Phòng ngừa tội phạm lứa tuổi học đường: Nâng cao trách nhiệm cộng đồng
(Baonghean) - Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều loại tội phạm nguy hiểm với những hành vi vô nhân tính. Đáng lo ngại hơn, thủ phạm trong các vụ trọng án lại là những học sinh, sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường. Để ngăn chặn tội phạm và bạo lực học đường có hiệu quả, yếu tố quan trọng là nâng cao trách nhiệm của cộng đồng...
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng mà đối tượng phạm tội đang ở lứa tuổi học đường. Điển hình như: vụ án giết người ở huyên Hưng Nguyên, bị cáo là học sinh lớp 11, vì nghiện xem phim “đen” nên không kiềm chế được dục vọng, dẫn đến hành động mất nhân tính; đó là một vụ án mạng ở huyện Thanh Chương mà cả nạn nhân và kẻ gây án đều là học sinh THCS… Trên đây chỉ là một số vụ việc điển hình liên quan đến tội phạm học đường đã được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý trong thời gian qua. Tuy nhiên, cũng có những vụ việc mà đối tượng phạm tội còn quá ít tuổi, chưa thể xử lý hình sự hay hành chính, mà chỉ có thể giải quyết trong nội bộ nhà trường hay gia đình…
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong 6 tháng đầu năm 2014, có 1.541 học sinh vi phạm pháp luật, trong đó vi phạm an toàn giao thông là 1.267 em, trộm cắp tài sản 14 em, cố ý gây thương tích 7 em, gây rối trật tự công cộng 20 em… Trong số này có 19 trường hợp bị xử lý hình sự, 658 trường hợp bị xử lý hành chính. Về các biện pháp xử lý của các nhà trường, đã có 4 học sinh bị buộc thôi học, 21 học sinh bị đình chỉ học tập, 404 học sinh bị khiến trách, 167 học sinh bị cảnh cáo, 176 học sinh bị hạ hạnh kiểm. Theo quy định của Bộ GD - ĐT, hình thức kỷ luật cao nhất đối với học sinh vi phạm pháp luật là đình chỉ học tập 1 năm. Tuy vậy, theo ý kiến của đa số thầy, cô giáo, đuổi học các em chỉ là biện pháp cuối cùng, không phải học sinh nào cũng biết ăn năn hối cải, nếu không đến trường, nếu thiếu sự giám sát dạy dỗ của bố mẹ thì càng dễ trở nên hư hỏng và dấn sâu vào con đường phạm pháp.
Do đó, để phòng, chống tội pham học đường, biện pháp quan trọng nhất vẫn là giúp các em nhận thức được hành động của mình. Thời gian qua, nhiều trường học đã phối hợp với công an tăng cường tuyên truyền pháp luật cho học sinh, đồng thời thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo an ninh trường học. Thầy Nguyễn Thanh Long – Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương II, cho biết: “Xác định công tác an ninh trường học là rất quan trọng, hàng năm, vào đầu năm học, nhà trường đều phối hợp với công an huyện tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật cho học sinh. Qua đó, giúp các em nhận thức được các hành vi phạm tội, các án phạt tương ứng… Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể của nhà trường như Công đoàn, Đoàn thanh niên cùng giáo viên chủ nhiệm, ban cán sự lớp học thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho các em, tăng cường sự đoàn kết, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của trường lớp, các quy định của pháp luật thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp, giúp các em nhận thức được sự nguy hiểm và tác hại của các tệ nạn xã hội, của games bạo lực, các trang mạng đồi trụy... Từ đó biết cách phòng tránh. Đồng thời, nắm bắt diễn biến tư tưởng, hành vi, cử chỉ, lời nói của học sinh, kịp thời phát hiện các mâu thuẫn xảy ra giữa các em để có biện pháp xử lý thỏa đáng, ngăn chặn ngay các xung đột có thể xảy ra”.
Học sinh khối THPT Thành phố Vinh ký cam kết không vi phạm ATGT và các tệ nạn xã hội. |
Tuy nhiên, theo thầy Long, việc phòng, chống tội phạm học đường không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của riêng các trường học mà đòi hỏi sự vào cuộc của gia đình và xã hội. Bởi trên thực tế, nhiều gia đình, địa phương còn “khoán trắng” nhiệm vụ này cho nhà trường. Tại Trường THPT Lê Viết Thuật (TP. Vinh), để hạn chế một phần và kiểm soát tình trạng bạo lực học đường, nhà trường đã thuê hẳn một đội vệ sĩ luôn có mặt trong khuôn viên của trường để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ ẩu đả giữa các em học sinh. Tuy vậy, theo thầy Trần Duy Thành – Phó hiệu trưởng nhà trường, biện pháp này cũng chưa thực sự phát huy hiệu quả. “Thực tế thì hầu hết các vụ bạo lực học đường đều xảy ra ngoài khuôn viên nhà trường. Mỗi ngày nhiều nhất thì các em học sinh hoạt ở trường không quá 8 tiếng, và thời gian giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm tiếp xúc, quản lý các em ít. Thế nhưng mỗi khi có vụ việc nào xảy ra thì nơi được “kêu” đầu tiên luôn là giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường. Trong khi đó, quyền hạn cao nhất của nhà trường là đình chỉ học một năm. Và khi bàn giao các em cho chính quyền địa phương quản lý thì kết quả quản lý như thế nào nhà trường không được báo cáo”.
Theo Thượng tá Ngô Sỹ Sơn – Phó trưởng Công an Thành phố Vinh, ở lứa tuổi học sinh, do nhận thức còn chưa được đầy đủ, hoàn thiện nên rất dễ nảy sinh mâu thuẫn và cũng dễ bị kích động dẫn đến phạm tội. Bên cạnh đó, nền kinh tế hội nhập đi kèm với những sản phẩm văn hóa không lành mạnh, cùng với quan niệm sống và lối sống thực dụng đã tác động thường xuyên và ảnh hưởng đến tư tưởng của một bộ phận không nhỏ trong lứa tuổi học sinh, sinh viên. Sự bùng nổ của hệ thống thông tin, sự xuất hiện quá nhiều các dịch vụ kinh doanh internet, kèm theo đó là các trò chơi điện tử và phim ảnh bạo lực, các băng đĩa lậu có nội dung không lành mạnh, các đồ chơi độc hại được phát tán và dễ dàng khai thác, mua bán từ trên các trang mạng và thị trường… là những nguyên nhân tác động tiêu cực và dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật của một bộ phận học sinh. Do đó, việc giáo dục các em phải được cả gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm. Đặc biệt, gia đình và nhà trường phải thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết để cùng nhau trao đổi thông tin, quản lý giờ giấc và nắm bắt tư tưởng các em, từ đó mới có thể giáo dục con em chăm chỉ học tập, lao động tốt và chấp hành tốt kỷ luật, pháp luật… Có như vậy mới góp phần cùng với chính quyền địa phương và ngành Công an đấu tranh phòng, chống những hành vi phạm tội của các em học sinh, góp phần bảo vệ trật tự kỷ cương của nhà trường, bảo đảm môi trường giáo dục yên bình, trong sáng và lành mạnh, ngăn ngừa tình trạng tội phạm học đường đang có xu hướng gia tăng.
Minh Quân