Náo nức ngày khai trường

06/09/2014 19:06

(Baonghean) - Sáng 5/9, trên khắp mọi nẻo đường từ thành phố, nông thôn, đến vùng trung du miền núi tỉnh Nghệ An, hơn 880 ngàn học sinh trong đồng phục gọn gàng, náo nức đến trường khai giảng năm học mới. Tại các trường học, ngập tràn sắc cờ, băng rôn, biểu ngữ đỏ thắm. Tiếng trống khai trường vang lên rộn rã báo hiệu giờ phút thiêng liêng năm học mới 2014 - 2015 bắt đầu.

“Lại thêm một lần tôi lại được đứng giữa sân trường trong ngày khai giảng năm học mới; thêm một lần được gặp lại cảm giác hồi hộp, hào hứng năm nào. Trường mình bây giờ đẹp quá, khang trang quá. Những căn nhà cao tầng đã thay thế những dãy nhà lụp xụp cấp bốn. Sân trường giờ được che phủ bằng những hàng cây rợp bóng. Những bồn hoa nở tươi thắm tô điểm thêm cho khoảng sân thêm sắc màu” - Chị Nguyễn Thị Minh Chi rưng rức xúc động khi trở lại ngôi Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1, Thành phố Vinh nơi chị từng theo học. Hôm nay, “trường mình” đã không còn từ đặc quyền riêng của chị Chi, mà còn là niềm tự hào chung của cô con gái đầu vừa vào lớp một. Ngày đầu tiên đi học là khoảnh khắc đặc biệt, thiêng liêng. Nhìn con và các bạn trang phục chỉnh tề, đứng nghiêm trang, ánh mắt trẻ thơ chăm chú hướng về phía lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng sớm làm lễ chào cờ và hát quốc ca, chị Minh Chi phấn khởi: “Mấy hôm trước, bé Thanh Minh nhà chị náo nức lắm, luôn miệng giục mẹ chuẩn bị quần áo mới, cờ hoa cho ngày tựu trường. Được đi học trường mới, thầy cô giáo mới, kết thêm bạn mới, bé rất vui”… Niềm vui của chị Chi và con gái cũng là niềm vui chung của rất nhiều thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh trong ngày khai giảng.

Học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật (TP. Vinh) trong ngày khai trường. Ảnh: Sỹ Minh
Học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật (TP. Vinh) trong ngày khai trường. Ảnh: Sỹ Minh

Trong ngày vui này, đi đến đâu cũng bắt gặp hình ảnh rực rỡ sắc màu cờ hoa, giai điệu bài hát “Ngày đầu tiên đi học” vang vang; bất chợt trong tôi, trong anh lại nhớ về một câu thơ của Đặng Hữu “Sân trường tỏa rộng nguy nga nắng/ta trải hồn mình như tơ phơi”… Tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Thành phố Vinh, thầy và trò nhà trường vinh dự được đón đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc về chúc mừng, đánh trống khai trường nhân dịp khai giảng. Năm học vừa qua, trường tiếp tục đứng đầu cả nước về thành tích học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế với 2 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng khu vực và Quốc tế; 84 em đạt học sinh giỏi quốc gia.

Kỳ thi Đại học năm 2014, trường có 2 em thủ khoa cao điểm nhất cả nước. Chứng kiến lễ khai giảng tại ngôi trường giàu truyền thống này, chúng tôi đã thấy những nụ cười rạng rỡ, những đôi mắt long lanh của thầy và trò; thấy quyết tâm “góp phần tích cực làm rạng danh cho quê hương, góp phần thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết 26-NQ/TƯ của Bộ Chính trị để Nghệ An trở thành trung tâm giáo dục đào tạo nguồn nhân lực của khu vực” - như lời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong mỏi. Dưới sân trường, một cô giáo khoe với chúng tôi một bức tranh mùa thu mà cô vừa nhận được sau khi dạy học trò bài thơ "Câu cá mùa thu" của Nguyễn Khuyến. Hạnh phúc của các thầy cô giản đơn là vậy.

Đồng chí Lê Quang Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy tặng quà học sinh lớp 1,  Trường Tiểu học Thị trấn Con Cuông. Ảnh: Châu Lan
Đồng chí Lê Quang Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy tặng quà học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Thị trấn Con Cuông. Ảnh: Châu Lan

Trong đoàn công tác tỉnh Nghệ An do đồng chí Trần Hồng Châu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu đến chúc mừng lễ khai giảng của Trường THPT Lê Viết Thuật, Thành phố Vinh có một học sinh cũ của nhà trường. Trống khai trường đã điểm, người học trò này lặng lẽ sẻ chia trên nhật ký điện tử của mình: “Lớp học sinh đàn em chào đón năm học mới bằng những tiết mục văn nghệ hiện đại, quyến rũ, nhưng cũng thấm đượm tình yêu quê hương, đất nước. Nhìn khuôn mặt háo hức của các em, trong tôi dòng lệ cứ muốn trào ra khỏi khóe mắt. Trái tim tôi cũng rung theo từng nhịp điệu của bài Quốc ca vang vọng khí thế hào hùng của dân tộc Lạc Hồng. Những cái bắt tay thật chặt, những ánh mắt kiếm tìm ký ức, quá khứ của một thời vàng son cứ in đậm trong tấm trí chúng tôi - những người giờ đã ngồi trên hàng ghế đại biểu của nhà trường. Tôi tự hào về các em, các cháu của mình. Các em, các cháu học rất giỏi. Các em biết không? Chính các em đã nối dài thêm truyền thống đẹp đẽ của nhà trường. Và cũng chính thành tựu trên ghế nhà trường của các em khiến cho chúng tôi - những đàn anh, đàn chị đi trước không thôi tự hào khi được gọi là những cựu sinh viên của Trường THPT Lê Viết Thuật”…

Với 450 nam học sinh nghiêm túc với quần đen áo trắng, nữ học sinh xúng xính trong bộ váy thổ cẩm của Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An thì niềm vui khai giảng như được nhân lên, bởi trong dịp này, trường đưa hệ thống cơ sở vật chất mới khang trang, sạch đẹp vào sử dụng; cũng như được nhận nhiều món quà từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm.

Phố biển Cửa Lò ngày khai trường chan chứa nắng. Thị xã tuổi đôi mươi đang bước vào vận hội mới và để Cửa Lò chắp cánh “hóa rồng”, thì giáo dục chính là kế sách hàng đầu. Phát biểu trong lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Thị xã Cửa Lò, đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị các trường học trên địa bàn đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Em Trần Khắc Hiếu học sinh lớp 11, Trường THPT Thị xã Cửa Lò vẻ mặt rạng rỡ khoe được bắt tay và nghe lời động viên từ bác Chủ tịch tỉnh. Hiếu chia sẻ niềm vui tựu trường: “Đi học vui lắm ạ! Mấy tháng hè này ở nhà thấy nhớ bạn bè, nhớ trường lắm. Năm ni em hứa với bố mẹ rồi, sẽ cố gắng đạt học sinh giỏi”.

Chúng tôi - những người đi dự lễ khai giảng ở các vùng, miền trong tỉnh đặc biệt ấn tượng với chương trình văn nghệ mừng năm học mới của Trường THCS Phan Đăng Lưu, ở quê lúa Yên Thành: Đó là bài dân ca soạn lại lời về nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu do một nữ học sinh vùng giáo biểu diễn; là bài hát “Nơi đảo xa” do thầy cô song ca - Chúng tôi đã thấy sân trường tràn ngập sắc màu của Lá cờ Tổ quốc vinh quang, biết qua chương trình văn nghệ này, nhà trường đã nhắn nhủ: Chúng ta hãy thể hiện tình yêu nồng thắm và lớn lao đối với đất nước mình.

Tương tự, lễ khai giảng tại Trường Tiểu học Làng Sen cũng là một kỷ niệm không dễ quên: Ngày tựu trường bắt đầu với màn đón chào của gần 100 học sinh bước vào lớp 1 cùng với hoa, bóng bay và bài hát rộn ràng “Chào người bạn mới đến”. Các cô bé, cậu bé dẫu vẫn còn nhiều bỡ ngỡ trước môi trường mới, thầy cô mới, bạn bè mới, nhưng trong không khí rộn ràng của ngày khai giảng, dường như mọi e ngại trước kia đã được xóa nhòa, đặc biệt là khi được các anh chị lớp trên tặng hoa, chúc mừng trở thành thành viên mới của trường. Niềm háo hức đó cũng đã lan sang các bố, các mẹ và đông đảo người dân. Buổi lễ đón chào còn có một ẩn ý sâu sắc: với học trò Làng Sen, thì học không chỉ cho riêng mình mà còn phải học để rạng danh là con cháu của quê hương Bác Hồ và không chỉ “học chữ, học văn hóa mà còn phải học làm người, phải biết đoàn kết, thương yêu nhau”.

Sáng khai trường, Con Cuông khoác màu áo mới. Núi rừng nơi đây sau cơn mưa đã bừng sáng với màu của nắng, của áo trắng học sinh, cùng sắc màu thổ cẩm của các bà, các chị xuống chợ, các em đi khai trường. 50 trường học, với tổng số 15.000 học sinh trên địa bàn huyện đều đồng loạt khai giảng trong sáng 5/9. Riêng Trường Tiểu học Thị trấn Con Cuông vinh dự hơn cả khi được đón đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh do đồng chí Lê Quang Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu tới dự lễ. Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy đã ân cần tặng vở cho các em lớp 1 và cho biết đây là một lễ khai giảng rất xúc động mà đồng chí từng chứng kiến. Bác Nguyễn Thành Long ở khối 5, Thị trấn Con Cuông đưa cháu nội là Nguyễn Thị Khánh Trâm đi khai giảng vui mừng kể: “Tôi có một mong muốn đã thành nguyên tắc, đó là cháu nào cũng phải được tôi đưa đi khai giảng và đây là cháu thứ 5 của tôi. Ngay từ ngày đầu tiên, nếu gia đình quan tâm đến học tập của con em thì các em sẽ nỗ lực hơn trong học tập”.

Tươi vui hơn cả là không khí ở Trường Tiểu học Châu Hội 1, huyện Quỳ Châu trong ngày khai giảng. Đông vui lắm, về với trường mà cứ ngỡ về Lễ hội Hang Bua đầu năm. Khi trời hãy còn mờ tối, hơn 200 em học sinh từ những bản làng xa xôi, cách trường đến 25 km, nhưng đã kịp nô nức về đây với bộ trang phục Thái truyền thống nhiều màu sắc. Cháu Vi Thị Huyền bản Khun - Châu Hạnh, học sinh lớp 4B, lau khô những giọt mồ hôi trên khuôn mặt lấm lem bùn đất, dục mẹ sửa sang chiếc váy Thái mà em mới thay để kịp đứng vào hàng. Chả là em đến muộn mất mấy phút vì đường sá xa xôi, lại lầy lội. Chị Vi Thị Mùi mẹ em nói: “Hơn 4h chúng tôi đã vượt con đường lầy lội hơn 25 km để ra tới đây, nhiều chỗ mẹ con tưởng chừng không đi nổi, ngã xe mấy lần, bùn đất dính bê bết, có đoạn phải nhờ người đi đường khiêng nổi chiếc xe máy nặng trịch bùn đất, tới 6h 30 mới đến được trường, may mà vẫn còn kịp”. Tiếng trống trường đã điểm, học sinh từ chỗ nghiêm trang đứng thành hai hàng tay cầm cờ, bóng bay, nay vỡ òa cùng tham gia các trò chơi truyền thống của dân tộc mình được tổ chức ngay khắp sân trường. Hiệu trưởng nhà trường - cô giáo Nguyễn Thị Minh Huyền cũng chung vui, tham gia vào trò chơi nhảy sạp.

Chung niềm vui cùng thầy và trò Trường Tiểu học Tiền Phong II, huyện Quế Phong trong ngày lễ khai giảng được đoàn của Sở Nội vụ phối hợp với nhóm phật tử từ thiện Nguyên Quang tặng 221 suất quà Thắp sáng ước mơ - Tiếp sức đến trường”; bâng khuâng chợt ước gì học sinh nào ở vùng cao cũng được tặng quà, cũng được đến trường. Chúng tôi biết: Còn rất nhiều trẻ nhỏ ở miền núi trong tỉnh không có điều kiện đến trường; Còn rất nhiều học sinh vùng khó khăn đến trường với bụng chưa no, áo chưa lành, 3 - 4 em chung một quyển sách; mong muốn tất cả mọi người cùng biết, chung tay sẻ chia để ngày tựu trường là một ngày vui…

Chung niềm vui cùng cô, trò Trường Mầm non xã Tràng Sơn khi trường lớp ngày càng khang trang, đạt chuẩn nhờ nguồn kinh phí kiên cố hóa của Nhà nước trên 5 tỷ đồng, cộng thêm 10 tỷ đồng khác từ nguồn xã hội hóa; Bất chợt còn đó những băn khoăn, lo lắng khi Tràng Sơn là xã khá đa dạng về ngành nghề kinh tế và số lao động đi làm ăn xa khá đông. Việc lao động trẻ đi làm ăn xa là bất khả kháng, nhưng việc các em thiếu sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ sẽ là khoảng trống không nhỏ và ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của các em. Đó còn là gần 40% học sinh ở làng Văn Hà, xã Quang Sơn (Đô Lương) vẫn chưa đến trường.

Ngày khai giảng năm học mới, ngày hội “Toàn dân đưa trẻ đến trường” của tỉnh Nghệ An diễn ra trong không khí phấn khởi, rộn ràng là vậy. Trong ngày lễ trọng này, mừng vui nhất là được thấy tất cả mọi người dân luôn nhớ lời Bác dặn: “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”, quyết tâm “Tất cả vì học sinh thân yêu, vì thế hệ tương lai của đất nước”. Nhịp trống khai trường dóng giã, vang dồn thiêng liêng như lời dặn của ông cha, như một lời chúc mừng tới các thầy, cô giáo, các em học sinh, sinh viên bước vào năm học mới đầy sức khỏe, niềm vui, thầy trò dạy tốt, học tốt, góp phần làm rạng danh đất học xứ Nghệ.

Nhóm PV