Lợi ích tử "nuôi đa dạng hóa thủy sản"
(Baonghean) - Nuôi đa dạng hóa thủy sản là hình thức nuôi kết hợp nhiều đối tượng trên cùng một đơn vị diện tích nhằm tận dụng những đặc điểm sinh học của các đối tượng đó để hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất. Qua quá trình triển khai, hình thức nuôi này đã chứng minh được hiệu quả rõ nét ở tỉnh ta.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở Quỳnh lưu. Ảnh: Nhật Thanh |
Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản ở Nghệ An có những bước phát triển khá, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi thủy sản mặn, lợ. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản được mở rộng, đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, năng suất và sản lượng ngày càng tăng. Đối tượng nuôi chính là tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) ở vùng nước lợ, với hình thức nuôi chủ yếu là bán thâm canh, thâm canh và ngao ở vùng bãi triều ven biển. Ngoài ra, còn có một số loài nuôi khác như: cua, hàu, cá vược, cá mú… được nuôi ở hình thức xen ghép, quảng canh cải tiến. Tuy nhiên, bên cạnh những vùng, những khu vực có điều kiện phát triển thích ứng với việc nuôi tôm thâm canh thì còn có những vùng do điều kiện cơ sở hạ tầng yếu, nguồn cung ứng con giống có chất lượng còn hạn chế, nguồn lực của dân có hạn, nên việc nuôi độc canh, thâm canh gặp khá nhiều bất lợi.
Một số vùng nuôi như: Diễn Vạn, Diễn Trung (Diễn Châu), Nghi Hợp (Nghi Lộc) trước đây đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho đối tượng nuôi chính là tôm sú. Tuy nhiên, sau một thời gian nuôi do điều kiện cơ sở hạ tầng xuống cấp, mặt khác nguồn lực về tài chính, mức đầu tư của người dân hạn chế, do đó sau vụ nuôi chính, bà con thường chọn hướng thả xen ghép nhiều đối tượng trong ao như: cua biển, cá vược, cá rô phi... Sau một thời gian nuôi với nhiều đối tượng và hình thức nuôi như vậy, các hộ dân nhận thấy nuôi xen ghép nhiều đối tượng trong 1 ao hiệu quả hơn hẳn nuôi độc canh tôm sú. Từ năm 2011 đến nay, hầu hết các hộ đều lựa chọn hình thức nuôi xen ghép, đánh tỉa, thả bù. Đây chính là hình thức nuôi đa dạng hoá.
Nuôi đa dạng hóa là hình thức nuôi kết hợp nhiều đối tượng trên cùng một đơn vị diện tích, nhằm tận dụng những đặc điểm sinh học của các đối tượng đó để hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất. Từ đó, phục hồi môi trường các vùng nuôi bỏ hoang hoặc kém hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; giảm bớt rủi ro về dịch bệnh và giảm chi phí đầu tư sản xuất. Trong nuôi đa dạng hóa, việc kết hợp các đối tượng nuôi có đặc tính hỗ trợ lẫn nhau, (một số loài là thức ăn của đối tượng chính trong ao như: rô phi là thức ăn của cua, thức ăn cá vược thừa sẽ là thức ăn của cua…) đã hạn chế được lượng thức ăn dư thừa, giảm các nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Nuôi đa dạng hóa hạn chế sử dụng các loại thuốc, hóa chất xử lý môi trường do vậy dư lượng các chất tồn còn lại trong ao và sản phẩm nuôi ít, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Với mật độ nuôi thấp, sẽ sử dụng ít hơn nguồn năng lượng (điện, xăng dầu), hạn chế được ô nhiễm dầu mỡ trong khu vực.
Ở tỉnh ta, việc áp dụng các hình thức đa dạng hóa nuôi trồng thuỷ sản có thể thực hiện được ở nhiều vùng, như: Diễn Vạn (Diễn Châu), Nghi Hợp, Nghi Thái (Nghi Lộc), Hưng Hòa (TP. Vinh), Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu).... Đây là những vùng nhiều năm nuôi tôm sú, tôm thẻ không hiệu quả, cơ sở hạ tầng kém, xuống cấp, chất lượng nước, đặc biệt là độ mặn có sự dao động lớn theo các tháng trong năm. Thời gian trước đây, Sở NN & PTNT đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nuôi một số đối tượng khác trong vụ 2 như: cá rô phi, cá vược, cá hồng mỹ để ngắt vụ nhằm phục hồi môi trường vùng nuôi, đặc biệt với các vùng bị bệnh đốm trắng. Hiện nay, với sự hỗ trợ của Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Nghệ An có rất nhiều các hoạt động liên quan đến đa dạng hóa nuôi trồng thuỷ sản như: phục hồi trại sản xuất giống cấp tỉnh, nâng cao năng lực để những đơn vị này tiếp nhận công nghệ, chủ động sản xuất những đối tượng phù hợp yêu cầu sản xuất, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi, thiết lập các mô hình trình diễn về nuôi đa dạng hóa các đối tượng nuôi trồng thuỷ sản đã được triển khai và đem lại hiệu quả rõ rệt.
Trong năm 2013 và đầu năm 2014, Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản Nghệ An đã triển khai hỗ trợ 3 mô hình nuôi đa dạng hóa, đó là nuôi xen ghép cá vược - cua biển - cá rô phi tại hộ ông Lưu Văn Bản ở Diễn Vạn (Diễn Châu); nuôi xen ghép tôm thẻ chân trắng - cua biển ở hộ ông Nguyễn Hữu Dũng; nuôi xen ghép cua biển - cá rô phi ở hộ ông Nguyễn Đình Minh tại Nghi Hợp (Nghi Lộc). Đến nay, các đối tượng nuôi phát triển khá tốt, sơ bộ các mô hình đáp ứng được các chỉ tiêu kỹ thuật kinh tế. Tại các mô hình nuôi cá vược - cua biển - cá rô phi, sau 6 tháng nuôi cá vược đạt kích cỡ 900 g - 1,2 kg, tỷ lệ sống khoảng 70%, sản lượng đạt hơn 2 tấn; nuôi xen ghép tôm thẻ chân trắng - cua biển, cua biển đạt kích cỡ 300 - 500g/con... Ngoài ra, một số vùng đã chuyển sang hướng nuôi đa dạng như xã Diễn Vạn (Diễn Châu) có 100% hộ dân ở HTX Vạn Thành nuôi xen ghép nhiều đối tượng trong ao. Hay một số người dân ở xã Hưng Hòa (TP. Vinh), xã Nghi Hợp (Nghi Lộc) nuôi cua, cá bống bớp, cá chim biển thay thế đối tượng tôm. Sau thời gian nuôi 4-5 tháng, lãi ròng thu được ở mỗi mô hình đạt trên 40 triệu đồng.
Qua thời gian triển khai hình thức đa dạng hoá các đối tượng nuôi trồng thuỷ sản tại Nghệ An cho thấy, kết quả các đối tượng xen ghép đều cho sản lượng tốt và hiệu quả kinh tế cao. Hình thức nuôi này đã nâng cao hiệu quả của việc sử dụng đất, duy trì tính ổn định của vùng nuôi; hạn chế những rủi ro do dịch bệnh do điều kiện tự nhiên, môi trường không thuận lợi; tạo hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thuỷ sản và giúp xóa đói, giảm nghèo cho nông dân, tạo cho người dân ý thức về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, đã cải tạo được những ao, đầm kém hiệu quả trong nuôi trồng thâm canh, đưa lại thu nhập cho người dân.
Trần Xuân Quang
(Chi cục Nuôi trồng thủy sản)