Cần thiết lập trật tự thị trường vàng

14/10/2014 17:56

(Baonghean) - Theo Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN của Bộ KH & CN (Thông tư 22), từ ngày 1/6/2014, các doanh nghiệp kinh doanh vàng buộc phải tuân thủ các quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm vàng như: đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng, tuổi vàng, độ tinh khiết… trên từng sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian qua hiệu quả triển khai trên thực tế vẫn chưa cao.

Từ trước đến nay, thị trường vàng trang sức và thời trang mỹ nghệ cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh ta nói riêng đang hoạt động khá tự do, mỗi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh có một tiêu chuẩn riêng không thống nhất với nhau. Ở Nghệ An có trên 100 cơ sở kinh doanh vàng, trang sức đang hoạt động. Ngay sau khi Thông tư 22 được ban hành và có hiệu lực, bên cạnh một số doanh nghiệp có uy tín, chủ động thực thi các quy định thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện hoặc chỉ thực hiện theo kiểu đối phó, thụ động. Điều này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của những sản phẩm có hàm lượng vàng được công bố chính xác với các sản phẩm vàng có chất lượng không như công bố.

Chủ doanh nghiệp vàng bạc Kim Thành Huy trên đường Cao Thắng, nói: “Hiện hàng tồn không chỉ của cửa hàng tôi mà hầu hết các tiệm vàng trong thành phố còn khá nhiều. Nếu áp dụng ngay thì rất khó đáp ứng theo tiêu chuẩn mới. Tôi nghĩ phải cần một thời gian mới có thể áp dụng”. Điều này cũng nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các doanh nghiệp nhỏ khác trên địa bàn tỉnh. Theo các doanh nghiệp này, hiện còn rất nhiều sản phẩm trang sức có tuổi vàng thực thấp hơn công bố, phải điều chỉnh để bảo đảm đúng theo quy định mới. Đại diện doanh nghiệp Kim Dung Thông cho biết: “Tôi có biết đến Thông tư 22 của Nhà nước về quản lý chất lượng vàng vì đợt vừa qua được dự tập huấn của cơ quan chức năng. Hiện tại một số lượng chúng tôi đã niêm yết tuổi vàng trên sản phẩm; còn hàng tồn kho khá nhiều thì chúng tôi đang băn khoăn, và sẽ cố gắng thực hiện trong thời gian tới.”

Tiệm vàng trên đường Lê Lợi (TP. Vinh). Ảnh: Hải Yến
Tiệm vàng trên đường Lê Lợi (TP. Vinh). Ảnh: Hải Yến

Theo tìm hiểu tại các của hàng kinh doanh vàng trong TP Vinh được biết, hiện nay hầu như tiệm vàng nào cũng hạ tuổi vàng, nhưng bán theo giá của sản phẩm đủ tuổi. Tuy nhiên, việc khắc tuổi vàng lên sản phẩm vàng trang sức đa số không được thực hiện mà phần lớn các tiệm vàng nhỏ lẻ chỉ khắc ký hiệu riêng của tiệm với lý do tuổi đã được ghi rõ trong biên lai giao cho khách nên không ghi lên sản phẩm. Ghi nhận tại một số tiệm vàng trên đường Cao Thắng, khu vực chợ Vinh cho thấy, cùng là vàng trang sức 75% được các tiệm vàng hạ tuổi nhưng giá bán mỗi nơi mỗi khác. Chẳng hạn, cùng sản phẩm vàng trang sức 75% trong ngày 9/10/2014 có cửa hàng niêm yiết giá mua vào 1.840.000 đồng/chỉ bán ra 2.340.000 đồng/chỉ, nhưng tại tiệm vàng khác giá mua vào 1.606.000 bán ra 2.345.000 đồng/chỉ, một số cửa hàng khác giá mua vào chênh lệch dao động từ 50.000 - 150.000 đồng/chỉ.

Thị trường vàng trang sức mỹ nghệ là thị trường lớn gắn trực tiếp đến quyền lợi, đời sống của đa số người dân vì thói quen mua vàng dự trữ. Do đó, tình trạng người tiêu dùng khi mua vàng tại cửa hàng này nhưng khi có nhu cầu bán lại ở cửa hàng khác thì sẽ chịu thiệt với lý do là thiếu tuổi vàng. Cũng theo Thông tư 22 thì mức sai số cho phép chỉ là 0,1 - 0,3%. Nhưng tìm hiểu trên thị trường vàng được biết, mức sai số hiện nay hầu hết ở các tiệm vàng thường mặc định là từ 1 - 3%, nên rất có thể vàng 99,99% chỉ còn là 96,99% (sai số 3%). Việc niêm yết, dán nhãn các chỉ số hàm lượng vàng trên sản phẩm theo Thông tư 22 sẽ tránh tình trạng người dân bị lập lờ khi bỏ tiền ra mua vàng nhưng chất lượng không đúng với giá trị. chị Nguyễn Thị Yến, phường Hưng Dũng (TP Vinh) cho hay: “Nghe mọi người nói các cửa hàng thường giảm tuổi vàng để bán có lời. Người dân như chúng tôi khi mua vàng thường không biết hoặc biết nhưng cũng không có cách nào để kiểm chứng. Nên khi biết quy định mới của nhà nước về quản lý hàm lượng vàng tại các cơ sở kinh doanh vàng, tôi mong sớm được triển khai để người dân yên tâm, mua được vàng đúng chất lượng.”

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra mà cả các doanh nghiệp, cũng như người dân đang băn khoăn như về việc xử lý như thế nào đối với vàng nữ trang đang lưu hành trên thị trường không đủ tuổi, chuẩn hoá thiết bị đo hàm lượng vàng thì đơn vị nào chịu trách nhiệm... Về việc này, đại diện Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nghệ An, ông Phan Ngọc Quang cho rằng: “Khi tiêu chuẩn được thống nhất và việc kiểm soát kỹ lưỡng hơn sẽ hạn chế được chất lượng vàng mỗi nơi một kiểu, mỗi nơi một giá như hiện nay. Việc này không chỉ đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, mà còn tạo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tích cực tiến hành công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, phối hợp kiểm tra đối với các doanh nghiệp đang kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Nếu nhận diện sản phẩm có nghi ngờ về tuổi, Chi cục sẽ lấy mẫu về kiểm định tại trung tâm đủ điều kiện kiểm định hiện nay của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Có thể nói, Thông tư 22 về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng là cơ sở pháp lý để thiết lập trật tự cho thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ và tăng cường bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Để triển khai tốt Thông tư 22 đảm bảo công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh, ngoài việc cơ quan chức năng thống nhất các tiêu chí, phối hợp thực hiện tốt thì cần sự phối hợp chủ động từ đông đảo các doanh nghiệp kinh doanh, chế tác vàng trên địa bàn.

Thanh Bình