Nhập nhằng nguồn gốc, chất lượng hoa quả nhập khẩu

19/09/2014 15:18

Hoa quả không rõ nguồn gốc khiến người tiêu dùng hoang mang, nghi ngại về chất lượng cũng như giá cả.

Thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng hoang mang trước thông tin hoa quả Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam, sau đó được dán mác hoa quả nhập khẩu từ các nước phương Tây để bán.

Tại một số cửa hàng chuyên bán hoa quả nhập khẩu và các siêu thị như Fivimart, Big C…, các loại hoa quả nhập khẩu có nguồn gốc chủ yếu từ Australia, New Zealand, Mỹ, Nam Phi, Chile... Hiện tại, nho không hạt của Mỹ có giá 279.000 đồng/kg; táo Envy New Zealand có giá 249.000 đồng/kg, Kiwi 249.000 đồng/kg... Giá của các mặt hàng hoa quả tại đây cao hơn nên người tiêu dùng thường ít khi mua để sử dụng, chủ yếu là mua để đi biếu, tặng.

Tuy nhiên, tại chợ Long Biên - chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Hà Nội, giá cả những mặt hàng hoa quả nhập khẩu lại rẻ bất ngờ. Ví dụ một thùng táo Envy loại 5kg tại đây chỉ 600.000 đồng/thùng; cam đỏ Australia thùng 14kg chỉ 800.000 đồng/thùng, nho Mỹ 1,5 triệu đồng/thùng 10kg.

Điều đáng nói là các loại hoa quả được dán nhãn nhập khẩu nhưng lại được lấy ra từ những hộp lớn bên ngoài toàn chữ Trung Quốc. Hàng sau khi được đổ về chợ sẽ được phân phối đi khắp thành phố, với thùng, tem và mác nhập khẩu không thể phân biệt được.

Táo Trung Quốc được dán nhãn giả (ảnh trái) và táo nhập khẩu chính hãng (ảnh phải).

Một người bán hoa quả tại chợ Long Biên cho biết, trừ một số loại trái cây đặc trưng như Kiwi của New Zealand, lê “thiên đường” của Australia... thì còn lại phần lớn các loại hoa quả ở đây như nho, táo, mận... hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc.

“Những loại hoa quả ví dụ như nho họ phơi ra kia đấy là hàng Tàu. Những hộp táo toàn chữ Tàu kia là táo đường của Tàu. Cherry Tàu thì phải Tết mới có, cherry Tàu được đựng trong túi bóng...”, người này cho biết.

Chị Trần Thanh Nga, ở quận Hoàn Kiếm, đi mua hoa quả ở chợ Long Biên cũng cho biết, khi đi mua hàng ở chợ đầu mối này thấy đa phần các mặt hàng hoa quả là hàng Trung Quốc. Theo như chị nhìn thấy thì các thùng hoa quả được bày bán toàn có chữ Trung Quốc.

“Để mua được hàng của Việt Nam hay hàng nhập khẩu xịn chắc là cũng có, nhưng sẽ rất khó nhận biết đâu là hàng Trung Quốc, hàng nhập khẩu hay hàng Việt Nam. Ví dụ khi mua quả dưa vàng nếu hỏi đây là hàng Trung Quốc hay Việt Nam, người bán cứ bảo hàng Việt Nam nhưng hộp bên ngoài toàn chữ Trung Quốc”, chị Nga cho biết.

Nếu như vài năm trước, các loại hoa quả nhập khẩu chỉ được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng với giá rất đắt thì giờ đây tại các chợ cóc, hay cả những người bán rong cũng kinh doanh mặt hàng này.

Không những vậy, hoa quả ngoại nhập còn được nhiều người bán hàng trên mạng rao bán là hàng xách tay với giá rẻ hơn thị trường, như cherry chỉ hơn 300.000 đồng/kg, nho đen chỉ 195.000 đồng/kg, cam Australia chỉ 77.000 đồng/kg, trong khi chất lượng và nguồn gốc thật của các mặt hàng hoa quả này không thực sự rõ ràng. Chính việc xuất hiện một cách ồ ạt, bất thường với giá rẻ khiến người tiêu dùng luôn nghi ngại về chất lượng các loại hoa quả nhập khẩu hiện nay.

Anh Trần Việt Hùng, ở quận Hai Bà Trưng cho biết, những hàng bán hoa quả rong ở vỉa hè với giá rẻ thường là hàng Trung Quốc có chất lượng kém, được tẩm thuốc tỉ mỉ nên có thời gian để rất lâu và nhìn vẻ ngoài rất bóng bẩy.

“Có một lần khi mua hàng rong tôi đã hỏi người bán hàng là tại sao những hàng hoa quả này có giá rất cao mà ở đây lại bán giá thấp như thế này thì họ trả lời là đây là hàng họ lấy lại lấy lẻ từ những cửa hàng lớn nhập về thừa chưa bán được, được thanh lý lại cho họ để họ bán được với giá thấp. Họ có rất nhiều lý do để lấy lòng người tiêu dùng”, anh Hùng cho hay.

Chị Vũ Thu Hương, ở quận Đống Đa chia sẻ, cũng có nghe thông tin trên các trang mạng xã hội như facebook… với nhiều loại hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được dán mác của các nước rất uy tín về xuất nhập khẩu hoa quả như Mỹ…

“Thời gian này tôi cũng cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn hoa quả, bởi rất khó phân biệt được đâu là hoa quả nhập khẩu chính hãng và hoa quả Trung Quốc dán mác giả. Rất mong các cơ quan truyền thông có thể thông tin nhiều hơn đến các tầng lớp nhân dân một cách đại chúng hơn để người dân có thể hiểu hơn về cách nhận biết hoa quả”, chị Hương cho biết.

Được coi là một trong những nơi cung cấp hoa quả lớn ở Đông Nam Á, nhiều loại hoa quả Việt Nam đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, việc chúng ta nhập ồ ạt hoa quả ngoại, trong đó có cả những loại Việt Nam vẫn xuất khẩu với sản lượng lớn, như dưa hấu, xoài...đã khiến cho thị trường cung ứng mặt hàng này có sự nhập nhằng.

Người tiêu dung lo ngại vì không thể phân biệt được hoa quả Trung Quốc gắn nhãn mác giả nhập từ phương Tây hay hoa quả nhập khẩu thật. Đây là một thực tế đang cần các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét và đưa ra biện pháp quản lý phù hợp./.

Theo vov