Thêm yêu điệu hò, câu ví

19/10/2014 08:05

(Baonghean) - “Hò ơ ơ ơ khoan dô khoan, có đi qua xứ Nghệ xin mời bạn hãy dừng là khoan dô khoan/ Nghe câu ví mênh mang đầy nghĩa tình sâu nặng, hò ơ ơ ơ khoan dô khoan/ Một miền quê thương mến mời bạn đến vui cùng là khoan dô khoan…”. Tiếng hát trong trẻo, mượt mà đó vọng ra từ ngôi nhà nhỏ của em Nguyễn Thị Nguyệt - học sinh lớp 8A, Trường THCS Đại Minh (Yên Thành) khi chúng tôi vừa tới ngõ.

Lối vào nhà của Nguyệt rất ấn tượng: Một bên là đầm sen, một bên là ao cá - phải chăng chính khung cảnh êm đềm này đã nuôi dưỡng tâm hồn âm nhạc dân gian trong em. Theo hướng lời hát vọng ra, hình ảnh đầu tiên là một cô bé vừa giặt quần áo vừa say sưa thả hồn vào bài hát mà không để ý có khách thăm nhà. Giọng hát mượt mà ấy của Nguyệt từng gây ấn tượng với chúng tôi ngay trong đêm khai mạc Hội thi Hát dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh cho học sinh trung học 2014 cấp tỉnh vừa qua.

Nguyệt được thừa hưởng giọng hát hay từ ông nội Nguyễn Phúc Thanh (70 tuổi) – từng là thành viên của đội văn nghệ Xưởng 250 Phủ Quỳ. Từ nhỏ ông đã thích ca hát, vì thế ông luôn tham gia tích cực vào các phong trào văn nghệ của làng xã. Ông đã sưu tầm được rất nhiều làn điệu dân ca của quê hương như: ví giận thương, hò đi đường, hát khuyên… Hàng ngày, ông hát ru Nguyệt bằng những làn điệu dân ca thân thương, nhờ đó, mạch nguồn dân ca dần thấm sâu trong tâm hồn Nguyệt, tạo nên niềm đam mê cháy bỏng. Cứ thế, những làn điệu dân ca ví, dặm được ông nội sưu tầm rồi truyền lại cho Nguyệt với mong muốn thế hệ sau kế tục thế hệ trước gìn giữ và lưu truyền giá trị văn hóa phi vật thể của quê hương.

Nguyễn Thị Nguyệt (giữa) biểu diễn tại hội thi dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh 2014.
Nguyễn Thị Nguyệt (giữa) biểu diễn tại hội thi dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh 2014.

Niềm đam mê điệu hò câu ví của Nguyệt tiếp tục được bồi đắp khi chương trình hát dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh được đưa vào giảng dạy ở bậc tiểu học và trung học. Qua các buổi lên lớp môn Âm nhạc, cô giáo Nguyễn Thị Thủy – giáo viên âm nhạc Trường THCS Đại Minh đã phát hiện em có chất giọng dân ca và sự thẩm thấu âm nhạc rất tốt. Được cô Thủy bồi dưỡng thêm kiến thức nhạc lý và kỹ thuật nhấn nhả chữ trong các làn điệu dân ca, càng ngày em càng thể hiện thành công từng câu hò, diệu ví với tất cả tình yêu của mình. Từ đó Nguyệt trở thành hạt nhân văn nghệ của lớp, của trường trong các hội diễn văn nghệ cấp trường, cấp phòng giáo dục cũng như cấp huyện.

Cô Thủy cho biết: “Nguyệt là một học sinh tham gia rất tích cực vào các hoạt động văn hóa văn nghệ của lớp, của trường. Em có niềm đam mê ca hát và đặc biệt yêu thích dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh. Trong các buổi tập luyện của đội văn nghệ, niềm đam mê của em đã lan tỏa đến tinh thần toàn đội, nhờ đó, các buổi tập của đội thêm sôi nổi và hiệu quả. Khi tập một câu ví, bài xẩm, em rất chăm chú và tập đi tập lại nhiều lần kỹ thuật luyến láy, nhả chữ đúng phách, đúng nhịp đến khi nào vừa ý mới thôi. Thể hiện bài hát thì toàn tâm toàn ý thả hồn vào bài hát nên làm cho lời hát thêm mềm, thêm mượt mà, rất lôi cuốn người nghe”.

Và sự khổ luyện bao giờ cũng đem lại thành công như mong đợi.“Lặng nghe trong tiếng ru hời, con đi muôn dặm đất trời mới hay/Công cha nghĩa mẹ ơn thầy, bao la trời biển, cao dày bằng non…”, Hội trường Hội thi Hát dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh 2014 cấp tỉnh như bị phá vỡ bởi những tràng pháo tay tán thưởng khi Nguyệt cất lên những câu hát mượt mà về đạo làm con, làm trò trong tác phẩm “Công cha nghĩa mẹ ơn thầy” của Hồng Lưu. Được đánh giá là có chất giọng trời phú, cộng với sự nghiêm túc miệt mài trong luyện tập nên dưới ánh đèn sân khấu của hội thi, Nguyệt đã làm nức lòng ban giám khảo và đông đảo khán giả cổ vũ bởi kỹ thuật luyến láy chính xác từng phách nhịp khi thể hiện một bài xẩm – kỹ thuật rất khó trong dân ca ví, dặm. Khi được hỏi tại sao em lại chọn bài xẩm này để dự thi? Nguyệt cho biết: “Vì bài xẩm này rất ý nghĩa đối với thế hệ học trò của chúng em. Bài xẩm giúp chúng em hiểu sâu sắc công ơn trời biển của cha mẹ, thầy cô giáo, răn dạy chúng em sống sao cho trọn đạo làm con ngoan, trò giỏi để không phụ lòng mong mỏi của ông bà, cha mẹ và thầy cô”. Phải chăng với Nguyệt, tình yêu, niềm đam mê dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh ngày một lớn hơn không phải chỉ vì sự mềm mại, mượt mà của làn điệu mà còn vì em hiểu sâu sắc ý nghĩa của từng câu hò, điệu ví mà cha ông ta muốn gửi gắm.

Để có thể theo đuổi đam mê trong sự ủng hộ của gia đình, Nguyệt đã biết bố trí thời gian luyện tập mà không làm ảnh hưởng đến việc học văn hóa. Vì thế không chỉ hát hay và nhiệt huyết tham gia các hoạt động phong trào của trường, của lớp, Nguyễn Thị Nguyệt còn là một học sinh giỏi toàn diện của trường trong nhiều năm liền; học sinh giỏi Văn, Tiếng Anh cấp huyện.

Danh hiệu giải A tiết mục và cá nhân xuất sắc nhất hội thi dân ca ví, dặm cấp tỉnh vừa qua là những phần thưởng xứng đáng cho sự trân trọng câu hò, điệu ví quê hương và sự khổ luyện của Nguyệt. Và việc đặc cách được tuyển thẳng vào học tại Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật của tỉnh đã nâng bước cho em tiếp tục niềm đam mê ca hát của mình.

Chia tay Nguyệt trong bóng chiều tà mà trong chúng tôi vẫn vang vọng câu hò mềm mượt như muốn níu chân người ở lại: “Hò ơ ơ ơ khoan dô khoan, có đi qua xứ Nghệ xin mời bạn hãy dừng là khoan dô khoan/ Nghe câu ví mênh mang đầy nghĩa tình sâu nặng/Hò ơ ơ ơ khoan dô khoan, một miền quê thương mến mời bạn đến vui cùng là khoan dô khoan…” thấy thêm yêu, thêm quý điệu hò câu ví quê hương.

Lê Hoa