Quỳ Hợp: Chủ động khắc phục nước tưới bị ô nhiễm

29/09/2014 21:41

(Baonghean) - Châu Quang và Châu Cường là 2 xã trọng điểm sản xuất lúa của huyện Quỳ Hợp, với tổng diện tích 644 ha canh tác. Tuy nhiên, trong 4 năm trở lại đây, đặc biệt là vào vụ hè thu - mùa, có khoảng 36 ha lúa của 2 xã này bị thiệt hại nặng nề vì nguồn nước bị ô nhiễm do khai thác khoáng sản. Trước thực trạng đó, huyện Quỳ Hợp đã tìm ra biện pháp xử lý nguồn nước nhằm khắc phục hiện tượng này.

Chủ tịch UBND xã Châu Cường (ngoài cùng bên trái) trao đổi với bà con cách xử lý hiện tượng lúa chết.
Chủ tịch UBND xã Châu Cường (ngoài cùng bên trái) trao đổi với bà con cách xử lý
hiện tượng lúa chết.

Đã 4 năm liên tiếp, hơn 4 sào lúa của gia đình ông Vy Văn Phiết ở xóm Đồng Lùm, xã Châu Quang bị mất mùa. Nhất là vào vụ hè thu - mùa trên diện tích này thường xuyên xảy ra hiện tượng cây lúa sinh trưởng kém, thấp lùn, rễ thối đen, lá vàng khô, lụi dần rồi chết. Gia đình ông Phiết có 5 nhân khẩu chỉ dựa vào mấy sào ruộng; ông mong mỏi Nhà nước có cách nào xử lý nguồn nước để bà con dân bản đỡ khổ.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Sầm Thế Cường ở xóm 4, bản Nhang, xã Châu Cường cho biết, ở miền núi, diện tích sản xuất lúa nước quý như vàng, mỗi nhà chỉ được chia có trên dưới 4 sào ruộng nước, nhưng mà cánh đồng này năm nào lúa cũng bị chết. Những ngày không có mưa, nước trong kênh bao giờ cũng đầy bùn đỏ đổ vào ruộng đã làm lúa chết. Vụ nào có nước mưa nhiều bổ sung vào ruộng, thì còn có cái mà thu hoạch. Còn lại, nếu từ đầu vụ đến cuối vụ mà chỉ lấy nước từ trong hồ thủy lợi tưới tiêu, thì cuối vụ nhiều lắm chỉ có mấy yến lúa lép. Vì vậy, khi huyện triển khai phương án khắc phục bằng các biện pháp vật lý, sử dụng phân bón, hóa chất có khả năng tạo phản ứng, trung hòa các chất gây ô nhiễm trong nguồn nước, đồng thời tăng khả năng sinh trưởng của cây lúa, chống lại các điều kiện bất lợi của môi trường, ông Cường đã tích cực áp dụng ngay. Kết quả, trong vụ hè thu năm nay, 4 sào ruộng của gia đình ông đã xanh tốt trở lại, không còn hiện tượng lúa thối rễ như những vụ trước nữa.

Là xã trọng điểm sản xuất lúa của huyện Quỳ Hợp, Châu Cường có tổng diện tích sản xuất lúa nước hơn 200 ha/vụ. Thế nhưng, vụ nào cũng có lúa chết, nhất là vụ hè thu, còn nơi nào lúa không bị chết, thì năng suất đạt được cũng rất thấp. Trước hiện tượng 36 ha lúa chết ở các cánh đồng Đồng Lùm, Diềm Bày xã Châu Quang và bản Nhang xã Châu Cường suốt 4 năm qua, huyện Quỳ Hợp đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng bao gồm: Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở NN&PTNT kiểm tra, tìm nguyên nhân gây nên hiện tượng trên. Song, qua lấy mẫu phân tích trên cả 3 yếu tố cây trồng, đất và nước, các cơ quan chức năng vẫn không tìm ra nguyên nhân làm lúa chết, nhưng lại khẳng định tác nhân gây bệnh có khả năng đưa đến từ nguồn nước tưới chứ không phải do chất lượng hạt giống hay do chế độ chăm sóc của người dân. Để khắc phục tình trạng này, vụ hè thu - mùa năm nay, huyện Quỳ Hợp chỉ đạo phòng NN&PTNT huyện xuống tận các xã họp dân, triển khai phương án xử lý. Đặc biệt, chú trọng việc hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật cải tiến trong gieo cấy, chăm bón..

Theo ông Lưu Xuân Điểm - Chủ tịch UBND xã Châu Cường: Trước khi gieo cấy, xã đã khuyến cáo bà con nông dân cày bừa kỹ để kim loại nặng lắng xuống sâu dưới đất, thu dọn sạch sẽ gốc rạ trên ruộng để hạn chế gây ngộ độc hữu cơ cho cây. Đồng thời, bón vôi để khử chua do quá trình tích tụ axít và ô xi hóa một số kim loại nặng trong đất. Trong quá trình cây lúa đẻ nhánh, tháo kiệt nước trên ruộng để tạo điều kiện cho rễ cây hô hấp tốt, hạn chế nhánh vô hiệu, từ đó đã giảm thiểu lúa chết do ngộ độc kim loại.

Cho dù nguyên nhân gây nên hiện tượng lúa chết chưa được xác định, song trên thực tế, nguồn nước tưới cho những diện tích này hầu hết được lấy từ các hồ đập, sông suối đầu nguồn của huyện Quỳ Hợp. Đây chính là nơi diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản, nên khả năng có chứa các yếu tố kim loại nặng gây độc cho cây trồng như Cadimi, Asen, đồng, chì, thiếc... Vì thế, sau mỗi đợt lũ, nước tràn vào mương tưới đã làm cho tỷ lệ lúa chết nhiều hơn, nhất là các diện tích lúa nằm gần mương chính, các đầu dẫn nước vào ruộng.

Do đó, vụ hè thu này, huyện Quỳ Hợp đã chọn 26 ha làm thí điểm bằng phương pháp đào hố lọc ở các đầu dẫn nước vào ruộng để lắng kim loại nặng và các chất độc hại trong nguồn nước. Đặc biệt, có kế hoạch đóng các mương nước sau các đợt mưa lớn, không cho nước từ các hồ, đập, các khu khai thác khoáng sản tràn vào mương. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Thái - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳ Hợp cho biết: Đây là năm đầu tiên huyện triển khai phương án này, để khắc phục tình trạng lúa chết. Huyện có cơ chế hỗ trợ phân bón, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân trong quá trình thực hiện. Chúng tôi chỉ triển khai trên 26 ha, còn lại 10 ha để lại làm diện tích đối chứng. Trên thực tế, đã hạn chế được từ 50 - 70% diện tích lúa chết so với các năm trước.

Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra tìm ra nguyên nhân, giải pháp mà huyện Quỳ Hợp đưa ra đã phần nào khắc phục được hiện tượng lúa chết. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tình thế. Để bà con dân bản tiếp tục mạnh dạn đầu tư thâm canh, tăng năng suất, sản lượng, về lâu dài, các cơ quan chức năng cần phải tiếp tục nghiên cứu, xác định chính xác tác nhân gây ra hiện tượng này. Từ đó, đưa ra biện pháp ngăn ngừa hiệu quả, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Hiến Chương