Nghi Thái: Quyết tâm về đích năm 2014

18/08/2014 18:28

(Baonghean) - Sau 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã Nghi Thái (Nghi Lộc) đã có nhiều đổi thay, đến thời điểm này xã đã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nghi Thái đang phấn đấu trong năm 2014 sẽ “cán đích” hoàn thành 19/19 tiêu chí theo đúng lộ trình đề ra.

Về Nghi Thái những ngày này, đường làng ngõ xóm đều được bê tông hóa rợp bóng cây xanh. Làng quê sôi động, tấp nập cảnh buôn bán, kinh doanh. Được biết trước đây Nghi Thái là xã nghèo của Nghi Lộc, đồng làng bạc màu cát trắng, diện tích đất cát nhiễm mặn, có thời dân tình tứ tán làm ăn xa quê. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Nghi Thái đã có nhiều khởi sắc trên các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch mạnh, nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 30%, còn lại 70% là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - thương mại. Những con số ấn tượng trên xuất phát từ việc xã đã xác định được vai trò “then chốt” của phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ với kinh tế địa phương. Do đó, Nghi Thái đã hình thành được các “trục” khai thác tiềm năng này. Như hình thành cụm công nghiệp nhỏ ở Thái Thịnh, 2 trung tâm dịch vụ thương mại ở chợ Lò Vôi xóm Thái Thịnh đi đường 535; trung tâm chợ Mộc, xóm Thái Sơn.

Đặc biệt, cụm công nghiệp nhỏ hoạt động khá hiệu quả, thu hút được 3 doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất. Chúng tôi về cơ sở sản xuất đồ mộc của doanh nghiệp tư nhân Thái Lộc An, khung cảnh làm việc tất bật. Xe ô tô vào ra tấp nập vận chuyển gỗ và các đồ mộc dân dụng. Anh Nguyễn Hữu Tình, quê Nghi Thái cho hay: Làm việc tại xưởng mộc Thái Lộc An, chúng tôi được hưởng mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, đảm bảo được cuộc sống chứ không vất vả như làm ruộng trước đây. Hiện nay, doanh nghiệp đang tạo việc làm cho trên 100 lao động địa phương với mức lương ổn định, bình quân từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ tìm được hướng đi phù hợp, sản xuất và tiêu thụ ổn định nên doanh thu ngày càng lớn, thị trường tiêu thụ rộng khắp cả nước. “Trong năm 2014, chúng tôi đang tiếp tục mở rộng quy mô, xây dựng nhà xưởng và mua sắm trang thiết bị tổng trị giá trên 30 tỷ đồng”, ông Nguyễn Công Thìn - Giám đốc doanh nghiệp Thái Lộc An dẫn chúng tôi tham quan xưởng gỗ cho hay. Bên cạnh đó là chủ hộ kinh doanh Hà Hà có 6 xe vận tải vật liệu xây dựng, tạo việc làm cho trên 30 lao động… Tại các trung tâm dịch vụ thương mại trên có trên 350 hộ kinh doanh đủ loại các mặt hàng cung ứng cho người dân các xã vùng ven biển.

Đường trục chính của xã Nghi Thái đã được nhựa hóa.
Đường trục chính của xã Nghi Thái đã được nhựa hóa.

Mặt khác, cấp ủy chính quyền xã đã củng cố và phát triển các làng nghề truyền thống. Nghi Thái đã tổ chức các lớp tập huấn, mở lớp đào tạo nghề mây tre đan xuất khẩu cho người dân. Mẫu mã sản phẩm như rổ, rá, chao đèn, lọ hoa… được cách điệu. Người làm nghề cũng tìm tòi, áp dụng mỹ thuật ứng dụng vào vật liệu tre, tạo sức hút cho sản phẩm. Bên cạnh đó, xã đã liên kết với các doanh nghiệp như Công ty Đức Phong, Công ty Đình Triệu, doanh nghiệp Hoàn Khánh bao tiêu sản phẩm, cung ứng vật liệu người dân tự nhận làm và hưởng theo sản phẩm, vì vậy đã khai thác hết lao động nhàn rỗi. Với các làm trên, hàng mây tre đan của xã đã được xuất khẩu sang những thị trường khó tính như: Nhật, Đức, Pháp, Mỹ… Ông Hữu Sâm - một người dân địa phương tâm sự: “Nghề đan lát này không cần vốn, chúng tôi nhận nguyên liệu từ đơn vị thu mua, 3 lao động làm mỗi ngày tranh thủ đan lát có thu nhập từ 100.000 - 120.000 đồng”. Nghề mây tre đan đang tạo việc làm cho từ 1.200 - 1.300 lao động. Hiện nay, xã đã có 10 làng nghề mây tre đan và 1 làng được công nhận làng nghề.

Đối với sản xuất nông nghiệp, xã đã mạnh dạn tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM, bằng cách làm sáng tạo, phù hợp thực tế địa phương. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật bằng cách đưa các cây con, giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Vì thế, giá trị trên một đơn vị canh tác đạt cao, thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt. Như trên 500 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 277 ha lúa (chủ yếu sản xuất đông xuân vì hè thu thường bị ngập úng nên chỉ sản xuất 30% diện tích), xã đã cơ cấu các loại giống lúa chất lượng cao, hướng dẫn bà con chăm sóc đúng với quy trình kỹ thuật để tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Diện tích còn lại, xã chỉ đạo sản xuất các loại giống lạc đạt chất lượng… Hàng năm, sản lượng lúa ổn định trên 2.200 tấn, lạc hơn 500 tấn, ngô 300 tấn…

Kinh tế phát triển, cuộc sống của nhân dân xã được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 23,8 triệu đồng mỗi năm. Tỷ lệ hộ khá và giàu chiếm 50%; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,62%, thấp nhất huyện. Đó cũng là nền tảng quan trọng để Nghi Thái có điều kiện để xây dựng nông thôn mới. 3 năm qua, Nghi Thái đã xây dựng được hơn 25 km đường nhựa và bê tông nông thôn với tổng trị giá trên 50 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng. Người dân cũng đã đóng góp hơn 20 ha đất với trị giá hàng tỷ đồng để thực hiện các công trình nông thôn mới. Như ông Lê Văn Mùi ở xóm Thái Quảng đã hiến 300m2 đất trị giá 300 triệu đồng. Ông Đặng Văn Chiến ở xóm Thái Thịnh hiến 200m2 đất trị giá trên 250 triệu đồng…

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp xã đến thôn xóm và từng người dân, chương trình xây dựng NTM ở Nghi Thái đã đạt được những kết quả rất khả quan. Hiện nay, xã đã đạt 16/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và đặt quyết tâm về đích hoàn thành 19/19 tiêu chí trong năm 2014. Ông Võ Văn Vinh - Chủ tịch UBND xã Nghi Thái cho biết: Xã đã và đang tích cực thực hiện để hoàn thành 3 tiêu chí còn lại. Tiêu chí trường học phấn đấu hoàn thành xây dựng 6 phòng học xong trước tháng 9/2014, tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa hoàn thành nhà văn hóa đa chức năng và khu thể thao xã trong tháng 7/2014 và hoàn thành xây dựng chợ Lò Vôi trong năm 2014”.

Vương Trần