Chào mừng Ngày Khuyến học Việt Nam(2/10): Con đường và ô cửa
(Baonghean) - Là con đường, như bao con đường quê khác, nhưng mỗi lần về qua, giẫm bước chân mình trên đó, tôi vẫn thấy nghẹn lòng. Con đường này đây, của 50 năm về trước, mỗi sáng, cha tôi, với chân trần độc hành cùng gió, cùng rét buốt, cùng mưa dầm...
Đường đến trường. Ảnh internet |
Có lần tôi đã hỏi cha: Sao cha không thấy sợ, khi một mình trên đường từ 4 giờ sáng? Cha tôi nói: Có chứ, đã có những lúc cha sợ cả bóng tối phía sau lưng, sợ cơn gió rít, sợ cái hun hút trước mặt... Thế nhưng, mỗi lúc như vậy, cha lại nghĩ đến cái ánh lửa bập bùng trên bếp, bà nội đã trở dậy từ 3 giờ sáng để nấu cơm hay luộc khoai cho con ăn đến trường. Cha lại nghĩ đến bàn tay bà sàng từng hạt thóc, hạt cám cho phiên chợ sớm, gom góp đóng tiền học, cái lay khẽ khàng: Dậy đi, gà gáy rồi con! Cha nghĩ về những giọt mồ hôi đẫm lưng áo ông nội tôi trên cánh đồng chiêm trũng. Và giọng nói nghiêm khắc của ông: “Khó đến mấy con cũng phải học. Nhà ta vất vả, các em gái con đã phải nghỉ học sớm để nhường cho anh mình được tới trường, con không thể nản lòng...” 15 cây số, cha tôi đã đi bộ ròng rã mỗi ngày trên đôi chân chai cứng và có khi tứa máu để học những năm cấp 3. Sau này, khi cha tôi, được coi là người thành đạt, và ông bà tôi cũng đã thành người thiên cổ, cha vẫn nhắc chúng tôi cúi đầu trước đôi tay sần sùi, thô ráp của các o tôi. Ông nói: Chính những đôi tay đó đã giúp cha chạm tới ước mơ và có được hôm nay.
Lại nhớ, khi tôi học tiểu học, mỗi lần tôi cầm cặp đến trường, tôi lại nhìn sang ô cửa sổ nhà hàng xóm, vì biết ở đó có đôi mắt tròn xoe, đen lay láy của cô bạn mồ côi cha mẹ, bị liệt từ nhỏ đang dõi theo mình. Có lần cô bạn rơm rớm nước mắt nói với bà: “Cháu muốn được đi học giống bạn ấy!”. Và buổi sáng nào tôi cũng đến lớp với nỗi buồn vẩn vơ, với một cảm giác xót thương, áy náy...
Tiếng trống trường rộn ràng thúc giục, bọn học sinh chúng tôi nhao nhao chen nhau vào lớp. Những bài học bắt đầu, cô giáo dạy những điều với chúng tôi là vô cùng mới mẻ, hấp dẫn. Giọng đọc thơ của cô mới mượt mà, êm ái biết bao! Những bài thơ nói về rặng dừa của bà nội, về cái chân đau của ông, nói về bố mẹ và mọi thứ xung quanh ta, nói về cả những điều mà chúng ta vẫn thấy hàng ngày, nhưng thường không cảm nhận được hết ý nghĩa của chúng... Trong thâm tâm, tôi đã rất muốn kể lại cho cô bạn mồ côi rụt rè ấy tất cả những niềm vui từ buổi học, kể về giọng đọc truyền cảm của cô, về bài toán khó mà thú vị tôi vừa tìm được đáp án, về loài gấu trắng sống ở Bắc Cực, chim cánh cụt ở Nam Cực, người đầu tiên phát hiện ra châu Mỹ... Tôi thường hình dung trong ô cửa sổ bé nhỏ ấy, cô bé dõi mắt lên bầu trời bao la kia và khao khát những gì.
Nhiều năm trong cuộc đời mình, tôi hằng nghĩ về mơ ước của cô bé mồ côi trong ô cửa sổ. Tôi biết, tri thức không phải là thước đo giá trị một con người, nhưng nó mở ra cho chúng ta nhiều cánh cửa để ta có thể bước vào đời trên con đường rộng thênh thang. Ô cửa sổ bé nhỏ của cô bé mồ côi, có thể ở đó cô vẫn tìm thấy cho mình một cách sống, một cuộc đời hạnh phúc, nhưng ngay từ đầu nó đã khước từ cô nhiều lựa chọn. Và nữa, tri thức sẽ mang lại cho ta sức mạnh và những kỹ năng cần thiết để sống, thậm chí mang lại cho cảm xúc của ta một lý lẽ, để nó trở nên sáng rõ và có tính hướng thiện.
Bởi vậy mà nhiều lần, tôi đã không ngăn được nước mắt khi biết về những số phận mồ côi, gia đình nghèo khó phải bỏ học, những em bé thay vì đến trường lại phải cùng người lớn lặn lội kiếm sống. Và tôi cũng hiểu vì sao, bao nhiêu người tôi gặp, họ đã bấm chân mình trên bao nhiêu đèo dốc, vượt bao sông suối để đến cùng con chữ. Những bàn chân tứa máu, như bàn chân của cha tôi khi xưa, với khát khao được thấy bầu trời rộng hơn.
Tôi tin chắc rằng, với bất cứ ai trong chúng ta, một ô cửa sổ giống như nơi cô bé với đôi mắt tròn đen ngày xưa ấy ngồi, cũng là quá nhỏ. Bầu trời rộng lớn lắm, và chúng ta cần những ô cửa lớn hơn. Những ô cửa được mở ra với tình yêu thương, và biết bao gửi gắm, có khi chỉ bằng những bàn tay sần sùi, thô ráp như của các o tôi...
Nghệ An cuối tuần