Quản lý dân cư tại các khu chung cư, đô thị mới:Còn nhiều bất cập
(Baonghean) - Tốc độ đô thị hóa nhanh với việc nhiều chung cư cao tầng được đầu tư xây dựng tạo điểm nhấn về kiến trúc đô thị của Thành phố Vinh, góp phần giải quyết một lượng lớn nhu cầu nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, việc quản lý dân cư ở các chung cư, khu đô thị mới này đang nảy sinh nhiều bất cập cần được tháo gỡ.
Người dân bị... lãng quên
Thông thường, người dân sinh sống ở bất kỳ đơn vị hành chính khối, xóm nào cũng được đảm bảo các quyền lợi: tham gia sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể, được đóng góp xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, tiến bộ; được tiếp thu các thông tin thời sự chính trị, các chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước; con cái họ được hưởng một môi trường vui chơi, giải trí thông qua sân thể thao, nhà văn hóa được xây dựng tại các khu dân cư,... Thế nhưng, cư dân tại các chung cư, khu đô thị mới trên địa bàn Thành phố Vinh, những nhu cầu tưởng như tối thiểu đó lại rất xa xỉ đối với họ. Ông Nguyễn Hồng – cư dân tòa nhà chung cư CT,B, khu đô thị mới Nghi Phú do Công ty CP xây dựng Vinaconex 9 làm chủ đầu tư, cho biết: “Gia đình tôi về ở đây đã hơn 1 năm nhưng chưa một lần được hội họp gì trong khu nhà này. Mặc dù, ở đây có Ban quản lý dự án nhưng mỗi khi cầu thang bị hỏng, ống nước bị vỡ, liên lạc tìm để họ sửa chữa cũng đã “bở hơi tai”, cho nên có hôm ống nước bị vỡ cả tuần mới được sửa chữa, huống chi việc đảm bảo các quyền lợi khác cho người dân”. Cùng ở khu đô thị mới Nghi Phú, bà Lê Thị Hà, khu nhà liền kề, bức xúc: “Suốt gần 10 năm chuyển về đây, tôi không hề được tham gia sinh hoạt một cuộc họp nào, bởi tại đây không hề có nhà sinh hoạt cộng đồng hay nhà văn hóa, cũng chẳng có tổ chức nào đứng ra tổ chức, vận động hội họp, chẳng ai quản lý, đi hay ở cũng chẳng ai hay. Dù đất đai, nhà cửa nơi ở cũ gia đình đã bán, nhưng do ở khu đô thị mới này không có tổ chức Đảng nên gần 10 năm nay, vợ chồng tôi vẫn đi về nơi ở cũ tại phường Lê Lợi tham gia các hoạt động đoàn thể, sinh hoạt chi bộ”.
Khu đô thị mới Nghi Phú do Vinaconex 9 làm chủ đầu tư chưa xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. |
Không chỉ riêng anh Hồng, bà Hà mà đó là tình cảnh chung của các gia đình tại hầu hết các chung cư cao tầng, khu đô thị mới trên địa bàn Thành phố Vinh hiện nay. Nhiều người dân tại các chung cư cao tầng, khu đô thị mới đặt câu hỏi: Vì sao tại các chung cư, khu đô thị mới không có nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc nhà văn hóa? Tại một số chung cư, khu đô thị mới, vào ngày Rằm Trung thu, Tết thiếu nhi 1/6, vì thương con trẻ, không muốn con em mình bị thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa ở các khu dân cư, các gia đình tự đứng ra tổ chức cho con em mình ngay tại hành lang tòa nhà hay trước tiền sảnh khu chung cư. Có người còn tỏ ra lo lắng, nếu trong các khu chung cư cao tầng có người quá cố mà không có nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa làm nơi để thi hài, làm lễ viếng trước khi đưa người đã khuất về nơi vĩnh hằng; rồi ai sẽ đứng ra lo liệu việc tang như các khối, xóm hành chính khác? Người dân chung cư, khu đô thị mới cho rằng, các chủ đầu tư chỉ mới chú trọng lợi ích của mình đó là xây và bán nhà, chia lô và bán nền là hết nghĩa vụ, không lo đến quyền lợi của người dân mà đang... “đem con bỏ chợ”.
Ngoài ra, hiện tại các nhà chung cư, khu đô thị mới, công tác quản lý con người cũng rất khó khăn. Có những căn hộ chính chủ, nhưng do việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất thời gian qua tiến độ quá chậm nên những người này hộ khẩu một đằng, người ở một nẻo. Có những căn hộ chỉ mua rồi cho thuê hoặc mua đi bán lại nhiều lần, trong khi đó trách nhiệm của ban quản lý các dự án có mức độ nên việc nắm và quản lý số nhân khẩu trong các nhà chung cư, khu đô thị đang có những bất cập; người đến không ai hay biết, người chuyển đi không ai xác nhận; người nào thích thì đăng ký tạm trú, tạm vắng, còn không cũng mặc. Cũng xuất phát từ việc không có nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, chưa thành lập ban quản trị nhà chung cư nên việc đưa các chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước đến người dân chung cư, khu đô thị mới gặp nhiều khó khăn.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Nguyên nhân của tình trạng trên, mỗi nơi một khác. Như tại nhà chung cư và khu nhà ở liền kề khu đô thị mới Nghi Phú, theo ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết: Quy hoạch ban đầu không bố trí xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, trong thực tiễn, nhu cầu có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng là rất cần thiết. Vì vậy, vừa qua, đơn vị đã đề xuất với UBND tỉnh cho phép điều chỉnh quy hoạch dành 237m2 để làm nhà văn hóa. Hay tại dự án chung cư Đội Cung do Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 30 làm chủ đầu tư, mặc dù có đủ trên 250 hộ để thành lập khối hành chính mới (theo văn bản quy định của Bộ Nội vụ) nhưng do chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa nên chưa đủ điều kiện để thành lập khối mới ở đây. Điều này đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân và đã có đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng. Ngoài 2 vấn đề nêu trên, thì có khá nhiều dự án nhà chung cư, mặc dù đã bố trí xây dựng các nhà sinh hoạt cộng đồng trong khu chung cư theo quy hoạch, nhưng lại không tiến hành thành lập Ban quản trị nhà chung cư để bàn giao và đưa nhà sinh hoạt cộng đồng vào sử dụng theo mục đích chung vì cộng đồng, mà có dự án đang phục vụ nhu cầu, lợi ích của doanh nghiệp. Theo một đại diện Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 30, hiện tại doanh nghiệp này có một số dự án có bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng như khu chung cư Đông đại lộ Lê nin, khu chung cư Quang Trung, nhưng do các dự án chung cư thuộc các chủ đầu tư khác trên địa bàn Thành phố Vinh chưa thành lập ban quản trị chung cư nên doanh nghiệp này cũng không thành lập để đưa các nhà sinh hoạt này vào hoạt động. Có dự án có nhà sinh hoạt cộng đồng nhưng số hộ gia đình vào ở trong khu nhà còn quá ít nên chưa đủ điều kiện để thành lập ban quản trị (theo quy định phải có 50% số căn nhà có hộ vào ở sẽ thành lập ban quản trị dự án).
Ông Lê Quốc Hồng – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vinh, cho biết: Tính đến ngày 31/5/2014 trên địa bàn Thành phố Vinh có 46 khu chung cư, khu đô thị mới đưa vào sử dụng, với trên 9.000 lô đất, căn hộ; trong đó có 2.984 hộ, với 9.405 khẩu đã đến ở. Nhận rõ những bất cập vấn đề quản lý con người tại các nhà chung cư, khu đô thị mới, năm 2013, thành phố đã ban hành Đề án “Quản lý hành chính khu chung cư, khu đô thị mới trên địa bàn Thành phố Vinh giai đoạn 2013 – 2020”, nhưng việc quản lý hành chính mới chỉ dừng lại ở việc quản lý tạm trú, tạm vắng. Hiện tại, thành phố đang tập trung chỉ đạo các phường, xã phối hợp với các chủ đầu tư tiến hành rà soát số hộ ở các chung cư, khu đô thị mới, điều kiện cơ sở hạ tầng xã hội. Trên cơ sở đó thành phố xem xét, cân nhắc nhà chung cư, khu đô thị mới nào có đủ điều kiện để thành lập khối, xóm hành chính mới, nơi nào phải sáp nhập vào các khối, xóm đã có, từ đó nhằm đưa các chung cư, khu đô thị về các phường, xã quản lý, đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của người dân.
Theo Luật Nhà ở, Điều 24 quy định, các dự án phát triển nhà ở tại đô thị phải được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, hệ thống thoát nước, nước sinh hoạt...) và hạ tầng xã hội (nhà mẫu giáo, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng) để đáp ứng yêu cầu cải thiện điều kiện sống của dân cư theo tiêu chuẩn của đô thị. Luật Nhà ở cũng quy định trong các nhà chung cư yêu cầu phải thành lập ban quản trị nhà chung cư do các hộ dân tự bầu ra, có trách nhiệm quản lý vận hành nhà chung cư; thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các hộ dân trong khu nhà để phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân liên quan xem xét giải quyết; kiểm tra, theo dõi giám sát việc sử dụng, bảo hành, bảo trì nhà chung cư theo quy định; phối hợp với chính quyền địa phương, tổ dân phố trong việc xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong nhà chung cư... |
Mai Hoa