Chuyện bà tôi
(Baonghean) - Tôi sinh ra và lớn lên ở bản nghèo xa xôi miền Tây xứ Nghệ. Câu chuyện tôi kể hôm nay là câu chuyện cuộc đời của bà tôi - một người phụ nữ suốt đời suốt kiếp lầm lũi chăm lo cho những người thân quanh mình, mà quên mất rằng, những mất mát đời mình, không gì có thể đắp đổi được.
Bà tôi từng là một phụ nữ Thái đẹp điển hình. Bà dong dỏng cao, da trắng nõn nà, hát hay nức tiếng. Nhiều người trong bản đến giờ vẫn còn nhắc nhớ, mấy chục năm về trước, bà là “trung tâm” của những ngày hội bản. Thiếu bà, khắc luống mất vui, rượu cần bớt đậm. Gia đình bà thuộc hàng danh gia trong bản, vì ông bà cố có nhiều ruộng tốt, trâu khỏe, anh em họ hàng đông đúc và vững chãi. Gia thế vậy, lại còn đẹp và khéo léo, nên dễ hiểu, bà luôn là đối tượng săn đón của nhiều trai bản gần xa. Thế mà không hiểu sao, bà lại chọn ông - một người con trai nghèo đến độ không có nổi một cây pí để thổi lời gọi bạn tình, nói gì đến một mảnh đất cắm chân. Nhưng tình yêu muôn đời chẳng có lý lẽ gì, bất chấp sự cản ngăn của gia đình, bà vẫn cùng ông uống cạn chén rượu thề nguyền, dìu nhau lên vỡ hoang vùng đồi thậm xa, nơi chẳng có mấy ai lai vãng đến. Một ngày của bà bắt đầu lúc gà chưa gáy. Bà gánh những bầu quế nặng trĩu, khó nhọc lê bước lên dốc cao, bổ từng nhát cuốc với tất cả sức lực của một người phụ nữ từng ăn trắng mặc trơn, không biết đến lao động nặng nhọc dù một ngày. Bà đi bộ vào rừng sâu, luồn vào những bụi tre già ẩm ướt sau mưa, đào tìm vài cộc măng cho bữa ăn thiếu đói. Bà làm tất thảy mọi thứ, bà quên bẵng đi mình đã từng là ai. Tất cả chỉ vì tình yêu của bà dành cho ông, và ước mơ vun vén cho những đứa con sau này. Cuộc sống dẫu nhọc nhằn nhưng bình yên tưởng như cứ mãi trôi qua, nào có ai ngờ…
Lần lượt, những đứa con ra đời. Đầu tiên là đứa con gái xinh xắn, mà sau này chính là mẹ tôi. Nghe bà kể lại, mẹ tôi từ nhỏ đã tỏ ra nhanh nhẹn, đáng yêu, mỗi tội, lên 5 tuổi vẫn còn nói ngọng chưa rõ lời. Bấy giờ ông bà nghèo khổ lắm, bữa ăn quanh năm suốt tháng độc cháo sắn, cơm độn sắn, bánh sắn… làm gì có thời gian và hiểu biết để nghĩ đến chuyện đưa con đi bệnh viện khám. Bà bảo, cứ nghĩ là con gái chậm nói, rồi đến tuổi cũng như mọi người thôi mà! Nhưng không phải thế, mẹ tôi càng lớn, cơ thể càng phổng phao xinh đẹp bao nhiêu, thì âm thanh tiếng nói bình thường lại càng xa lạ với mẹ bấy nhiêu. Ban đầu, mẹ còn cố diễn đạt ý nghĩ của mình bằng cách uốn lưỡi khó nhọc, mà tiếng gầm gừ nhiều hơn là thanh âm của con người. Về sau, mặc cảm khiếm khuyết, mẹ co người lủi thủi, lầm lũi như con dúi trong rừng sâu. Sau mẹ, bà còn ba lần sinh nở, mà trời không thương bà, không cho bà được nuôi con. Người thì mất vì một trận sốt cao, người thì chưa thành hình trong bụng bà, người lại do một lần sa sẩy. Tôi không biết làm thế nào bà vượt qua được những ngày tháng đớn đau cùng cực ấy - nỗi đớn đau tưởng như có thể xé tan tâm can bất kỳ người phụ nữ nào. Sau này, thỉnh thoảng, trong những tối mù trời mùa đông miền sơn cước, bà đốt bếp lửa rực hồng để hơ đôi tay, đôi chân giá lạnh của tôi, thủ thỉ kể chuyện ngày xưa, thì vẫn nhắc rất khẽ đến thời điểm tối tăm nhất của cuộc đời. Bà bảo, nếu như mẹ tôi không tật nguyền thiệt thòi đến thế, thì bà đã tìm đến nắm lá ngón từ lâu rồi. Nhưng bà không dám, dù đã bao lần bà giàn dụa nước mắt trong đêm, tung cửa chạy ào vào rừng tìm một sự giải thoát. Bà phải sống để nuôi mẹ tôi, và vì ông tôi.
Trong ký ức của tôi, ông là một người chẳng mấy dễ chịu. Ông hay rượu, và sau này, ông còn nhiễm thói hút thuốc đen của mấy người đàn ông xấu trong bản. Hồi trẻ, có lẽ ông cũng là người điển trai, nhưng từ khi tôi về sống với ông bà, ông đã nhăn nheo và khó chịu lắm rồi. Người ông còng xuống như dấu chấm hỏi, dẫu khi ấy tuổi còn chưa cao. Bà vẫn hay nói thầm vào tai tôi, ông sức khỏe yếu, vì ông hút toàn thứ độc hại. Ông ít làm việc, hầu như cả ngày đều ngồi bên bậu cửa hoặc nằm lì trên giường, người nồng sặc mùi thuốc. Ông dằn vặt bà bằng những câu nói rất đanh, lại có khi cả tháng chẳng nói với bà câu gì. Bà vẫn lầm lũi chịu đựng tất cả những tra tấn tinh thần ấy. Mãi sau này khi lớn hơn, tôi mới thầm nhận ra, bất chấp tình yêu và những hy sinh của bà, ông vẫn trách móc bà vì cho rằng đàn bà không biết đẻ, hơn nữa, vì hồi còn trẻ, gia đình bà khinh ông nghèo, và bà thì đẹp đến nỗi đi đâu cũng có người chọc ghẹo. Đó không phải là lỗi của bà, lẽ dĩ nhiên là thế, nhưng ông là kiểu người bắt người ta phải đau khổ để xoa dịu những tự ti và mặc cảm thua kém của mình.
Ông mất năm tôi 12 tuổi. Tin ông mất đến thật bất ngờ. Lúc đó, tôi và bà đang tách vỏ quế ngoài bìa rừng, thì một người hàng xóm chạy đến thất thanh. Người ta đoán ông mất vì sốc thuốc, cơ thể ông đã rệu rã không thể chịu đựng nổi chất kích thích liều cao đến thế. Bà lo chu toàn cho ông đến cùng. Bà không khóc. Tôi đồ rằng tất cả nước mắt đời bà đã ngấm vào thinh lặng hết rồi!
Về phần mẹ tôi, dẫu có thu mình vào lớp vỏ khiếm khuyết và mặc cảm, thì bà vẫn không giấu được vẻ đẹp thừa hưởng từ mẹ của mình. Nhiều người đến buông lời tán tỉnh, nhưng không ai đủ dũng cảm đưa một người ngọng câm về làm vợ. Để rồi trong một lần lỡ dại, mẹ đã không ngăn nổi sự mù quáng tình yêu và khao khát thiếu nữ của mình, trao thân cho người mà tôi phải gọi bằng bố. Người bố tôi chưa một lần thấy mặt, đã quay đi ngay khi mẹ tôi đẫm nước mắt ra hiệu rằng đã cấn thai. Một lần nữa, bà lại là người giang rộng vòng tay, đỡ đần ôm ấp mẹ con tôi khỏi những thị phi giày xéo của miệng tiếng thế gian, một tay bà đỡ đẻ, cắt rốn cho đứa bé đỏ hỏn là tôi sau này. Rồi cũng một tay bà chắt từng thìa nước cơm, giã từng đọt lá cho tôi qua bao trận cảm sốt. Khi tôi lên 10 tuổi, mẹ tôi quyết định về sống với một người đàn ông góa vợ ở bản bên. Về với gia đình mới, mẹ không thể mang tôi theo, và bà, lại tiếp tục vừa làm cha, vừa làm mẹ, hai bà cháu dìu nhau qua bao đói khổ của cuộc sống.
Khi tôi kể lại câu chuyện này, thì bà tôi không còn nữa. Bà hạ thổ trong rừng mà không ai biết, mãi đến mấy ngày sau… Bà đi đào măng để đưa ra chợ bán, và bà vấp ngã rễ dây leo, đầu đập vào tảng đá. Tôi tưởng chừng như đất quanh mình đổ sập xuống, vì bà là tất cả cuộc đời của tôi, là niềm vui, nỗi buồn, là ước ao đền đáp! Tôi chưa làm được gì cho bà, thậm chí, còn chưa kịp báo tin vui, tôi đã là cô cử nhân sư phạm Ngữ văn tốt nghiệp loại xuất sắc - chuyện “động trời” ở bản làng này. Bà tôi đã đi trọn một vòng đời mà không biết đến một ngày vui. Kể lại câu chuyện cuộc đời bà, là tôi đang thắp một nén nhang tưởng vọng và tri ân đến một người phụ nữ tảo tần bình dị của cuộc sống, nhưng nhưng sự hy sinh cũng lớn lao biết bao…
Phước Anh
(Ghi theo lời tâm sự của Lô Thị Hạnh (SN 1991), xã Tiền Phong, huyện Quế Phong)