Doanh nghiệp nhà nước cản trở tự do cạnh tranh

04/11/2014 21:44

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, yếu tố cản trở tự do cạnh tranh nhiều nhất chính là doanh nghiệp nhà nước.

Tiến độ tái cơ cấu kinh tế đang diễn ra chậm khiến nhiều Đại biểu Quốc hội lo lắng. Phát biểu tổng kết phiên thảo luận cuối tuần trước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh: “Vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế là một chủ trương lớn nhưng thực hiện chậm và hiệu quả còn thấp. Tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp mặc dù đã có đề án tổng thể chung nhưng việc triển khai cũng chưa đạt yêu cầu và mục tiêu còn phân tán. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước triển khai chậm, trong đó cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng chưa đạt được mục tiêu đề ra....”.

Duy trì hệ thống tự trì trệ để... kiếm ăn?

PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, có lẽ do thời gian qua, những khó khăn ngắn hạn rất gay gắt nên phải tập trung vào gỡ các khó khăn này. Gần đây, Chính phủ đã có những động thái mới để xoay chuyển tái cơ cấu. Tuy nhiên, “nói động thái mới là nói về sự khởi đầu có khả quan. Tiếc là, ở Việt Nam có tình trạng đoạn đầu khai mạc thường hay, nhưng triển khai còn lắm vấn đề, nhiều khi không theo như mục tiêu đặt ra”- ông Thiên trăn trở.

Doanh nghiệp nhà nước có nhiều đặc quyền, đặc lợi, độc quyền (Ảnh minh họa: KT internet)
Doanh nghiệp nhà nước có nhiều đặc quyền, đặc lợi, độc quyền (Ảnh minh họa: KT internet)

Mặc dù vậy, động thái mới rõ nhất trong việc Chính phủ đang nỗ lực để đẩy nhanh hơn tái cơ cấu là việc Chính phủ đã mời các bộ, ngành cùng đánh giá về lý do tại sao chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam “tậm tịt”, trong đó có chỉ số về giờ làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp, giờ nộp thuế... cao ngất ngưởng so với các nước ASEAN. Vì sức lực doanh nghiệp vốn đã yếu mà phải gánh thêm chi phí thời gian đi làm thủ tục rất lằng nhằng.

Ông Thiên cho rằng, “tình trạng này làm cho doanh nghiệp càng yếu. Đây là điểm mà Chính phủ đã đánh giá là đang có vấn đề. Vậy nên, Chính phủ quyết tâm giảm giờ nộp thuế”.

Kết quả bước đầu sau khi Chính phủ chỉ đạo giảm giờ nộp thuế, ông Thiên cho biết: Đã có tính toán chỉ ra có thể giảm từ hơn 800 giờ xuống còn hơn 300 giờ vào cuối năm. Nhưng Chính phủ quyết liệt yêu cầu phải giảm thật sự, tiến đến hết 2015 có thể tiến sát như các nước khác. Sau đó, các cơ quan liên quan tiếp tục họp bàn, và sau vài tháng đã có tính toán khẳng định có thể giảm xuống được khoảng vài trăm giờ.

“Điều này thể hiện đã có sự cố duy trì hệ thống tự trì trệ. Chắc do trì trệ thì kiếm ăn được nên không ai muốn bỏ. Qua việc giảm giờ thuế này chứng tỏ, khi Chính phủ đặt ra vấn đề trách nhiệm, giao việc đã làm được ngay. Hóa ra đột phá trong mọi sự xoay chuyển nằm ở hệ thống điều hành có trách nhiệm cá nhân”.

Dẫn ví dụ thực tiễn từ Bộ GTVT, ông Thiên cho biết: Bộ trưởng Đinh La Thăng giao cho các Tổng giám đốc lên làm mà từ nay đến cuối năm 2014 mà không cổ phần hóa công ty được thì chuyển đi nơi khác, có thể lên cao hơn, thấp hơn, hoặc đi ngang... và đi đâu chưa biết, tùy theo năng lực. Quan điểm này thể hiện rõ giao trách nhiệm cá nhân, giao việc mà không làm được thì phải chuyển đi nơi khác. Quán triệt điều này đã thúc đẩy cho “Bộ GTVT đang là một trong ít Bộ có tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhanh nhất, hiệu quả rất ổn. Đây chính là cách tiếp cận vấn đề tháo gỡ nút ách tắc chính là cơ chế gắn trách nhiệm cá nhân. Còn lâu nay ở nước ta có tình trạng quy trách nhiệm tập thể nên không ai chịu lo” - ông Thiên đánh giá.

Nói về tác hại của sự trì trệ, thủ tục rườm ra, ông Thiên dẫn ví dụ, ở Việt Nam, để làm thủ tục cho 1 container ra khỏi bến mất 21 ngày, còn thế giới, ngay ở Đông Nam Á chỉ mất 10-12 ngày. Trong khi đó, chỉ cần giảm đi mỗi ngày là đất nước được lợi thêm 1,6 tỷ USD. Tức là tiềm năng để thúc đẩy mang lợi ích cho doanh nghiệp là rất lớn, từ đó cũng thúc đẩy đất nước phát triển”.

Doanh nghiệp nhà nước cản trở tự do cạnh tranh

Những hành động quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, giảm giờ nộp thuế... ông Thiên cho đó là sự “cởi trói” đang được Chính phủ quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, đó mới chỉ là về phía Nhà nước. Còn về phía doanh nghiệp, yếu tố thị trường cũng rất quan trọng. Bởi vì logic của tái cơ cấu là phải phù hợp logic của thị trường.

Ở khía cạnh này, Chính phủ đã đặt vấn đề phải tạo ra môi trường cạnh tranh trước, rồi những chuẩn mực giá cả thị trường phải được thiết lập, không để tình trạng nhà nước định giá. Cho nên, vấn đề đặt ra là phải đưa hệ thống các giá cơ bản phải về đúng quy luật giá cả của thị trường, trên nền đó để tái cơ cấu. Còn về cạnh tranh, yếu tố cản trở tự do cạnh tranh nhiều nhất chính là doanh nghiệp nhà nước. Vì doanh nghiệp nhà nước có nhiều đặc quyền, đặc lợi, độc quyền. Nay tháo gỡ được điểm này thì tự nhiên môi trường cạnh tranh sẽ tự nới ra, rồi dần lớn lên.

Do đó, PGS, TS Trần Đình Thiên đề nghị cách tiếp cận tái cơ cấu theo 2 tuyến: Một là, theo hướng thị trường, dựa đúng nguyên tắc thị trường để tái cơ cấu; hai là, Nhà nước dùng chế tài theo trách nhiệm cá nhân. Nếu làm được hai cách này, nền kinh tế sẽ xoay chuyển nhanh và rất cơ bản.

Còn ĐBQH Đặng Ngọc Quỳnh (Đoàn tỉnh Hưng Yên) đề nghị doanh nghiệp nhà nước phải đảm bảo một nguyên tắc tài chính công khai, minh bạch, rõ ràng để tránh tình trạng khi cần chi thì bảo có lãi, khi cần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì bảo lỗ. Khi giao chức trách, nhiệm vụ thì phải xác định rõ ràng quyền hạn và nhiệm vụ của thủ trưởng đơn vị. Thủ trưởng của doanh nghiệp nhà nước cần phải có một quyền hạn tối đa trong quyết định sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình. Đồng thời, cũng phải chịu trách nhiệm rõ ràng và chịu trách nhiệm đến cùng khi kết quả sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả. Đảm bảo nguyên tắc "bảo toàn vốn và tài sản của nhà nước"./.

Theo VOV