Phố xe rùa

13/09/2014 19:25

(Baonghean) - Nằm ở vùng ven Thành phố Vinh, từ lâu những hộ dân làm nghề cơ khí dọc Quốc lộ 46 ở khối 14, phường Cửa Nam được biết đến với sản phẩm xe rùa. Với bản tính cần cù, chịu khó góp nhặt những thứ phế liệu, cùng với bàn tay khéo léo, người thợ cơ khí nơi đây làm nên sản phẩm cung cấp cho thị trường trong Nam, ngoài Bắc, xuất khẩu sang cả nước bạn Lào...

Ông Bình sản xuất xe rùa.
Ông Bình sản xuất xe rùa.

Nhiều thợ cơ khí lâu năm ở đây không còn nhớ nghề cơ khí khối 14, phường Cửa Nam có từ bao giờ, và cũng không ai nhớ tiếng búa, tiếng đập vang của tôn, sắt, thép và cả tiếng máy móc ồn ào ngày đêm thưa dần từ bao giờ, vì từ khi Xí nghiệp cơ khí 12/9 (huyện Hưng Nguyên) giải thể không còn ai mặn mà với công việc này nữa. Bà Trần Thị Sang (71 tuổi), khối 16, phường Cửa Nam, tâm sự: "Ban đầu mất việc, tui nhớ tiếng búa, lửa gò hàn... Hồi đó, cứ nghĩ ai bỏ nghề thì bỏ, riêng mình sống chết với nghề gần cả đời người rồi. Giờ cũng vậy...".

Bà Sang kể, từ giữa những năm 1990 của thế kỷ trước, để đáp ứng nhu cầu sử dụng các phương tiện thô sơ trong các công trình xây dựng nhà ở, giao thông, nhiều nơi sử dụng chiếc xe đẩy (xe rùa) để vận chuyển đất, cát, xi măng... ngày càng gia tăng. Những công nhân theo bà Sang thu nhặt đồ phế liệu về tái chế thành những chiếc xe đẩy cải tiến, bán ra thị trường. Ban đầu, chỉ là sự thử nghiệm, từ sự tiện lợi mà "xe rùa" mang lại, nhu cầu sử dụng ngày càng gia tăng, nhiều hộ quanh khu vực này vốn là công nhân của Xí nghiệp Cơ khí 12/9, đều chuyển sang xản xuất xe rùa. Và cái tên "phố xe rùa" được ra đời từ đó, thay cho tên gọi khối 14, phường Cửa Nam ghi trong bản đồ quản lý hành chính.

Nói đến thợ cơ khí, ai cũng nghĩ đó là nghề vất vả, thấm đẫm mồ hôi. Có lẽ vì thế mà bà Sang cũng như gần 20 hộ dân "phố xe rùa" càng thấy trân trọng, yêu quý nghề hơn bao giờ hết. Ngày làm quần quật, đêm vẫn không ngơi tay. Bà Sang bảo, một phần vì thu nhập, một phần vì người thợ "phố xe rùa" yêu nghề. Có những dịp, người trong Hà Tĩnh ra, Thanh Hóa vào, bà Sang cùng 3 người thợ làm 50 chiếc xe rùa trong một đêm. Thời gian đầu, tiếng búa, tiếng tôn, sắt... những âm thanh ấy cứ văng vẳng khiến cho nhiều người xung quanh, người qua lại khó chịu. Dần dần thấy quen thuộc, gần gũi.

Ở "phố xe rùa", ngoài bà Sang còn có ông Nguyễn Văn Bình. Ông Bình năm nay 61 tuổi, trên 20 năm gắn bó với nghề làm xe rùa. Trong căn nhà ông chứa toàn sắt, thép, tôn, lốp xe máy cũ... Màu lửa vàng rực từ đôi tay người thợ hàn, màu nắng soi sáng cả cái xưởng bộn bề nguyên, vật liệu, ánh lên cả những giọt mồ hôi của ông đang hì hục lắp ghép xe.

Dẫu gặp tôi lần đầu, ông Bình tỏ ra cởi mở, thân thiện. Ông Bình cho biết: Xe rùa với bánh được tận dụng từ bánh xe máy cũ, khung sắt, nhôm từ các công trình xây dựng cắt thừa ra, vỏ thùng phuy cũ cải tạo lại, thực chất là sự tiếp nối của các loại xe cút kít ngày xưa người dân Nghệ Tĩnh thường dùng. Thế nhưng, khác nhau ở chỗ các loại xe cút kít xưa từ bánh, khung, thùng xe đều được làm bằng gỗ, tre, nứa, thì ngày nay xe rùa được làm chắc chắn hơn bằng sắt, thép, tuổi thọ của xe cũng cao hơn.

Hầu hết các hộ sản xuất cơ khí ở đây đều phải thu mua các loại phụ tùng cũ từ vành, lốp xe máy, cho đến các vòng bi, khung sắt, và thùng phuy đựng dầu, đựng nhựa đường cũ từ nơi khác về. Theo ông Bình, mỗi chiếc xe hiện nay có giá khoảng trên 400.000 đồng thì tiền mua nguyên, vật liệu cũng đã hết 370.000 đồng. Số tiền công các hộ dân thu được chỉ khoảng từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng mỗi xe. Tuy giá gia công thấp, nhưng vì “đầu ra” tương đối ổn định, nên hầu hết các hộ sản xuất ở đây cũng có việc làm thường xuyên. Đây còn là nơi rèn luyện tay nghề cho những lao động trẻ, hay học sinh cơ khí mới ra trường.

Ngay như tại xưởng cơ khí của ông Nguyễn Văn Bình, dù quy mô không phải lớn nhất ở khu vực này, nhưng hiện tại với nhu cầu đặt hàng khá đều đặn, và với các thiết bị sẵn có như máy cắt, máy cưa sắt, nên năm nào cũng có một vài thợ đến học nghề, giúp việc cho ông Bình. Ông trải lòng: "Khi các con tui tốt nghiệp đại học tui vẫn quyết giữ lấy nghề. Nghề nào cũng có cái nhọc nhằn riêng, nghề làm xe rùa cũng vậy. Đã theo nghề, chừng nào nhắm mắt xuôi tay thì thôi".

Chia tay "phố xe rùa", phố cũng vừa lên đèn. Tiếng cười nói xen lẫn tiếng búa quai vào nhôm, sắt kiến cho không khí làm việc của một ngày như chưa muốn dừng...

Thu Hương