Đường Phạm Kinh Vĩ: "Phố sinh viên"

28/09/2014 09:45

(Baonghean) - Đó là con phố uốn hình zích zắc, đi đến đâu cũng thấy rộn tiếng người. Những người trẻ ăn mặc khá hợp mốt, ngồi xổm trong hàng quà vặt, đi bộ chậm rãi và thờ ơ, đi xe đạp rất “lụa” và cười nói như không có gì trên đời này đáng muộn phiền. Phố dường như “lây” cái hồn nhiên tươi trẻ ấy mà khoác lên mình những màu đổi thay thấy rõ...

Đường Phạm Kinh Vĩ nằm sau lưng Trường Đại học Vinh - ngôi trường có hàng ngàn sinh viên mà đa số xa nhà trọ học. Vị thế đắc địa này bao năm nay đã biến con đường nhỏ, ngoằn ngoèo, khuất lấp thành con đường kinh doanh nhộn nhịp không kém cạnh gì so với những “mặt tiền” như Đặng Thái Thân, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong… Người ta gọi đường Phạm Kinh Vĩ là “phố sinh viên”. Hẳn cái từ phố ấy cũng là du nhập cách gọi của những con phố đặc thù khác ở Hà Nội, Sài Gòn? Tôi đã nhiều lần cự cãi rất hăng với chúng bạn, trong quán chè mẹt dựng vụng bởi những mảng màu chẳng ăn nhập vào đâu, rằng sao cứ phải gọi là “phố”, cứ phải ngả theo người ta, sao không là chính mình? Bạn tôi trình bày rất lòng vòng mà đa phần là sau mỗi cuộc cật vấn, cả hai đều chẳng thể nhớ hết những điều đã viện dẫn. Rốt cuộc, phố vẫn cứ là… phố, không hoành tráng sầm uất bởi những dãy nhà cao tầng ngút tầm mắt, cũng không lộng lẫy phô trương cửa tiệm cao cấp, mà cứ giản dị và rộn ràng những dãy trọ giá rẻ, những dịch vụ buôn bán hàng trăm mặt hàng to nhỏ phục vụ giới sinh viên...

Đường Phạm Kinh Vĩ.
Đường Phạm Kinh Vĩ.

Mà lạ, ở phố, dẫu giá rẻ, dịch vụ gì cũng mang lại cảm giác cao cấp! Như photocopy chẳng hạn, trong thành phố chúng ta có bao nhiêu hiệu, thì bấy nhiêu hiệu cứ na ná nhau về hình thức và chất lượng; còn ở phố Phạm Kinh Vĩ, dịch vụ photocopy mang lại cảm giác rất an tâm và tận hưởng. Bạn có thể ngồi hàng giờ trong cửa hiệu với cuốn sách cũ và ly trà đá trên tay, mặc cho chủ hiệu đánh vật với đống tài liệu ngồn ngộn và yêu cầu trang dọc - ngang, to - nhỏ. Thử hình dung xem, ngoài phố đang rất nhiễu những tạp âm, còn bạn cứ việc ngồi đó, an nhiên nhịp chân trong khoảng không gian chỉ bao bọc bằng tiếng chạy xè xè khẽ khàng của máy photocopy. Khi bạn buông những dòng cuối cùng xuống, vươn vai quay lại mới nhận ra tài liệu của bạn đã xong tám hoánh rồi, nhưng anh chủ hiệu vẫn không nỡ đập vai gọi bạn trả tiền cũng như đuổi về (dẫu nhìn đồng hồ thì bạn đã “ám” kha khá thời gian). Đó, dịch vụ “cao cấp” là ở chỗ đó, cái chỗ chỉ vài nghìn hoặc vài chục nghìn, bạn đã có khoảng yên tĩnh được tôn trọng của riêng mình.

Phạm Kinh Vĩ (1691-?) quê xã Thổ Hào, huyện Thanh Chương, nay là xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông còn có tên khác là Phạm Công Liêu hoặc Phạm Doãn Vĩ. Năm Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714) khoa Giáp Ngọ, ông đỗ Giải Nguyên kỳ thi Hương. Năm Bảo Thái thứ 5 (1724) khoa Giáp Thìn, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân. Ông làm quan của nhà Hậu Lê. Ông mất ở quê nhà và được phụng tự tại Văn miếu huyện. Năm 1999, lăng mộ và nhà thờ ông tại xóm Minh Sơn, xã Thanh Tùng được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

Dưới góc độ thị dân, thật ra phố Phạm Kinh Vĩ chỉ như hẻm nhỏ. Bề ngang chỉ độ 4-5m, còn chiều dài cong lượn một đầu chạm đường Bạch Liêu, đầu kia gấp khúc đổ ra đường Phong Định Cảng. Tôi đặc biệt thích những ban mai ở Phạm Kinh Vĩ, khi đó, những ồn ã của ngày mới chưa ùa đến, và dẫu đường thưa vắng lắm bóng cây xanh, thì vẫn cảm được cái thênh thang của khí trời thanh khiết đang thong dong trên đầu mình. “Hẻm nhỏ” Phạm Kinh Vĩ thông ra đường lớn Phong Định Cảng, mang đến ấn tượng thị giác kiểu như đang chạy dài trong không gian chật hẹp đột nhiên đập vào mắt khung cảnh kỳ vĩ; kiểu như đang xem chương trình dân ca dân vũ trên tivi hộp xoàng xĩnh, bỗng dưng quay sang xem phim hành động trên tivi LED cỡ siêu đại. Tôi mê con đường nhỏ ấy đến thế!

Chính xác hơn, tôi còn mê sự láo nháo rất sinh viên, rất trẻ mà đường Phạm Kinh Vĩ mang lại cũng tương tự như biết bao con phố sinh viên khác của nước mình. Cũng như đường Trần Phú ở Huế, đường Lê Văn Việt (Quận 9) ở TP. Hồ Chí Minh… nghĩa là bạn đã từng là sinh viên và bạn nhớ da diết con đường sinh viên trong tâm tưởng của bạn, thì bạn có thể về với đường Phạm Kinh Vĩ để tận hưởng lại cảm giác đó. Cái cảm giác mà nếu phải căng ra cho dễ hình dung, thì chỉ có máy phim - với những mảng tối - sáng, những đổ bóng, những khối nét… mới “bắt” được. Chúng ta phải dùng một thứ lưu giữ không gian, thời gian, khoảnh khắc thật có hồn để cắt lấy hiện thực ồn ã, để rồi sau này nhìn lại, trên bức hình ấy thấy có hình xe cộ, hình người ôm vai bá cổ nhau, hình những hàng quán bình dân, những sợi khói bếp bánh bay lên… mà tưởng như đang ngửi thấy mùi bánh thơm, tiếng cười đùa rộn rã, tiếng còi xe máy...- những tượng hình và tượng thanh gói cả trời nên thơ và vụng dại của bạn!

Tôi cũng tin, không có gì là bất biến! Thời gian có thể làm đổi thay tất cả. Con phố Phạm Kinh Vĩ, 10 năm sau, có thể mặt đường lổn nhổn ổ gà hiện tại đã hóa thành đường bê tông thoáng rộng, hàng quán có thể nhiều thêm hoặc ít đi, những hàng gạch lát quán quen sẽ loang lổ nhiều thêm… Chẳng sao cả, với một người yêu phố như tôi, phố vẫn đẹp như tình yêu đầu, luôn được thiên vị lọc qua màn thị giác mến thương!

Phước Anh