm, bởi chưa được ai hướng dẫn, hoạch định để làm. Để du lịch làng quê được hình thành thì rất cần có sự hỗ trợ, vào cuộc, định hướng chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước, của địa phương về cơ sở hạ tầng, điện nước, đào tạo nguồn nhân lực; cần có sự đồng thuận tích cực tham gia của người dân; sự tham gia của các công ty du lịch...

Thanh Sơn