Thị xã Cửa Lò: Nông dân làm du lịch

09/09/2014 15:54

(Baonghean) - “Cô Hà ơi, cho mấy “trấy” dừa xuống biển nhé!”- một giọng nữ Hà Nội ngọt ngào vọng lên từ dưới bãi. Nhận ra khách quen, chị Đặng Thị Hà nhanh nhẹn chọn dừa non theo đúng sở thích của khách, cẩn thận bổ dừa, lấy ống hút rồi cùng đứa con gái nhỏ, chuyển gần chục quả dừa tươi, mát, ngọt xuống bãi. Nơi đó, sát chân sóng, hàng ghế tựa dài là nơi nghỉ tạm của nhiều nam thanh, nữ tú đất Thủ đô về Cửa Lò tắm biển...

Dịch vụ xe điện phục vụ khách du lịch tại Thị xã Cửa Lò. Ảnh: Sỹ minh
Dịch vụ xe điện phục vụ khách du lịch tại Thị xã Cửa Lò. Ảnh: Sỹ Minh

Đoàn khách trẻ tuổi ấy đã quen với nhà hàng của gia đình chị Đặng Thị Hà đã mấy năm nay. Mà không chỉ đoàn khách này, chị Hà bảo, khách đến với nhà hàng của chị đa phần là khách quen, có những đoàn gần chục năm nay, cứ có lịch nghỉ dưỡng mùa hè là lại ghé chỗ chị ăn uống. “Với ẩm thực Cửa Lò, để giữ khách, không cần phấn son lộng lẫy làm gì, cứ mộc mạc mà thật chất là khách sẽ nhớ lâu, năng đến thôi! Như đoàn khách khi nãy, họ còn trêu tui, bằng giọng Nghi Hương đặc sệt đó chi, quen thân rồi mà!” - chị Hà cười sảng khoái trong những ồn ã của buổi xế chiều phố biển. Không khó để nhận ra, dù chị đã hơn chục năm có lẻ đứng trong đội ngũ những người làm du lịch tiên phong ở dãy ki ốt bám biển thuộc phường Nghi Hương này, thì nụ cười ấy vẫn là nụ cười của một người nông dân chính hiệu, rổn rảng giòn tan mà lan cái niềm vui chân tình ấy đến người đối diện.

Chỉ nghe giọng thôi là biết, chị Hà không thể nào là người con của vùng đất nào khác, nhất định là ở đây, ngay chính tại vùng biển mặn, mông mênh này. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân. Đầu những năm 2000, cũng như nhiều người nông dân Cửa Lò khác, chị Hà nhận ra cơ hội đổi đời bằng con đường làm du lịch. “Nói là làm du lịch, chơ lúc nớ ai biết cụ thể làm du lịch là làm răng. Cũng lợp cái quán tạm, rồi nấu náng theo nhu cầu của khách, nguyên liệu thì tươi, ngon sẵn có, người vùng biển mình đánh lên roi rói đó!” – chị Hà chia sẻ. Thấm thoắt đã hơn chục mùa hè biển gọi, ngần ấy thời gian đã giúp cho những người nông dân chân lấm tay bùn như chị biết thế nào là cách làm du lịch đúng nghĩa. Chuyên nghiệp hơn trong cung cách phục vụ và tuân thủ những cam kết về giá cả, chất lượng.

Ông chủ trẻ Hoàng Khắc Anh chăm sóc giống gà quý phi. Ảnh: Sỹ minh - Phương Chi
Ông chủ trẻ Hoàng Khắc Anh chăm sóc giống gà quý phi. Ảnh: Phương Chi

Vừa làm nông, vừa làm du lịch, những người như chị Đặng Thị Hà không phải là hiếm ở vùng biển này. Cách ki-ốt của gia đình chị không xa là nhà hàng của gia đình anh Hoàng Khắc Anh - một nhà nông trẻ nổi tiếng năng động, táo bạo và giỏi giang với hàng loạt những thử nghiệm thành công trong chăn nuôi. Năm nay 33 tuổi, Khắc Anh từng vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng cho nhà nông trẻ có nhiều thành tích xuất sắc. “Tôi mồ côi cha năm 13 tuổi. Gắng học hết lớp 9 thì nghỉ, làm thuê, làm mướn khắp làng trong, xóm ngoài, rồi nhập ngũ, học nghề sửa xe máy, mở đại lý gas… Cuối cùng trụ vững với nghề chăn nuôi. Con nhà nông, vẫn thuận nhất nghề nông thôi!” - Khắc Anh trầm tư kể về quãng thời gian lập nghiệp của mình.

Nếu như những người nông dân thế hệ trước làm du lịch như chị Đặng Thị Hà, là in đậm trong lòng du khách nét hồn hậu, chất phác của người dân vùng biển, thì với những người trẻ tuổi như Khắc Anh, làm du lịch đồng nghĩa với việc phải hướng tới hiện đại, chuyên nghiệp và văn minh. Đã là người chăn nuôi có tiếng trong vùng, nhưng khi rẽ ngang lĩnh vực mới mẻ này, thì bản thân anh cùng người thân đều tự nguyện đăng ký học các lớp văn hóa giao tiếp, ứng xử du lịch do UBND thị xã tổ chức. “Khách hàng là thượng đế, dĩ nhiên, nói vậy không có nghĩa là khách hàng có quyền tối thượng, nhưng tôi luôn nhắc nhở mình và nhân viên nhà hàng câu nói này để ứng xử với khách hàng sao cho phải.” - Khắc Anh tâm sự. Dẫu tất bật với bếp núc, nhưng khi khách hàng gọi đổi dầu gội đầu, gọi nhờ mua bao thuốc và bao nhiêu việc nhỏ nhặt khác, anh và nhân viên vẫn thu xếp để chiều lòng khách, kể cả những vị khách khó tính nhất. Và nay, như nhiều người dân phố biển tếu táo rất thật, rằng nếu có giải thưởng cho nhà nông làm du lịch giỏi, hẳn Khắc Anh là người xứng đáng nhất. Mới bám bãi ngót nghét 4 năm, nhưng nhà hàng của Khắc Anh lúc nào cũng nhộn nhịp khách vào ra. Thực phẩm tươi, cách phục vụ lịch sự và nhẹ nhàng là những điểm cộng cho nhà hàng của anh.

Với những người nông dân, ngư dân Cửa Lò, kế mưu sinh chủ yếu của họ vẫn là ngư trường gần, xa, vẫn là mớ rau, bãi quả..., nhưng vào đợt cao điểm 3 tháng hè, phần đa đều thu xếp công việc để dành thời gian cho “nghề tay trái”. Những ngư dân nước da mặn mòi vị biển sẽ trở thành những người chụp ảnh lưu niệm cho khách, những nông dân tần tảo với ruộng đồng nay lại thành thạo với những chuyến xe điện đặc trưng của phố biển Cửa Lò, chưa kể đến các dịch vụ trải nghiệm năng động như cùng ngư dân chòng chành thuyền câu mực nhảy, đi thăm làng chế biến hải sản… Một tháng “đổi nghề” cho thu nhập gấp 3-5 lần công việc thường ngày. Thế nên dễ hiểu, những tháng cao điểm mùa hè, người dân các phường Nghi Hương, Nghi Thu, Nghi Thủy… dường như chẳng mấy khi có mặt ở nhà, tất cả đều bám bãi làm du lịch!

Để những nông dân, ngư dân năng động này làm du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, thị xã biển đã có nhiều động thái tích cực như tổ chức các lớp học văn hóa ứng xử, các đội tự quản bảo vệ ANTT và gần đây nhất là mô hình các nhà hàng văn minh. Tính riêng trên địa bàn phường Nghi Hương, có 54 ki-ốt kinh doanh bám biển, tất cả ki-ốt này đều được ký cam kết các tiêu chí của nhà hàng văn minh như niêm yết giá cả công khai, cam kết vệ sinh an toàn thực phẩm, không chèo kéo, ép giá… Tất cả những nỗ lực trên nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một thị xã biển thân thiện, hiếu khách, đậm đà “chất” Cửa Lò mà không nơi nào sánh được. Cái “chất” ấy chính là sự dân dã, cởi mở, nồng hậu của những người nông dân, ngư dân rẽ ngang làm du lịch, nhưng không quên tiếp thu những điều văn minh, chuyên nghiệp để làm dày dặn thêm hành trang của mình.

Phương Chi