Lời nói dối không cần cải chính

07/08/2014 14:25

(Baonghean) - Khi Đại tá Thụy đang đứng chờ giờ khởi hành tàu S1, như một lữ khách cô đơn và cô độc, thì trong ngôi biệt thự hai mặt tiền đáng giá hàng tỷ, nơi đặt phòng khám của bác sỹ Văn Bình, đang cất lên tiếng đay nghiến, chanh chua của một thiếu phụ: “Ngày mai, anh phải về tận quê ông ấy! Cứ nói trắng ra! Công nhổ một cái răng giá hai trăm nghìn. Sáu cái, cứ thế nhân lên. Làm răng giả đổ đồng mỗi cái một triệu. Khuyến mãi cho ông ấy tiền nhổ răng! Còn chẵn sáu triệu! Thời buổi kinh tế thị trường, mà trong đầu vẫn hằn nếp bao cấp! Cứ thử mang thẻ bảo hiểm y tế đến bệnh viện mà làm răng giả? Còn đến mùa quýt!”. Tuy đồng tình với vợ, bác sỹ Văn Bình cũng thấy cô ấy đã nặng lời. Anh ôn tồn: “Thì anh cũng đã nói cụ thể tiền xi măng trám răng, tiền hàm nhựa, tiền cốt bạch kim... với bác ấy rồi. Em không thấy bác ấy ngây người ra đấy thôi? Mà chưa chắc bác ấy đã có ngay đủ tiền. Lương hưu hàm đại tá giỏi lắm chỉ được dăm triệu. Ngoài ăn uống còn thuốc thang những lúc ốm đau...”. Người vợ vẫn the thé: “Mặc kệ! Đời này phải sòng phẳng! Không ai chịu thiệt cho ai!”.

Minh họa: Nam Phong
Minh họa: Nam Phong

Thế là sáng hôm sau, người chồng phải lên đường. Anh về quê Đại tá Thụy. Và cũng là quê gốc của anh.

Bình đến thẳng nhà Đại tá Thụy. Cổng không đóng nhưng cửa vào nhà thì khóa. Cô cháu gái con người em út sang trông nhà bận đi làm đồng. Còn ông Thụy thì vào Nam, không dặn lại ngày về. Bà hàng xóm bảo thế. Bình cũng chẳng buồn tạt qua hai quê nội ngoại. Vội vã quay về thành phố trong thất vọng, hoài nghi và cả ...hãi hùng!

Người vợ đón chồng bằng những câu chì chiết: “Đã bảo mà! Ăn một quả lừa đậm chưa? Thấy không đủ tiền nên tìm chước chuồn chứ gì? Thảo nào hôm vào đây, lão mang chiếc balô rõ to...”.

***

Tầu S1 chạy khá nhanh. Nhanh hơn nhiều so với những ngày hành quân vào Nam những năm sáu mươi. Thế mà, cũng phải mất non một ngày đêm mới tới Thị xã Tuy Hòa. Ông Thụy không hề chợp mắt. Bởi địa danh nào cũng gắn với kỷ niệm đời ông. Nếu không phải là nơi ông đã từng chiến đấu thì cũng là những di tích lịch sử trong trang sách thời ấu thơ. Người đón ông ở ga Tuy Hòa là con trai một đồng đội hồi chống Pháp, cũng trạc tuổi bác sỹ Bình. Anh tên là Đinh Núi quê ở Krông Pa, nơi diễn ra trận công đồn ác liệt năm nào. Bố anh lúc bấy giờ là tiểu đội trưởng hy sinh tại chỗ lúc nổ bộc phá đánh lô cốt đầu tiên. Còn ông Thái, bố bác sỹ Bình, bị thương nặng trút hơi thở cuối cùng ở buôn Amar trên đường về trạm quân y tiền phương. Cũng may, già làng Amar, người tham gia chôn cất ông Thái ngày ấy vẫn còn sống. Ngoài chín mươi, cụ vẫn nhớ từng gốc cây, mỏm đá. Cụ kể lại hồi có chủ trương tập trung mộ về nghĩa trang liệt sỹ huyện, cụ không thông báo cho bất kỳ một ai. Cụ tin thế nào ông Thụy cũng vào đưa đồng đội về quê. Hàng năm, đến ngày giỗ ông Thái, theo phong tục người Kinh, cụ vẫn bí mật tìm hương hoa đặt trên mộ ông...

Chính lúc người đàn bà trong phòng khám tư nhân đang tuôn ra những câu nói chỉ có từ cửa miệng những kẻ say mê nhảy múa với đồng tiền, cũng là lúc ông Thụy đang kiểm tra từng đốt xương của người cha bác sỹ Bình. Ông đặt nhẹ nhàng hài cốt người chính trị viên đại đội vào tấm vải đỏ, hướng đầu về phía rừng nguyên sinh xanh đen. Ông thắp ba nén nhang rồi thầm thì với người đồng đội đang sống ở cõi khác: “Anh Thái ơi! Ngày mai, chỉ ngày mai thôi, bạn bè sẽ đưa anh về quê cha, đất tổ. Chỉ vài ngày nữa anh đã có thể quây quần với đồng đội và yên nghỉ bên cạnh vợ anh. Hai vợ chồng thằng Bình chắc phải mừng lắm! Các cháu đã trưởng thành, luôn giữ được gia phong của tổ phụ. Lại làm cái nghề rất nhân đạo là trị bệnh cứu người, đúng với ước vọng của anh...”. Biết mình lại dối bạn, mặt ông đỏ bừng.

Ông Thụy đưa bạn về thẳng quê chứ không ghé phòng khám nha khoa. Ông sợ người cõi dương kiêng kị. Ông không gọi điện thoại cho bác sỹ Bình. Ông chọn cách viết thư. Người nhận thích thì đọc. Không thích thì thôi. Bức thư không dài nhưng quá đủ những điều muốn viết. Để cho người đọc có cảm tình ngay, trước hết ông nói rõ ông đã chuẩn bị đầy đủ số tiền chi phí chữa răng. Hôm ghé thăm bác sỹ, ông đã bọc sẵn trong người hơn hai mươi triệu, món tiền ông đã chắt chiu nhiều năm tháng. Ông nghĩ quá đủ để trang trải chi phí hàm răng giả nhưng lại sợ thiếu tiền tàu xe trên đường đi tìm đồng đội. Ông muốn rủ bác sỹ Bình cùng đi, nhưng... kết quả không như mong muốn. Ông viết thêm, dù bận đến đâu bác sỹ Bình cũng nên về dự lễ tưởng niệm bố mình. Nhân thể để nhận mộ, sau này còn biết nơi hương khói.

***

Bác sỹ Bình nhận thư ông Thụy khi phòng khám nha khoa không còn tiếng đàn bà. Vợ Bình đã bỏ đi... Không phải chỉ vì Bình chưa đòi được số tiền sáu triệu từ tay ông Thụy. Đó chỉ là một trong những nguyên cớ của sự ly tan.

Sau lễ tưởng niệm ông Thái, bác sỹ Bình mới có dịp nói chuyện lâu với Đinh Núi. Thì ra, Đinh Núi cũng là đồng nghiệp với anh. Anh ngỡ ngàng khi được biết ngoài tiêu chuẩn gia đình liệt sỹ, hàng tháng Đinh Núi còn nhận thêm một khoản tiền từ ông Thụy và đồng đội trong đơn vị cũ của bố anh. Bình cũng nhận được một số tiền tương tự. Nhờ đó mới qua được sáu năm đại học y. Ông Thụy đã nói dối đó là tiêu chuẩn riêng bổ sung từ một nguồn khác. Thì ra là thế! Anh hỏi Đinh Núi và cũng như hỏi chính mình: “Thật thế ư? Tại sao bác ấy lại giấu tôi? Trong đời này, mấy ai làm ơn mà lại không kể công?”. Đinh Núi không trả lời... Bây giờ, lại đến lượt bác sỹ Bình như kẻ mộng du...

Ông Thụy thấy tim mình ấm lại. Bởi từ nay ông đã có một đứa con. Bác sỹ Bình nhận ông là cha. Nhận thực lòng, không tính toán, đong đo. Kể ra, cũng quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không!

Một năm sau, ông Thụy về cõi vĩnh hằng. Ông ra đi nhẹ nhàng, thanh thản. Tấm ảnh đen trắng chụp chung hai người sỹ quan bên rừng Tây Nguyên đã ố vàng sau gần nửa thế kỷ nay được đặt trên bàn thờ ở gác ba ngôi biệt thự có phòng khám nha khoa. Ông Thụy đã từng lắp răng giả ở đây, như một bệnh nhân xa lạ.

Nơi ấy chóng chầy, cũng sẽ có tiếng đàn bà, nhưng không còn những câu như "Mỗi cái răng một triệu", "Khuyến mãi tiền nhổ răng hai trăm nghìn"...?!

Đan Hòa

Hà Nội