"Suối ngàn" giữa phố

28/09/2014 10:16

(Baonghean) - “Những dòng suối róc rách trong veo chảy từ đại ngàn, là những dòng nước được vắt ra từ cái vặn mình của núi rừng, từ tinh túy của thiên nhiên bao la… Tập san “Suối ngàn”, dòng suối chảy ra từ đại ngàn ấy là những vần thơ, trang văn được chắt ra từ tâm hồn trong sáng của các em…” Đó là những lời tựa của Tập san “Suối ngàn” - sản phẩm trí tuệ, văn hóa của cô và trò Trường PTDTNT- THPT số 2 Nghệ An.

Từ số đầu tiên xuất bản vào đúng dịp lễ tri ân cô thầy 20/11/2012, đến nay, tập san văn hóa, tinh thần của cô và trò nhà trường đã có 4 số và hiện đang trong khâu biên tập cuối cùng để “ra lò” số thứ 5. Cầm trên tay những trang bản thảo còn ấm hơi mực in, không khỏi rưng rưng bởi những dòng văn, câu thơ chất phác mà vẹn nguyên xúc cảm thành thực của các học trò về mái trường, về quê hương, về những ngọn núi, dòng khe tuổi thơ. Có bài thơ được đặt tựa rất giản dị và thân thương: “Mẹ!”:

Tập san “Suối ngàn” đã trở thành món ăn tinh thần của học sinh các dân tộc thiểu số.
Tập san “Suối ngàn” đã trở thành món ăn tinh thần của học sinh các dân tộc thiểu số.

“Nhớ lắm mẹ ơi những chiều thinh lặng

Gió ngoằn nghèo quấn quýt mái nhà tranh

Ngồi bên mẹ ngọn lửa hồng sưởi ấm

Con cua càng ướm đỏ cả nồi canh…”.

(Lý Thị Hoài. K1- A1)

Và cả những cảm xúc yêu thương, nuối tiếc của học sinh cuối cấp, khi ngỡ ngàng nhận ra rằng, thời gian đang trôi qua rất nhanh, những kỷ niệm hoa niên dưới mái trường cùng thầy, cô, bè bạn sẽ chỉ còn đọng lại trong trí nhớ. Tôi khẽ nhẩm đọc vài câu thơ được viết bằng tay, ký tên là Lê Thị Cúc (K1- C1). Bài thơ được viết bằng màu mực xanh, nét chữ nắn nót với những móc câu điệu đà, được tác giả đặt tên là “Mùa cuối”:

“Thu sao lãng rồi ngơ ngác tháng năm

Tán bàng tuổi thơ còn hồn nhiên đứng đợi

Câu hát nào nghe xa xăm vời vợi

Mùa Thu rồi… và thế… mai xa

Thu để tìm nhặt những ký ức đã qua

Lớp học tầng hai như thiên đường bé nhỏ

Một bậc thang, hai bậc thang có nụ cười hoa cỏ

Chào mỗi sáng tinh khôi!...”.

Cứ thế, mỗi trang bản thảo là mỗi tâm tình được bộc bạch, không chỉ có học sinh, mà cả các thầy, cô giáo cũng gửi gắm vào Tập san “Suối ngàn” những tình cảm thiết tha với mái trường. Thầy giáo Đặng Phúc Long, vốn vẫn thường được học sinh bấm nhau rằng “khó tính”, đã chọn cách gửi những tâm sự vào thơ để nhắn nhủ đến các em:

“… Trong giấc mơ có đại ngàn, thành phố

Tiếng suối chảy lồng dòng xe xuôi ngược

Ngọn núi khuất sau tòa nhà cao ốc

Hồi trống dài báo hiệu của tương lai…”.

Lan tỏa khắp những số của Tập san “Suối ngàn”, là tình cảm chân thành trong sáng, và cái mạch xúc cảm tự nhiên ấy chính là điều mà những người ấp ủ ý tưởng có một tờ tập san mộc mạc, giản dị, thật đúng và thật trúng tâm tư của thầy và trò nhà trường hướng đến. Các thầy, cô giáo trong Ban Biên tập tạp san, chỉ cắt gọt đi những lỗi văn phạm nhỏ, sắp xếp chút ít lủng củng câu chữ và chính tả, còn thì tất thảy đều được giữ nguyên. Câu thơ có thể vụng về, dòng văn vẫn chưa hẳn là suôn sẻ, nhưng trên hết, cái mạch ngầm chân chất và tinh khôi sẽ là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, thi cảm của các em. Cũng với ý nghĩa như vậy, Tập san “Suối ngàn” không ấn định cụ thể số trang, bởi tất cả những tác phẩm các em gửi đến, thầy cô giáo đều cố gắng sắp xếp để đăng, những mong mang lại hứng thú và niềm vui cho những cây viết trẻ.

Tham gia viết cho tập san còn là một cách để rèn chữ, luyện văn. Trong niềm vui hồ hởi vì nhận được tin: bài tản văn của mình được các thầy, cô khen hay, em Vi Phương Thảo, học sinh lớp 12 C1 chia sẻ với chúng tôi: “Em viết tản văn về quê hương em - Châu Hội, Quỳ Châu. Số tập san nào, em cũng tham gia, và các thầy, cô động viên là càng về sau, em viết càng tốt hơn. Mỗi khi tạp san xuất bản, em và các bạn đều đọc thật kỹ bài của mình để xem thầy, cô đã biên tập những lỗi gì để rút kinh nghiệm. Điểm số môn Văn của các bạn trong lớp em cũng được cải thiện nhiều, vì qua các bài viết cho tạp san, chúng em học được cách viết đúng ngữ pháp, viết có tình cảm hơn”.

Đứng cạnh bên, say sưa cầm tạp san số 4 đọc kỹ càng từng tác phẩm, em Thò Bá Chò, học sinh lớp 11A1 nổi bật hơn cả bởi bộ trang phục đồng bào dân tộc Mông. Thì ra, Chò đang tập duyệt các tiết mục múa khèn, biểu diễn trang phục dân tộc cho màn biểu diễn chào mừng ngày phụ nữ Việt Nam (20/10) sắp tới, tranh thủ lúc nghỉ giữa buổi, em chạy xuống thư viện trường đăng ký xin mượn một cuốn tập san để cuối tuần này về quê, mang theo đọc cho bố mẹ, bạn bè nghe. Thò Bá Chò nhỏ nhẹ chia sẻ: “Quê em ở Tri Lễ, Quế Phong. Ở quê, bạn bè có những người không có điều kiện học lên cao nhưng vẫn rất thích đọc báo, đọc sách. Em mượn tập san về để cho các bạn đọc, với lại, để khoe với các bạn là mình có bài đăng báo!”

Những niềm vui giản dị của các em học sinh Trường PTDTNT - THPT số 2 Nghệ An hiện hữu chân thành trong buổi sáng ngày Thu tháng Chín như những dòng suối ngàn hợp lưu về biển cả, mái trường đã trở thành ngôi nhà chung thương yêu, nơi chắp cánh ước mơ tương lai của các em.

Bài, ảnh: Phương Chi