Người cổ đại từng 'bóc lột' lao động trẻ em

19/09/2014 09:59

Lao động trẻ em có thể đã được sử dụng cách đây 4.000 năm ở nước Anh để tạo ra các loại vũ khí và đồ trang sức tinh xảo. Đây là phát hiện thú vị mới được công bố.

Trẻ em có thể từng làm việc ở vùng Brittany, nơi các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều con dao găm được trang trí bằng vàng trong các di chỉ khảo cổ. Tinh xảo nhất là một con dao được phát hiện cách nay 2000 năm trong ngôi mộ Bush Barrow, gần di chỉ Stonehenge. Đây cũng là ngôi mộ thời kỳ đồ đồng có nhiều của cải nhất từng được khai quật ở Anh.

2 con dao găm được tìm thấy vào năm 1808 trong ngôi mộ có niên đại từ thời kỳ đồ đồng ở Bush Barrow
2 con dao găm được tìm thấy vào năm 1808 trong ngôi mộ có niên đại từ thời kỳ đồ đồng ở Bush Barrow

Mù lòa vì chế tác đồ tinh xảo

Ngôi mộ Bush Barrow được nhà buôn len William Cunnington và ông chủ đất địa phương Richard Colt Hoare khai quật từ năm 1808. Đây là thời kỳ nhiều nhà khảo cổ nghiệp dư “điên cuồng” đào bới quá khứ.

Người đàn ông trong ngôi mộ này được chôn cất khi di chỉ Stonehenge đã 1.000 năm tuổi. Ông được mai táng cùng 1 chiếc rìu, các con dao găm bằng đồng, trên ngực đặt 1 tấm thẻ hình thoi làm bằng vàng.

Khi nghiên cứu phần cán gỗ đã mục của một con dao găm, các nhà nghiên cứu nhận thấy phần cán nguyên bản từng được trang trí bằng 140.000 hạt vàng rất nhỏ, mỗi hạt chỉ lớn như một sợi tóc người và cứ mỗi 1cm2 trên cán dao lại có 1.000 hạt vàng.

Tuy nhiên cái giá để có một món đồ tinh xảo như thế này lại rất cao. Các thợ nạm vàng đã bị giảm thị lực mạnh vào năm 15 tuổi và mù hẳn vào năm 20 tuổi. Ông Ronald Rabbetts, chuyên gia về mắt, cho tờ Guardian biết rằng chỉ người trẻ mới có đôi mắt đủ tinh để có thể thực hiện các trang trí như vậy từ cách đây hàng ngàn năm, rất lâu trước khi con người phát minh được các loại kính lúp.

“Chỉ có trẻ em, người ở tuổi vị thành niên hoặc người lớn bị cận thị tự nhiên, mới có thể thực hiện được các trang trí khó đến vậy. Gần như chắc chắc rằng một bộ phận trong các nghệ nhân của thời kỳ đồ đồng bị cận thị nặng do công việc mà họ phải làm từ khi còn nhỏ. Bởi thị lực kém, họ không thể làm được bất cứ công việc nào khác ngoài chế tác những món đồ mà họ có nhiều kinh nghiệm" - ông nói.

 Một phần của cán dao găm gỗ được trang trí bằng hàng ngàn hạt vàng
Một phần của cán dao găm gỗ được trang trí bằng hàng ngàn hạt vàng

Phát hiện đặc sắc nhưng đáng buồn

Con dao găm nạm vàng này, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Di sản Wiltshire, được xem là một cổ vật đặc biệt hiếm. Dù chỉ sử dụng các dụng cụ thô sơ, những người thợ thời cổ đại đã chế tác được một con dao rất tinh xảo, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về hình học và thiết kế.

Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học nghiên cứu kỹ về việc các nghệ nhân đã phải trả giá lớn thế nào để tạo ra được những tuyệt tác như vậy. "Mỗi lần ngắm nhìn các đồ vật trưng bày trong bảo tàng, tôi lại nghĩ “người ta đã khó khăn thế nào mới chế tác được các món đồ này?" Giờ thì chúng ta đã có câu trả lời” - David Dawson, giám tuyển của Bảo tàng Wiltshire nói - “Neil Burridge, người thợ kim khí đã chế tác nhiều bản sao cổ vật cho bảo tàng chúng tôi, từng gọi những cổ vật này là “tác phẩm của Chúa”. Giờ đây chúng ta biết rằng chúng không phải là tác phẩm của Chúa, mà là thành quả lao động của trẻ em thời cổ đại”.

Nghệ sĩ Willard Wigan, tác giả của nhiều tác phẩm điêu khắc nhỏ đến mức có thể luồn qua được lỗ kim, nhận định: “Người lớn không thể làm được con dao tinh xảo đó, bởi thị lực của con người bắt đầu giảm sút từ năm 21 tuổi”.

Ông Dawson nói rằng, phát hiện này mới rất đặc sắc, song cũng khiến người ta thấy buồn. “Nó buộc ta phải nghĩ rằng, trẻ em thời đó từng phải lao động khổ sở... Đáng buồn hơn nữa là dù biết công việc sẽ khiến thị lực giảm sút, dẫn tới mù lòa, những đứa trẻ khi đó vẫn phải cần mẫn làm việc".

Theo TT&VH