Truyện tranh Việt trước cánh cửa mở

07/09/2014 19:10

Các đơn vị xuất bản vẫn nỗ lực cho truyện tranh Việt, nhưng dù nhiều bộ truyện tranh đã được xuất bản nhưng vẫn luôn thiếu, tác phẩm đủ hấp dẫn độc giả từng lứa tuổi.

TIN LIÊN QUAN

Phan Thị là đơn vị liên tục sáng tạo ra những bộ truyện tranh phù hợp với từng thời điểm, lứa tuổi. Từng nổi danh với bộ truyện Thần đồng đất Việt và tạo được tiếng vang với bộ Truyện tranh danh tác - chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng như: Chí Phèo, Giông tố, Chiếc lược ngà, Tắt đèn… Vào thời điểm “nóng” lên tình hình biển đảo, Phan Thị nhanh chóng cho ra các tập truyện Thần đồng đất Việt chủ đề Trường Sa và Hoàng Sa.

Mới đây, đơn vị này cũng vừa giới thiệu tạp chí truyện tranh thuần Việt Dream Way dành cho tuổi học trò. Sân chơi đã được mở sẵn cho những cây bút vẫn đam mê, kiên trì với các truyện tranh chia sẻ trên mạng. Tuy nhiên, Dream Way có tạo nên sức hút cho độc giả trẻ bằng những bộ truyện tranh ngoại hay không vẫn phải chờ thị trường thẩm định.

Đại diện truyền thông của Công ty Phan Thị cho biết, với mỗi bộ truyện đơn vị đều lập fanpage để quảng bá, tương tác với độc giả. Hiện tại, Học sinh chân kinh là bộ truyện ăn khách nhất, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ độc giả. Học sinh chân kinh (do nhóm B.R.O thực hiện) thu hút với câu chuyện hài hước, nét vẽ dí dỏm phù hợp với tuổi học trò - đối tượng của truyện tranh hiện nay.

Long thần tướng ­- Bộ truyện đang được độc giả chờ đợi
Long thần tướng ­- Bộ truyện đang được độc giả chờ đợi

Tuy nhiên, một hạt nước không làm nên dòng sông, chưa kể truyện tranh Việt luôn vấp phải nhiều vấn đề về chất lượng, cả nội dung lẫn hình ảnh. Mảng truyện tranh lịch sử được không ít đơn vị xuất bản khai thác nhưng hầu như đều có chung điểm yếu: chỉ minh họa lịch sử hơn là có một câu chuyện sống động đúng nghĩa. Trong khi đó, mảng truyện tranh cổ tích lại mắc lỗi sai lệch giá trị: một là câu chuyện bị rút ngắn với hình vẽ đơn điệu; hai là sáng tạo theo phong cách “thời thượng, ngôn ngữ hiện đại” bị dư luận lên án.

Ngay cả những bộ truyện tranh thu hút phần hình ảnh cũng bị đánh giá giống manga, anime của Nhật Bản. Truyện tranh Việt vẫn còn chạy theo cái bóng thành công, mô típ, lối vẽ từ các bộ truyện nước ngoài. Có thể thấy rõ điều này ở những tác phẩm được độc giả teen yêu thích trên diễn đàn vetruyen.com. Hàng thập kỷ truyện tranh Việt mới có được bộ truyện được yêu thích bền vững như Thần đồng đất Việt.

Kể đến những bộ truyện tranh thuần Việt tương đối ăn khách hiện nay, ngoài các đầu sách từ Công ty Phan Thị còn có bộ truyện Bubu (có phiên bản Ybook, NXB Trẻ) dành cho độc giả dưới sáu tuổi. NXB Kim Đồng có thế mạnh ở những bộ truyện tranh lịch sử: Hào khí đất phương Nam, Truyện tranh lịch sử Việt Nam…; nhưng nhìn chung, những bộ truyện tranh nổi tiếng, phổ biến được lớp khán giả tuổi teen yêu thích chủ yếu vẫn là sách ngoại. Đây cũng là nguồn lợi nhuận chính yếu của các nhà làm sách khi khai thác mảng truyện tranh. Còn đối với những sáng tác truyện tranh thuần Việt, vấn đề được đặt lên trước nhất vẫn là “tâm huyết dành cho trẻ em” chứ không vì mục đích kinh doanh.

Tạp chí truyện tranh thuần Việt Dream Way vừa được giới thiệu đến độc giả
Tạp chí truyện tranh thuần Việt Dream Way vừa được giới thiệu đến độc giả

Theo chia sẻ từ các đơn vị làm sách, kinh phí mua tác quyền chuyển ngữ (trung bình dưới sáu triệu/tác phẩm) rẻ hơn nhiều so với số tiền đầu tư cho tác giả Việt Nam sáng tác truyện tranh. Chưa kể kỳ công tìm kiếm nguồn cộng tác viên và đầu tư thực hiện nhưng bản thảo gửi về không đạt yêu cầu.

“Hầu hết họa sĩ truyện tranh không sống được với nghề. Có khi nửa năm vừa viết vừa vẽ mới ra được một cuốn sách, trong khi nhu cầu đọc truyện tranh của trẻ em cực kỳ lớń. Sách ngoại về ào ào còn sách mình cứ nhỏ giọt làm sao cạnh tranh được!” - một biên tập viên phụ trách mảng sách thiếu nhi trăn trở.

Ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ nói: “Truyện tranh cho trẻ em phải đi theo dòng, theo bộ chứ không thể xuất bản đơn lẻ. Chúng tôi kêu gọi, đón nhận cộng tác viên khắp mọi miền nhưng không dễ. Ngay cả truyện Bubu cũng mất khá nhiều thời gian thử nghiệm, “chết” bao nhiêu hình ảnh mới ra được phiên bản nhân vật Bubu cuối cùng”.

Vừa qua, Viện Truyện tranh và phim hoạt hình ra mắt (do bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Phan Thị làm viện trưởng, trực thuộc Hiệp hội Thiết kế mẫu và sáng tạo mỹ thuật Việt Nam) đã mở cánh cửa rộng hơn cho truyện tranh Việt. “Nhiệm vụ đầu tiên của viện là ghi nhận lại lịch sử phát triển của truyện tranh và phim hoạt hình Việt Nam qua các thời kỳ, sau đó là những bài học thành công từ truyện tranh của các nước trên thế giới, tiếp thu phổ biến cho họa sĩ trẻ trong nước” - bà Phan Thị Mỹ Hạnh bày tỏ.

Trước cánh cửa mở này, liệu có thể kỳ vọng vào một sự phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn cho truyện tranh thuần Việt?

Theo PNO