Bán ảnh vệ tinh do Việt Nam sản xuất

11/09/2014 21:22

Đây là thông tin được PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cho biết tại Hội thảo “Tổng quan về công nghệ vệ tinh và ứng dụng” diễn ra sáng 10/9 do Trung tâm Vệ Tinh quốc gia tổ chức.

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, lộ trình của Trung tâm đưa ra về ứng dụng công nghệ vệ tinh là đến năm 2013 áp dụng hệ thống ảnh số vào quản lý rừng, năm 2014 khai thác hình ảnh tổng quát về môi trường biển, năm 2015 nghiên cứu về biến đổi khí hậu và đến năm 2017 sẽ được áp dụng vào môi trường và cảnh báo thiên tai, thảm họa.

Điểm nhấn của Trung tâm là hình thành lộ trình để phát triển vệ tinh “Made in Việt Nam”. Theo đó, Trung tâm đã chú trọng phát triển cả nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Hiện đã có hơn 100 cán bộ được đào tạo ở nước ngoài, sẽ về Việt Nam làm việc. Đối với phát triển cơ sở hạ tầng, Trung tâm sẽ xây dựng mạng lưới của mình trên khắp cả nước, gồm Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc (Hà Nội), Trung tâm phát triển nhân lực và chuyển giao công nghệ vũ trụ (số 18, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), Đài thiên văn Nha Trang, Trung tâm ứng dụng công nghệ Vũ trụ TP. Hồ Chí Minh.

Theo lộ trình phát triển vệ tinh "made in Việt Nam", sau khi phóng thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1 kg), Việt Nam sẽ tiếp tục phóng vệ tinh NanoDragon (10 kg) năm 2016. Hai năm sau, MicroDragon (50 kg) sẽ vào vũ trụ và tiếp đó là LOTUSat-2 (500 kg) vào năm 2020.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

"LOTUSat-2 là vệ tinh đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam và sẽ chính thức được thương mại, tức là ảnh của vệ tinh có thể được bán ra các nước trên thế giới", PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho biết. Nếu đúng những gì đang triển khai, Việt Nam sẽ thuộc nhóm các nước đứng đầu khu vực ở lĩnh vực này, tương đương với Indonesia và Malaysia. Hiện các nước như Thái Lan, Lào... vẫn chưa phóng vệ tinh nào vào vũ trụ. Philippines chỉ có nhu cầu mua ảnh nước ngoài và không cần chế tạo vệ tinh; Singapore chủ yếu đi theo hướng thương mại chứ không ứng dụng.Vệ tinh viễn thám ở Việt Nam chủ yếu ứng dụng trong các lĩnh vực để quản lý tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, phục vụ phòng chống giảm nhẹ thiên tai. Hệ thống sẽ đảm bảo việc quan sát trái đất trong trường hợp thảm họa khẩn cấp với mọi điều kiện thời tiết khí hậu; xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm hoạ môi trường.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia trình bày tại hội thảo
PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia trình bày tại hội thảo

Theo các chuyên gia, muốn chụp ảnh một khu vực nào đó thì phải đặt hàng, sau đó ít nhất hai ngày mới nhận được. Nếu Việt Nam có vệ tinh, mọi việc sẽ được hoàn tất chỉ trong vòng từ 6 đến 12 tiếng.

Trung tâm Vệ tinh quốc gia được thành lập từ năm 2011. Ba năm qua, Trung tâm đã có nhiều nghiên cứu để ứng dụng công nghệ vệ tinh vào các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là quản lý tài nguyên, giám sát môi trường, thiên tai, như nghiên cứu ứng dụng về quản lý rừng khu vực Sơn La, Hòa Bình và khu vực rừng Tây Nguyên, hay công trình nghiên cứu về thiên tai lở đất tại Hòa Bình..

Nguồn ictnews